Khi giá dầu thô Nga giảm, nhiều ông lớn châu Á dù rất thèm muốn nhưng lại lo ngại về các thách thức về hậu cần như việc vận chuyển hay bảo lãnh ngân hàng.
Vượt qua những lo ngại của các nhà phân tích, dầu thô xuất khẩu của Nga vẫn đứng vững và chưa có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng bất chấp lệnh trừng phạt bao vây.
Các lô hàng dầu thô của Nga đã phục hồi mạnh mẽ trong tuần đầu tiên của tháng 4, lên mức cao nhất của năm 2022 cho đến nay, cơ quan chuyên theo dõi dầu thô rời các cảng của Bloomberg News cho biết vào hôm 11/4.
Tìm đường đến châu Á
Trong bối cảnh than đá, dầu mỏ và khí đốt của Nga đang hứng chịu lệnh trừng phạt và kêu gọi tấy chay của các khách hàng lâu năm ở châu Âu, Moscow tìm đường đến châu Á.
Các chuyến hàng dầu thô xuất khẩu của Nga phải thực hiện những chuyến đi dài hơn và phức tạp hơn nhiều để tiếp cận những người mua có thiện chí hơn ở châu Á.
Hôm 13/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định, Moscow sẽ tìm kiếm những khách hàng mới cho các sản phẩm từ năng lượng của mình cả trong nước và nước ngoài.
“Đối với dầu mỏ, khí đốt và than đá Nga, chúng tôi sẽ tăng mức tiêu thụ trong nước và tăng cường cung cấp năng lượng sang các khu vực khác trên thế giới, ở những nơi mà họ thực sự cần”, ông Putin tuyên bố.
Hiện tại, dầu thô Nga đang được bán với giá có mức chiết khấu mạnh, khiến Trung Quốc và Ấn Độ rất thèm muốn mua.
Tuy nhiển, thách thức đặt ra là dịch vụ hậu cần rất khó khăn. Việc vận chuyển dầu từ Biển Đen và các cảng ở vùng Baltic của Nga đến châu Á cũng như nguồn cung cấp tàu chở dầu khan hiếm, bảo lãnh ngân hàng hay bảo hiểm cho người Nga.
Chính khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa sẽ hạn chế lượng dầu mà châu Á có thể sử dụng cũng như giúp bù đắp lỗ hổng cho những hạn chế xuất khẩu dầu của Nga đến châu Âu.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, do sự thay đổi lớn trong các tuyến thương mại toàn cầu, châu Á – khu vực nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới – vẫn khó có khả năng bù đắp tất cả lượng dầu Nga mà châu Âu đang tẩy chay.
Thách thức hậu cần
Khi xung đột ở Ukraine vẫn tiếp tục leo thang, sự dịch chuyển trong các tuyến đường thương mại dầu mỏ hiện vẫn đang diễn ra.
Thực tế là một lượng dầu nhất định trước đó Nga vận chuyển sang phương Tây sẽ được châu Á thay thế nhưng không phải là tất cả, cũng do thách thức hậu cần này.
Giám đốc Toàn cầu về Chiến lược Lãi suất Ngắn hạn tại Credit Suisse, ông Zoltan Pozsar, từng là cố vấn cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nguyên nhân là do chuyến đi chở dầu đến châu Á phải kéo dài 2 tháng (và đi về là kéo dài đến 4 tháng).
Việc vận chuyển dài ngày như thế này sẽ đòi hỏi cần nhiều tàu chở dầu cỡ lớn, nhưng đây là những loại tàu không có sẵn trên thị trường tàu chở dầu toàn cầu hiện nay.
Trước cuộc xung đột ở Ukraine, mỗi ngày có 1,3 triệu thùng dầu được vận chuyển từ các cảng Primorsk và Ust Luga ở vùng Baltic của Nga đến châu Âu trên các tàu cỡ lớn Aframax.
Các chuyến hành trình đến Hamburg hoặc Rotterdam chỉ mất 1 hoặc 2 tuần, ông Pozsar cho biết thêm.
Chẳng hạn nếu Nga cần chuyển cùng một lượng dầu như vậy đến Trung Quốc ngay lúc này thì vấn đề hậu cần đầu tiên mà nước này phải đối mặt là không thể tải dầu Urals lên các tàu VLCC (các tàu siêu lớn) ở Primorsk hoặc Ust Luga, vì các cảng đó không đủ sâu để các tàu VLCC cập bến.
“Trước tiên, Nga sẽ phải điều các tàu Aframax đến một cảng khác để nhận dầu thô”, ông Pozsar nói.
Việc chuyển giao sẽ mất vài tuần, và sau khi chuyển giao xong, tàu VLCC sẽ đi về phía đông trong 2 tháng, giao hàng và quay trở lại các cảng ở vùng Baltics, tức là mất ít nhất 4
tháng.
“Tệ hơn nữa, không chỉ đến lúc thị trường tồi tệ hơn, mà vấn đề là còn thiếu tàu VLCC và giá cước vận chuyển tăng cao liên tục”, ông nói thêm.
Theo phân tích của Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong “Báo cáo thị trường dầu hàng tháng” mới nhất được công bố trong tuần này, các thị trường tàu chở dầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những bất ổn liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
“Giá cước tàu chở dầu Aframax giao ngay quanh Địa Trung Hải đã tăng hơn 70% trong tháng 3 so với mức tháng 1, trong khi giá cước tàu Suezmax giao ngay tại khu vực Đại Tây Dương cao hơn khoảng 50% so với cùng kỳ”, OPEC cho biết.
Thực tế giá dầu Nga giảm mạnh thu hút những khách hàng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhưng cả hai ông lớn châu Á này vẫn không dám mua nhiều dầu Nga vì nhiều lý do.
Theo tập đoàn toàn cầu về năng lượng Wood Mackenzie, các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ phải đối mặt với thách thức trong việc tiếp nhận quá nhiều dầu thô của Nga trong ngắn hạn vì đã ký các hợp đồng với các nhà sản xuất Trung Đông.
Trung Quốc cũng tỏ ra chưa cần dầu thô của Nga vì một số yếu tố lớn khác.
Đó là chi phí vận chuyển đắt đỏ đối với hàng hóa Nga do các lệnh trừng phạt, thách thức với thanh toán và bảo hiểm tàu chở dầu cùng với thực tế là thời gian di chuyển của tàu chở dầu từ Nga cao hơn gấp đôi so với các tuyến hàng từ Trung Đông đến Trung Quốc.
T.P