Dưới đây là bài bình luận về cuốn sách sắp xuất bản Forbidden City (Tử Cấm Thành) của Vanessa Hua, Ballantine Books.
“Giống như hộp đựng trong hộp, và câu đố trong câu đố” – đây là cách nữ nhà văn người Mỹ gốc Hoa mô tả bản đồ Bắc Kinh cũ. Nằm ở trung tâm của các ô vuông đan xen vào nhau là Tử Cấm Thành, nơi hoàng đế cai trị và sinh sống, các sảnh hành lễ được xây dọc theo “long mạch” chạy từ bắc xuống nam, đi xuyên qua trung tâm thành phố.
Nằm về phía tây của cung điện, nhưng vẫn là một phần của “Hoàng thành,” là các hồ nước và vườn cây của Trung Nam Hải – “biển miền trung và miền nam” – nơi hoàng đế và các thành viên hoàng gia có thể thoát khỏi sự ngột ngạt của những cung điện có tường vây kín của Tử Cấm Thành, hoặc đơn giản là có thể tránh được cái nóng mùa hè bên dưới bóng râm của một cây liễu.
Năm 1949, nhà lãnh đạo mới, Mao Trạch Đông, chuyển đến cư trú tại Trung Nam Hải. Ông đã từng hoài nghi về việc xây dựng hình ảnh bản thân, cũng như chính phủ, gắn với trung tâm của cổ thành Bắc Kinh, nhưng sau một thời gian ngắn ở lại khu vực Tây Sơn, ông đã bị thuyết phục chuyển đến một khu phức hợp tại đây. Năm 1966, ông dọn về sống tại một căn nhà nằm gần bể bơi của khu phức hợp.
Trung Nam Hải đã trở thành hộp đen của chính trị Trung Quốc. Đằng sau những bức tường sơn son cao ngất của nó, các thành viên cấp cao nhất của đảng đã sống và làm việc, vượt ra ngoài tầm nhìn và sự soi mói của dân thường.
Có rất ít thông tin về cuộc sống ở Trung Nam Hải. Năm 1994, hồi ký của vị bác sĩ riêng của Mao, Lý Chí Thoả, đã được xuất bản, trong đó kể lại chi tiết – dù vẫn có phần gây tranh cãi – về đời sống chính trị và tính cách của những người đứng đầu đảng. Phần gây sốc nhất trong cuốn sách là những đoạn viết về xu hướng tình dục của Mao: đặc biệt là sở thích lựa chọn những cô gái trẻ tại các buổi khiêu vũ của giới lãnh đạo trong khu nhà, sau đó dẫn họ đến một căn phòng được chuẩn bị đặc biệt, nơi có sẵn một chiếc giường đôi.
Hồi ký của Lý kể về việc Mao đã lây lan bệnh hoa liễu cho các thành viên của vũ đoàn, những người cũng là bạn tình của các cán bộ, cũng như việc ông không chịu nghe theo lời khuyên của bác sĩ là phải giảm bớt hoạt động tình dục, thậm chí còn không giữ vệ sinh cơ bản: “Tôi tắm bên trong cơ thể của những người phụ nữ của tôi,” ông nói với Lý.
Qua tiểu thuyết Forbidden City, Vanessa Hua đã cố gắng lên tiếng thay mặt cho những cô gái không có tiếng nói và bị bóc lột ấy, những người bị đưa vào Trung Nam Hải để thỏa mãn Mao. Cuốn sách được viết như một lời thú nhận của Mei Xiang, người mà ở phần đầu câu truyện còn chưa tròn 16 tuổi.
Bối cảnh là năm 1965, thời điểm đất nước đang trên đỉnh của cuộc Cách mạng Văn hóa. Mei được chọn tham gia một đoàn ca múa cách mạng ở Trung Nam Hải, và chẳng mấy lâu sau, cô đã được Chủ tịch chọn – không ai trong số các nhà lãnh đạo trong tiểu thuyết được nêu tên – và được đưa khỏi sàn nhảy, sang căn phòng bên cạnh.
Mei nhanh chóng trở thành bạn tâm giao của Chủ tịch, bị vợ ông ta, Giang Thanh, hay “Phu nhân”, nghi ngờ, bị các cô gái khác trong đoàn văn công ghen ghét, và bị cuốn vào vòng xoáy mưu đồ của thời đại.
Câu chuyện của Mei, được hồi tưởng lại, vào năm 1976 khi cô đang ở San Francisco, gây xúc động nhiều nhất là bởi những suy tư cá nhân của nó: sự lo lắng của thiếu nữ khi nghĩ về gia đình mà cô bỏ lại ở quê nhà, cảm giác bất an sâu sắc của cô về vị trí trong vũ đoàn, và sau này là về mối quan hệ của cô với Chủ tịch, cùng nỗi sợ không gian kín ngày một lớn hơn – những đoạn văn đó đem lại cho người đọc cảm giác chân thật mạnh mẽ.
Những cảnh quan hệ tình dục giữa Chủ tịch 72 tuổi và thiếu nữ Mei được viết thẳng thắn đến kinh ngạc. Hua đã kiên quyết không nói giảm nói tránh trong chủ đề này, và sự chân thật đó có thể khiến ta buồn nôn.
Tuy nhiên, thách thức của ngôi kể thứ nhất luôn là ở cách trình bày câu chuyện, và tiểu thuyết của Hua vẫn phải kết hợp thêm các đoạn văn giải thích để giới thiệu về bối cảnh chính trị quay cuồng và phức tạp của thời đại.
Được trình bày dưới dạng đối thoại hoặc độc thoại nội tâm, những đoạn giải thích này đã giúp câu chuyện được ngắt quãng, kéo người đọc ra khỏi thế giới cảm xúc từ trải nghiệm cá nhân của Mei.
Hua viết trong phần Ghi chú của Tác giả rằng “tiểu thuyết sẽ nở hoa nơi những tư liệu chính thức kết thúc.” Nó là một lời khẳng định rằng Forbidden City gần như là sự thật, bất chấp những thách thức của việc kết hợp giữa cá nhân và chính trị, khiến người đọc phải suy ngẫm về thực tế cảm xúc của những trải nghiệm đã cho thấy rằng quyền lực tuyệt đối sẽ suy đồi đến mức nào.
T.P