Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trong 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỉ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/4/2022, cả nước có 454 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,7 tỉ USD, tăng 0,7% về số dự án và giảm 56,3% về số vốn cam kết so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong giai đoạn này, có 323 lượt dự án FDI đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm đạt gần 5,29 tỉ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư nước ngoài còn thực hiện 1.026 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp đạt trên 1,8 tỉ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 10,8 tỉ USD, bằng 88,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn thực hiện của các dự án FDI ước đạt 5,92 tỉ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Dòng vốn FDI chảy vào 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 6,2 tỉ USD, chiếm 57,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư trên 2,8 tỉ USD. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn, bán lẻ; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt 667,8 triệu USD và 357,5 triệu USD.
Singapore là đối tác dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 3,1 tỉ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,82 tỉ USD. Các nhà đầu tư đến từ Đan Mạch đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,32 tỉ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,35 tỉ USD. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,57 tỉ USD. TP. HCM vượt lên xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,28 tỉ USD.
T.P