Friday, November 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMối lo ngại điểm nóng tiếp theo ở châu Âu sau Ukraine

Mối lo ngại điểm nóng tiếp theo ở châu Âu sau Ukraine

Những lo ngại đang ngày càng gia tăng về việc vùng ly khai Transnistria ở miền Đông của Moldova có thể bị cuốn vào cuộc xung đột ở nước láng giềng Ukraine.

Quảng trường trung tâm tại Tiraspol, thủ phủ của Transnistria.

Người lính biên phòng mang sắc phục Nga chìa tay ra khi tài xế xe tải đưa hộ chiếu và các giấy tờ khác, một giao thức vốn hoàn toàn bình thường và không gây chú ý, ngoại trừ việc nó đang diễn ra cách khu vực chiến sự khốc liệt chỉ vài trăm km.

Đó là Transnistria, dải đất hẹp chạy dọc đường biên giới Ukraine – Moldova, nơi ước tính có 20.000 tấn vũ khí, đạn dược và chất nổ từ thời Liên Xô và hơn 1.000 binh sĩ Nga đồn trú với tư cách lực lượng gìn giữ hòa bình.

Moldova lâu nay lo ngại Nga sẽ sử dụng Transnistria như một con đường để mở chiến dịch quân sự từ phía đông vào Ukraine hoặc phía tây vào Moldova. Một loạt vụ nổ ở Transnistria trong tuần này càng làm tăng thêm mối lo ngại.

“Đó là thực tế mà chúng ta đang thấy. Đó là điều thực sự khiến rất nhiều người lo lắng”, Olena Khorenjenko, 33 tuổi, một người tị nạn Ukraine ở Moldova cho biết.

Vào đêm 25/4, lựu đạn và tên lửa đã được bắn vào một tòa nhà chính quyền ở Tiraspol – thủ phủ của khu vực ly khai. Một căn cứ quân sự ở Parkany cũng bị tấn công. Rất may, các cuộc tấn công này đã không gây ra thương vong.

Nhiều vụ nổ hôm 26/4 đã phá hủy hai tháp truyền thanh ở thị trấn Mayak, nơi đang phát tín hiệu radio của Nga tới Transnistria. Các quan chức Moldova cho biết, các vụ nổ lần này là do súng phóng lựu gây ra.

Nhà chức trách đã gọi vụ việc là “các vụ tấn công khủng bố” và đặt lãnh thổ của vùng ly khai Transnistria trong tình trạng báo động cao. Các quan chức Moldova cáo buộc các cuộc tấn công được lên kế hoạch để “tạo cớ làm bùng nổ căng thẳng an ninh” trong khu vực tranh chấp.

Các vụ nổ xảy ra vài ngày sau khi một chỉ huy cấp cao của Nga tuyên bố những người nói tiếng Nga ở Moldova đang bị trấn áp mạnh tay.

Quân đội Ukraine vào cuối ngày 26/4 cảnh báo, quân đội Nga ở Transnistria “đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoàn toàn”. Ngoài ra, lực lượng an ninh của phe ly khai Moldova cũng đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng cao độ.

Mối lo ngại về điểm nóng mới

Tổng thống Volodymyr Zelensky từng công khai bày tỏ lo ngại binh sĩ Nga ở Transnistria có thể tấn công Ukraine từ phía tây.

Trên thực tế, rất ít người Moldova đến khu vực này vì nhiều mối lo ngại.

Những binh sĩ Nga ở đó chủ yếu để canh gác kho đạn dược, vốn bị bỏ lại sau khi quân đội Liên Xô rút khỏi châu Âu vào cuối Thế chiến II và để bảo vệ một xưởng đúc thép trong khu vực.

Transnistria đơn phương tách khỏi Moldova trong thời kỳ Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, và khu vực này là nơi sinh sống của những người có liên hệ với Nga, Romania và Moldova.

Liên Hợp Quốc không công nhận Transnistria là quốc gia độc lập và vẫn xem đây là một phần của Moldova. Tuy nhiên, trên thực có khoảng 500.000 người sống ở đó và hầu hết trong số họ tự coi vùng đất này là một “quốc gia độc lập” với tên gọi tự xưng là “Cộng hòa Moldova Pridnestrovian”, nơi có chính quyền, pháp luật và cả đồng tiền riêng.

Các quan chức Moldova từ lâu đã có cách tiếp cận thận trọng với Transnistria vì đề phòng Nga.

Trong cuộc xung đột với Ukraine, Moscow có thể dùng Transnistria làm nơi hỗ trợ y tế và thực phẩm, hộ tống đoàn xe vận tải và bảo vệ mạng lưới đường sắt. Đây cũng có thể là nơi an toàn để quân đội Nga chấn chỉnh lực lượng và sửa chữa trang thiết bị.

Mới đây, một quan chức quân đội Nga gây bất ngờ khi gợi ý rằng Moscow có thể thiết lập hành lang nối liền từ miền Nam Ukraine tới Transnistria, dù không quan chức cấp cao nào chính thức xác nhận điều này.

“Việc kiểm soát miền Nam Ukraine sẽ là một con đường nữa dẫn đến Transnistria, nơi thực tế cũng đang có hiện tượng người nói tiếng Nga bị áp bức”, tướng Rustam Minnekaev, quyền chỉ huy Quân khu Miền Trung của Nga, nói.

Phát biểu của ông Minnekaev khiến Moldova phản ứng gay gắt và làm dấy lên những tranh cãi và lo ngại về số phận của dải đất này.

Trong cuộc họp báo hôm 26/4, Tổng thống Moldova Maia Sandu đã nhắc lại cam kết lâu dài của bà về mối quan hệ hòa bình với Transnistria.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới