Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu Nga có "đi đêm" để TQ chiếm Biển Đông

Liệu Nga có “đi đêm” để TQ chiếm Biển Đông

Trung Quốc chưa bao giờ lãng phí các cuộc khủng hoảng, họ không chỉ “toạ sơn quan hổ đấu” mà luôn là “đục nước béo cò”. Rất nhanh, chế độ Bắc Kinh đang thử lòng Nga và năng lực mà họ cho là “đang ngày càng yếu nhược” của Mỹ trên Biển Đông. Đài Loan quá khó có thể nuốt trôi lúc này, nhưng Biển Đông thì nhiều cơ hội hơn vì rào cản duy nhất là Nga ở khu vực này đang trở thành ‘bạn thân’ của Bắc Kinh. Nhưng thái độ của Nga thì sao? Liệu vì cần đồng minh cho cuộc xâm lược Ukraine, Nga có để mặc Biển Đông cho ‘người bạn mới’ này hay không?

Tàu tuần duyên Trung Quốc (phía sau) đi cạnh tàu tuần duyên Việt Nam (phía trước) gần giàn khoan dầu mà Trung Quốc thiết lập trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, ảnh chụp ngày 14/52014 .

Phi công Trung Quốc tuyên bố ‘sẵn sàng thả bom’ đuổi mọi tầu chiến khỏi Biển Đông

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng vừa đưa tin hôm qua ngày 30/4/2022, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đăng tải video và lan truyền rộng rãi trên truyền thông của nước này cho thấy phi công của PLA (quân đội Trung Quốc) lái máy bay ném bom đang liều chết để ‘trục xuất’ tầu chiến nước ngoài khỏi Biển Đông.

Trong video này, một phi công Trung Quốc Gao Zengsong và các đồng đội đang thực hiện sứ mệnh chặn một tầu nước ngoài trong “lãnh hải Trung Quốc”, thực tế là vùng Biển Đông mà Trung Quốc đang tuyên bố sở hữu trái pháp luật quốc tế. Gao tuyên bố trong video” chúng tôi đã sẵn sàng để thả bom”.

Như vậy, Trung Quốc đã sử dụng không lực phối hợp với hải quân để xâm lược trái phép Biển đông. Với cách tuyên truyền trong video, Trung Quốc tuyên bố mọi tầu chiến của bất kỳ quốc gia nào dù đến từ Mỹ, EU hay Nga trên vùng biển đang tranh chấp này.

Trước khi phát hành video trên CCTV, Trung Quốc đã ra lệnh cho các quốc gia trong khu vực ‘cấm đánh bắt cá trái phép’ trên Biển Đông.

Như NTDVN đưa tin, chiều tối 29/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong 3 tháng tại Biển Đông, trong đó có vùng biển của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Lập trường của Việt Nam đối với lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán, được khẳng định rõ trong những năm qua”.

Theo đó, một phần phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000.

Động thái khai hoả với các tầu thuyền đánh cá, tầu chiến trên Biển Đông dù là của quốc gia nào là động thái leo thang chiến sự lớn nhất cho tới nay, sau một chuỗi các động thái hung hăng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

Từ ngày 04 đến 15/3/2022, Cục Hải sự Hải Nam, Trung Quốc, công bố nước này tổ chức tập trận tại khu vực Vịnh Bắc Bộ, giữa đảo Hải Nam và bờ biển Thừa Thiên Huế. Đây là khu vực hiện chưa được phân định ranh giới giữa Trung Quốc và Việt Nam sau nhiều vòng đàm phán. Đáng chú ý, khu vực tập trận đã vượt qua ‘đường trung tuyến’ phân định giữa đảo Hải Nam và bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Trung Quốc thậm chí đã lấn tới hơn 20 hải lý khỏi ‘đường trung tuyến’ vào bờ biển phía Nam của Việt Nam; khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vị trí gần nhất trong khu vực tập trận cách bờ biển Việt Nam khoảng hơn 50 hải lý, cách đảo Hải Nam Trung Quốc tới 90 hải lý.

Không chỉ tập trận, Trung Quốc liên tục sử dụng tầu hải cảnh tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam kể từ đầu năm 2022. Phía Philippines cũng liên tục tố cáo tầu hải cảnh của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, gia tăng sự hiện diện ở vùng biển thuộc hải quyền của họ.

Việt Nam đã và luôn hợp tác với cường quốc mà Trung Quốc không thể thách thức: Nga

Trang International Business Times (IBT) nhận định Trung Quốc đang tranh thủ cuộc chiến của Nga ở Ukraine để vừa ủng hộ Nga vừa đẩy mạnh chiến dịch thông trị Biển Đông. Bằng các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông giữa đảo Hải Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế, Bắc Kinh đang thử nghiệm chủ quyền của Hà Nội về vấn đề này.

Rõ ràng nhận định của IBT có lý. Sau cuộc tập trận, như đề cập ở trên, Trung Quốc đã dùng tới không lực để đánh đuổi mọi tầu chiến của các quốc gia khác xuất hiện trên Biển Đông; vùng biển Trung Quốc coi như ‘ao nhà’ bất chấp sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế.

Theo IBT, trong nhiều năm, Việt Nam đã có một chiến lược khôn ngoan để bảo vệ chủ quyền trước sự xâm lược của Trung Quốc, hợp tác với một cường quốc thế giới mà Bắc Kinh không thể thách thức: Nga.

Hà Nội và Moscow có mối quan hệ thân thiết kể từ sau Chiến tranh Lạnh khi Liên Xô cung cấp và hậu thuẫn cho miền Bắc chống lại miền Nam Việt Nam do Hoa Kỳ hỗ trợ. Sau khi tạm lắng vào những năm 1990 trong bối cảnh Liên Xô sụp đổ, quan hệ Việt-Nga đã nối lại và phát triển trong hơn một thập kỷ qua.

Để chống lại sức mạnh của Trung Quốc, Việt Nam chủ yếu cần các khoản đầu tư vũ khí và năng lượng của Nga ở Biển Đông. Theo một nghiên cứu đăng trên Winson Centre năm 2021, trong 25 năm qua, Nga đã cung cấp cho Hà Nội số vũ khí trị giá 7,5 tỷ USD. Bao gồm các hệ thống vũ khí phù hợp, tăng cường khả năng chống lại Trung Quốc của Việt Nam, chẳng hạn như tên lửa chống hạm, tàu ngầm lớp Kilo, máy bay chiến đấu và pháo phòng thủ bờ biển.

Ngoài vũ khí, Việt Nam đã rất khôn ngoan hợp tác với các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước hoặc bán quốc doanh của Nga hoạt động khai thác dầu khí trong vùng Biển Đông thuộc Việt Nam mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền. Bất chấp chính sách trung lập theo tuyên bố của của Moscow, các hãng Rosneft, Zarubezhneft và Gazprom đều đã hoạt động ngoài khơi bờ biển Việt Nam và thỉnh thoảng gây hấn với Bắc Kinh trong các cuộc đối đầu trên Biển Đông với Việt Nam, đáng chú ý nhất là vào năm 2019 gần lô 06-01 khai thác dầu khí của hãng Rosneft, gần Ngân hàng Vanguard ở Trường Sa.

Mặc dù không phải là một liên minh chính thức, nhưng Việt Nam rõ ràng đã tin tưởng rằng mối quan hệ của Hà Nội với Nga sẽ mang lại một số hậu thuẫn quốc tế trước cuộc xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Rõ ràng, chiến lược này đã phát huy tác dụng. Ở Biển Đông, Trung Quốc có thể vẫn gây áp lực lên các công ty năng lượng của Nga, nhưng những công ty của Nga thực sự có khả năng chống lại sự tức giận của Bắc Kinh; đây là điều mà các công ty khác, ngoài Nga, không có. Năm 2017, Việt Nam đã hủy bỏ dự án khoan dầu của công ty năng lượng Tây Ban Nha Repsol sau khi Trung Quốc gây hấn ở dàn khoan của công ty này trên vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Nhưng các công ty Nga vẫn tiếp tục khoan dầu ở các vùng biển tranh chấp bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Chừng nào Nga còn đang khai thác dầu ở Biển đông của Việt Nam, Trung Quốc cần phải cân nhắc việc trở nên quá hung hăng.

Biển Đông có nằm trên bàn thương lượng trong ‘tuyên bố chung’ của Nga – Trung?

Rõ ràng, rủi ro lớn nhất trong cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine là an ninh Biển Đông. Trong nhiều năm, Nga đã là chỗ dựa khôn ngoan của Việt Nam, đơn giản bởi vì Nga là cường quốc mà Trung Quốc không thể thách thức.

Nhưng vận thế xoay chiều. Cuộc chiến của Nga tại Ukraine khiến Nga rơi vào vị thế cô lập chưa từng có kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991. Lúc này, Trung Quốc trở thành quốc gia lớn hiếm hoi công khai ủng hộ Nga.

Trung Quốc và Nga kịp tuyên bố nâng cấp quan hệ và ra tuyên bố chung ngay trước khi Nga mang quân vào xâm lược Ukraine.

Theo thông cáo chung ngày 4/2 được ký kết sau hội nghị thượng đỉnh Nga – Trung ở Bắc Kinh, “phía Nga đánh giá tích cực quan điểm của Trung Quốc về việc xây dựng một ‘cộng đồng với một tương lai chung cho toàn nhân loại’” – đó là giấc mơ của ông Tập – trong khi “Trung Quốc tích cực đánh giá những nỗ lực của Nga trong việc thúc đẩy việc xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế công bằng và đa cực”.

Họ coi sự mở rộng lãnh thổ như một biểu tượng của việc khôi phục lại những vinh quang trong quá khứ. Do đó, ông Putin muốn nuốt chửng toàn bộ Ukraine, tuyên bố rằng Ukraine luôn là một phần của Nga. Ông Tập có ý định chiếm Đài Loan như một biểu tượng của “sự phục hưng dân tộc vĩ đại của Trung Quốc” và tuyên bố rằng hòn đảo này về mặt lịch sử là của Trung Quốc. Và hiện tại, Bắc Kinh đang muốn chiếm xong Biển Đông khi bắt tay với Nga trước cuộc chiến Nga – Ukraine.

Thực tế, Trung Quốc không bao giờ sử dụng từ ‘xâm lược’ để nói về cuộc chiến Nga – Ukraine. Trung Quốc tăng cường mua dầu khí, kim loại thiết yếu từ Nga trong bối cảnh nước này bị cấm vận và cô lập. Đây là những mặt hàng Trung Quốc đang cần tăng cường dự trữ trong khi có thể mua được giá rẻ từ Nga và đạt được các lợi thế ở với Đài Loan hay Biển Đông. Một mũi tên trúng 3 đích.

Chưa kể, trong khi một số ngân hàng và doanh nghiệp Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán đồng USD là SWIFT toàn cầu, Trung Quốc sẽ lập tức chào đón họ vào hệ thống thanh toán đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là CIPS; hệ thống mà Trung Quốc khao khát mở rộng nhưng chưa thành công.

Trước mỗi sự kiện chiến tranh, các nước lớn, các phe phái đạt được thoả thuận chung. Thông thường, các thoả thuận ấy là số phận các nước tiểu nhược mà các nước lớn đang có ‘thực quyền thao túng’. Sau cuộc gặp của cựu tổng thống Mỹ Nixon và Mao Trạch Đông vào tháng Hai năm 1972, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam rơi vào tay Trung Quốc năm 1974 và số phận Việt Nam quyết định vào năm 1975. Sau đó, Việt Nam buộc phải tham dự vào cuộc chiến chống diệt chủng Polpot ở Campuchia; thế lực do Trung Quốc hậu thuẫn. Sau cuộc chiến, dưới sự dẫn dắt của Mỹ, Việt Nam bị cấm vận nặng nề bất chấp sự thật về đội quân diệt chủng tàn ác hơn cả chế độ Nazis mà thế giới lên án. Trong cuộc chiến biên giới Tây – Nam khi đó, tội ác của Trung Quốc nuôi dưỡng, đạo tạo ra Polpot – kẻ diệt chủng 2 triệu người dân Campuchia – gần như bị tẩy trắng bởi hành động đưa quân vượt qua biên giới của Việt Nam.

Lịch sử luôn cho chúng ta các bài học đắt giá. Câu hỏi đặt ra là, liệu sau tuyên bố chung của Nga và Trung Quốc ngày 4/2/2022, chỉ 20 ngày trước khi Nga đưa quân tràn vào lãnh thổ Ukraine, có bao gồm thái độ của Nga với Biển Đông? Với các nhà quan sát chiến lược bên ngoài như chúng ta, chưa ai có câu trả lời thích đáng lúc này, nhưng rõ ràng, trong cuộc chiến Nga – Ukraine, Biển Đông trở thành khu vực chịu rủi ro nhất với Việt Nam.

Nga sẽ tập trận chung với Việt Nam trong bối cảnh leo thang căng thẳng Biển Đông

Trung Quốc coi Biển Đông là biển của họ và họ đã và đang làm bất cứ điều gì cần thiết để khẳng định chủ quyền trên một vùng nước rộng lớn như đe dọa các nước láng giềng bằng cách cho tàu của họ đi trong vùng biển tranh chấp và thực hiện các cuộc tập trận quân sự. Và giờ là cho máy bay ném bom đe doạ sẽ huỷ đi bất cứ tầu chiến nào khu vực.

Đe doạ Trung Quốc đưa ra sau khi tin tập trận chung xuyên lục địa giữa Nga và Việt Nam được tung ra.

Theo tin từ truyền thông Nga ngày 19/4/2022, Việt Nam và Nga sẽ tham gia tập trận chung mang tên Liên Minh Lục địa 2022. Thông tin tập chung Việt – Nga vào giữa cuộc chiến Nga – Ukraine đã làm bùng lên các chỉ trích Việt Nam trong việc phải bày tỏ quan điểm phản đối Nga.

Theo báo chí trong nước, ngày 21/04/2022 phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng giải thích: “Chủ trương nhất quán của Việt Nam là các hoạt động hợp tác quốc phòng với các nước, bao gồm giao lưu, luyện tập chung, phục vụ hội thao, hội thi nhằm tăng cường hợp tác hữu nghị đoàn kết tin cậy và hiểu biết lẫn nhau vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới”.

Hôm 19/04/2022 hãng tin RIA Novosti cho biết bộ Quốc Phòng Nga và Việt Nam đã họp trực tuyến, bàn về kế hoạch cuộc tập trận chung Liên Minh Lục Địa 2022. Vẫn theo nguồn tin này, hai bên Việt – Nga đã đồng ý về “chủ đề cho cuộc tập trận sắp tới, thời điểm và địa điểm”. Đại diện quân sự hai nước cũng đã “thảo luận về các vấn đề hỗ trợ hậu cần, y tế, và các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao”.

Chưa rõ, cuộc tập trận có diễn ra trên Biển Đông hay không và liệu đây có phải là lý do mà Trung Quốc tuyên bố sẽ đánh bom bất kỳ tầu chiến nào đang xuất hiện ở khu vực Biển Đông hay không.

Dù gánh chịu nhiều búa rìu chỉ trích của dư luận trong nước, sức ép ngoại giao của Mỹ và EU về cuộc tập trận Nga – Việt, nhưng rõ ràng, trước mối đe doạ của Biển đông, trước ưu tiên an ninh quốc gia, Việt Nam đang rơi vào thế khó có thể làm hài lòng tất cả.

Trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây trừng phạt vì xâm chiếm Ukraina, Biển Đông đang bị đe doạ ‘xơi tái’ bởi Trung Quốc, cuộc tập trận chung Liên Minh Lục Địa 2022 có thể là dấu hiệu cho thấy “Việt Nam muốn chứng minh rằng Nga vẫn là một người bạn đáng tin cậy của Việt Nam”. Đây có lẽ là thông điệp mà Việt Nam muốn gửi tới Trung Quốc chứ không phải Mỹ hay Châu Âu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới