Nhân dân tệ bị suy yếu có thể giúp cho Trung Quốc cạnh tranh trong việc xuất khẩu nhưng người dân trong nước sẽ gánh chịu thêm gánh nặng khó khăn.
Nhân dân tệ bị suy yếu có thể giúp cho Trung Quốc cạnh tranh trong việc xuất khẩu nhưng người dân trong nước sẽ gánh chịu thêm gánh nặng khó khăn.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc PBOC hôm nay 9.8 đã đặt điểm neo chính thức cho đồng nhân dân tệ ở mức 7,0136 tệ ăn 1 USD – mức yếu nhất kể từ ngày 3.4.2008. Tuy nhiên, điểm neo này dù sao vẫn mạnh hơn những gì các nhà phân tích lo ngại.
1 tuần đánh đu quanh mốc 7
Đây là lần thứ hai trong tuần này, Trung Quốc đặt điểm neo ở mức yếu hơn so với mốc 7 nhân dân tệ ăn 1 USD – mốc có ý nghĩa quan trọng về mặt tâm lý. Vào hôm qua 8.8, điểm neo được đặt là 7.0039 nhân dân tệ ăn 1 USD. Do vậy, các nhà phân tích dự kiến Trung Quốc sẽ đặt điểm neo ở mức 7,02222 nhân dân tệ ăn 1 USD vào hôm nay, theo ước tính của Reuters. Và con số chính thức như đã nói ở trên là 7,0136.
Còn trên thị trường nội địa, tỷ hối giao dịch ở mức 7,0487 nhân dân tệ ăn 1 USD trong khi ở nước ngoài được giao dịch ở mức 7,0725 nhân dân tệ ăn 1 USD (tính lúc 2:42 chiều giờ Hồng Kông).
Mikio Kumada, Giám đốc điều hành và là nhà chiến lược toàn cầu của GT Capital Partners phân tích: “PBOC sẽ quản lý để giữ (đồng nhân dân tệ) ổn định trong một biên độ rộng – có thể trong một thời gian – họ sẽ giữ mốc 7 trong tay và hơi hướng lên về mốc 8. Nhưng tôi sẽ không tin một đồng nhân dân tệ ở thế quá yếu mãi sau đó”.
Các nhà đầu tư đã theo dõi chặt chẽ tỷ giá hối đoái trong nước trong tuần này sau khi đồng nhân dân tệ suy yếu tới mức 7 tệ ăn 1 USD hôm thứ 2, chạm mốc 7 lần đầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Chính điều đó đã khiến Bộ Tài chính Mỹ đã bêu tên Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho phép đồng nội tệ dao động so với đồng bạc xanh của Mỹ trong phạm vi hẹp 2% từ điểm neo mỗi ngày.PBOC đã bác bỏ việc nó phá giá đồng tiền để chống lại thuế quan của Mỹ. Chỉ có điều, từ đầu năm đến nay, đồng nhân dân tệ đã giảm khoảng 2,5% so với đồng USD.
Đồng nhân dân tệ suy yếu trong những tháng gần đây so với đồng đô la khi cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng. Tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bất ngờ công bố sẽ áp mức thuế 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1.9 sau khi cuộc đàm phán thương mại tại Thượng Hải cuối tháng 7 không có bước tiến đột phá.
Rụt rè dọa Mỹ
Trước cáo buộc của Mỹ về việc Trung Quốc thao túng tiền tệ thì trong tuyên bố hôm thứ 2, Trung Quốc cho biết đồng nhân dân tệ suy yếu ở mốc 7 tệ ăn 1 USD là do biến động tỷ giá hối đoái bình thường giữa các loại tiền tệ và nó được xác định bởi yếu tố cung – cầu của thị trường. Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc cũng nói thêm rằng tỷ giá hối đoái được dự kiến sẽ thường xuyên ở trên 7 và tùy thuộc vào điều kiện thị trường, con số đó có thể tăng hoặc giảm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Citi lại cho rằng động thái hôm thứ 2 có thể là khởi đầu cho sự suy yếu của tiền tệ Trung Quốc. Các nhà phân tích cho biết, các hành động khiến đồng tệ bị phá giá tiếp theo có thể xảy ra nếu căng thẳng chiến tranh thương mại leo thang. “Với chính sách tỷ giá hối đoái được coi là công cụ hiệu quả, chúng tôi không loại trừ việc phá giá lớn lại xảy ra tiếp trong tương lai”, một nhà phân tích cho biết.
Đồng nhân dân tệ yếu giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh về giá cả hơn trên thị trường quốc tế và đây cũng là điều khiến chính quyền Donald Trump thường xuyên phàn nàn rằng nó mang lại cho Bắc Kinh một lợi thế thương mại.
Tuy nhiên, mặt trái là điều đó có thể mang lại những “cơn trúng gió” đáng kể cho việc nhập khẩu của Trung Quốc trong những tháng tới, ông Vivek Dhar, nhà phân tích cao cấp về nghiên cứu hàng hóa khai thác và năng lượng tại Ngân hàng Thịnh vượng Úc cho biết vào hôm nay. Nhiều mặt hàng quan trọng gồm cả hàng tiêu dùng và nguyên liệu sản xuất bao gồm quặng sắt, than và khí đốt… mà Trung Quốc phải nhập để tiêu dùng và hoạt động cho nền công nghiệp sẽ phải trả bằng tiền Mỹ. Điều đó sẽ khiến người dùng trong nước Trung Quốc phải trả nhiều tiền hơn để có được một đơn vị sản phẩm. Gánh nặng đối với người dân Trung Quốc vì sự mất giá này vì thế mà nặng hơn.
Và vì đồng tiền mất giá sẽ gây áp lực lên các công ty trong và ngoài nước ở Trung Quốc đang ôm nợ tiền Mỹ vì họ phải tìm cách kiếm nhiều tệ hơn mới bù đắp được phần mất do hụt giá. Họ có thêm động lực để chuyển sản xuất ra nước ngoài (vừa né thuế quan của Mỹ luôn) thay vì kiên trì trụ lại Trung Quốc. Như vậy thì sẽ có thêm nhiều người Trung Quốc rơi vào cảnh thất nghiệp.
Do vậy, Bắc Kinh dù muốn phá giá để trả đũa Mỹ, giải quyết bài toán xuất khẩu nhưng lại vẫn muốn giữ tiền tệ ổn định để tránh những bất ổn do phá giá lớn lớn. Giữa sự dùng dằng đó thì họ không thể để điểm neo chạy quá xa con số 7.
T.P