Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ có đang dùng truyền thông trá hình nhằm thao túng tâm...

Mỹ có đang dùng truyền thông trá hình nhằm thao túng tâm lý cả thế giới?

Mới đây, Oneworld đã đăng tải bài viết với nội dung: “Truyền thông của Mỹ là phương tiện để thao túng tâm lý trá hình”. Bài viết là lời nhắn gửi của Nhà phân tích chính trị gia nổi tiếng Andrew Korybko tới nước Nga và cả thế giới rằng, Mỹ chính là kẻ dùng truyền thông để giật dây, kích động chiến tranh và thu lợi về cho mình một cách rất “hiểm độc”.

Mô hình Karpman giữa Mỹ – Nga – Ukraine.

Nếu như từ trước đến nay, truyền thông hiểu đơn giản chỉ là phương tiện giúp cơ quan báo chí truyền tải và chia sẻ những thông tin mới tới bạn đọc, thì trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, vai trò của truyền thông đã được Mỹ nâng tầm lên một vị thế mới và nó còn nguy hiểm hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều.

Tam giác Karpman

Cái hay của tác giả trong bài viết là sử dụng mô hình tam giác Karpman để mô tả mối quan hệ giữa 3 quốc gia đang có tình hình chính trị nóng nhất hiện nay là Mỹ, Nga và Ukraine. Vậy tam giác Karpman là gì?

Karpman là mô hình tam giác đại diện cho mối quan hệ giữa ba người với nhau, được phát triển bởi bác sĩ tâm thần Steven Karman vào năm 1968. Trong tam giác này, mỗi người sẽ có một vai trò tương ứng với một góc nhọn, tuy nhiên có ba vai trò luôn luôn cố định trong tam giác đó là “Kẻ gây chiến, Nạn nhận và Người giải cứu”.

Vậy dưới cái nhìn của truyền thông Mỹ, ai là kẻ gây chiến, ai là nạn nhân và ai là người giải cứu? Chúng ta hãy cùng nhìn vào động thái của Mỹ thông qua phương tiện truyền thông từ những ngày chiến tranh chưa xảy ra đến thời điểm hiện tại, khi mà xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống để đưa ra được câu trả lời chính xác nhất.

Nga – kẻ mang danh tội đồ đi xâm chiếm quốc gia có thế lực yếu hơn mình

Vào những ngày đầu tuần tháng 2/2022, báo Mỹ liên tục đưa tin Nga đã triển khai hơn 130.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine và tin rằng đây là dấu hiệu Nga sắp tấn công nước láng giềng. Lúc này, Mỹ với chiêu bài kích động xung đột leo thang, một mặt liên tục tố cáo Nga có thể xâm lược Ukraine “vào bất kể lúc nào”, một mặt kích động các bên liên quan tuyên chiến với Nga thông qua hàng loạt động thái như: sẵn sàng hậu thuẫn cho chính quyền Ukraine và các nước Đông Âu bằng cách viện trợ vũ khí và điều binh lính tới khu vực này, ra lệnh sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân Mỹ tại Ukraine như thể chiến tranh sắp xảy ra…

Cùng với đó, các phương tiện truyền thông của Mỹ và phương Tây cũng không quên liên tục đẩy mạnh tuyên truyền âm mưu xâm lược Ukraine của Nga, dù các nguồn tin đều chỉ dẫn lời quan chức Mỹ mà không đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào. Tất cả những hành động này đều nhằm mục đích tạo nên một tổ hợp thông tin hỗn loạn, bất lợi cho Nga, khiến Nga không thể biện minh cho cuộc chiến, từ đó hủy hoại uy tín của Nga trên trường quốc tế, biến Nga trở thành “Kẻ gây chiến” trong mắt bạn đọc trên thế giới.

Ukraine – Kẻ bị xúi giục phải tự nhận mình là nạn nhân một cách gượng ép

Tiếp theo phải kể đến là cách mà Mỹ dùng truyền thông để biến Ukraine thành “nạn nhân” trong cuộc chiến tranh. Đáng nói trong câu chuyện này, Mỹ đã xúi giục Ukraine tự nhận mình là nạn nhân, sau đó “hỗ trợ” Ukraine truyền tải thông tin này rộng rãi đến bạn bè quốc tế, chứ không trực tiếp sử dụng phương tiện truyền thông của nước nhà. Bởi không ai khác, khi chính nạn nhân trong cuộc chiến lên tiếng, thì mức độ nguy hiểm và tàn độc của cuộc chiến tranh sẽ được đẩy lên cao nhất có thể.

Ví dụ đơn giản, thay vì đưa ra những cáo buộc không có cơ sở, tố cáo kẻ thù đánh bom giết hại thường dân như cách mà Nga làm, thì Ukraine lại tập trung vào việc đưa tin những anh hùng, liệt sỹ hi sinh vì tổ quốc. Mục đích của việc này là để kịch tính hóa cuộc chiến tranh, tố cáo Nga gây ra thảm họa gieo rắc tội ác lên người dân của Ukraine. Cùng lúc đó, quân đội Ukraine cũng không ngừng công bố số lính Nga thương vong từ hàng trăm lên đến hàng nghìn, nhưng không có cơ quan độc lập xác nhận được thông tin này.

Bên cạnh đó, đa số các hình ảnh về bom đạn, chiến tranh hay khung cảnh hoang tàn đổ nát sau mỗi trận chiến đều là do quân đội Ukraine đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Telegram, Twitter hay Facebook. Nhưng cái đặc biệt là những nền tảng xã hội này đều nằm trong tay Mỹ nên sẽ không quá khó khăn để chia sẻ rộng rãi những hình ảnh thương tâm này đến bạn đọc.

Vậy liệu Mỹ tiếp tay cho Ukraine truyền tải thông tin thương vong là nhằm mục đích gì, và qua đó, thế giới có công nhận và đồng cảm được với Ukraine hay không? Đương nhiên là có, và chính New York Times cũng đã lên tiếng cho rằng Ukraine đã biết cách sử dụng rất tốt mạng xã hội để tạo ra làn sóng đồng cảm cho số phận yếu ớt của mình, đồng thời thu hút “đội quân ảo” hùng hậu để ủng hộ tinh thần cho một “nạn nhân” yếu thế như mình.

Mỹ – Người hùng xuất hiện với sức mạnh vô cùng to lớn để giải cứu nạn nhân mà mình đã xúi giục

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24-2, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã tăng cường hỗ trợ vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine. Nhưng bằng hành động thôi chưa đủ, để đất nước mình trở thành người hùng trong cuộc chiến tranh, hàng loạt trang báo lớn của Mỹ đều đồng loạt đưa về chiến tích viện trợ và quan điểm ủng hộ Ukraine một cách công khai đến bạn bè quốc tế.

Đơn cử như bài viết ngày 27-4 mới đây, Reuters đã trích lời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Lloyd Austin: “Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để mang lại hòa bình sớm nhất có thể cho Ukraine và hỗ trợ tất cả những gì mà nước này đang cần trong cuộc xung đột với Nga. Những gì chúng tôi đang làm chỉ là đảm bảo người Ukraine có đủ phương tiện để tự vệ, và có thể làm bất cứ điều gì cần thiết để đẩy lùi quân đội Nga”.

Theo CNN, khi chiến sự bước sang giai đoạn mới, các quan chức Mỹ cho biết Mỹ đang gia tăng áp lực để chống lại Tổng thống Vladimir Putin, bao gồm thêm các biện pháp trừng phạt với Nga, cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine và điều tra về cáo buộc tội ác chiến tranh của binh sĩ Nga.

Theo Hãng tin AFP, trong những tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi Mỹ cấp cho Ukraine vũ khí có thể tấn công lực lượng Nga từ xa và để phòng thủ trước không quân, hải quân và pháo tầm xa mạnh của Nga. Đáp lại, Mỹ cũng đã khẩn trương tăng số lượng và sức mạnh của vũ khí cấp cho các lực lượng vũ trang Ukraine trong thời gian rất ngắn.

Thực tế, tính đến ngày 19-4, tổng chi phí mà Mỹ viện trợ cho Ukraine đã lên tới 2,1 tỷ USD. Trong đó bao gồm 800 hệ thống phòng không Stinger, 2.000 tên lửa Javelin, 1.000 vũ khí chống tăng hạng nhẹ, 6.000 hệ thống chống tăng AT-4, 100 hệ thống UAV chiến thuật. Gói viện trợ này này còn bao gồm gồm 100 hệ thống phóng lựu, 5.000 súng trường, hơn 20 triệu viên đạn pháo, 25.000 bộ đồ chống đạn và 25.000 mũ bảo hiểm các loại.

Với những hành động trùng khớp với nội dung trên báo đài như trên, Mỹ có vẻ như đã chiến thắng trên mặt trận truyền thông và trở thành một “Người giải cứu” đúng nghĩa trong mắt bạn bè quốc tế. Nhưng sự thật có đúng là Mỹ đang đơn thuần “hỗ trợ” Ukraine đúng như Mỹ đang thể hiện?

Xét từ nhiều phương diện, dù xung đột Nga-Ukraine có leo thang căng thẳng hơn nữa thì Mỹ vẫn có thể “ngư ông đắc lợi”, ngồi yên để hưởng thành quả. Nhưng trớ trêu thay, mặc dù tuyên bố là vậy, hành động là vậy, chính quyền Mỹ đến giờ vẫn chưa đồng ý để Ukraine gia nhập NATO, bởi khi đó Mỹ sẽ phải hỗ trợ nhiều hơn, tiêu tốn nhiều tiền của hơn cho một đồng minh vốn không đem lại nhiều lợi lộc cho nước mình. Vậy có nên dùng từ “ích kỷ” cho người anh hùng này không, chỉ có thời gian mới cho chúng ta câu trả lời chính xác được.

Kế hoạch truyền thông trá hình của Mỹ

Khi một cuộc xung đột xảy ra, việc các bên liên quan đưa ra những động thái nhằm tung hỏa mù, cảnh báo, thậm chí răn đe, hăm dọa đối phương… là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Song dư luận cần tỉnh táo và thận trọng để không bị truyền thông “dắt mũi”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các quan chức cấp cao, từ Ngoại trưởng đến Bộ trưởng Quốc phòng đã nhiều lần khẳng định Nga không có ý định tấn công Ukraine, và không phải như những gì mà truyền thông Mỹ đã đưa tin. Song dường như tuyên bố của người đứng đầu nước Nga không được dư luận chú ý, bởi nó đã bị làn sóng thông tin từ các “cỗ máy truyền thông” khổng lồ của Mỹ và phương Tây đè bẹp.

Trước đó, chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng từng lên tiếng chỉ trích Mỹ gieo rắc hoảng loạn bằng những thông tin không có chứng cứ xác thực. Hậu quả Ukraine là bên đầu tiên gánh chịu thiệt hại từ các tin tức “hỏa mù” của Mỹ khi nhiều nhà đầu tư rút khỏi nước này, các hãng hàng không hủy chuyến bay thương mại tới Ukraine…

Căng thẳng biên giới Nga-Ukraine là có thật, song những thông tin, cách dùng từ trong các bản tin mang đầy tính cáo buộc và kích động thù hận (Nga “xâm lược”, “tấn công” Ukraine…) của Mỹ không gì khác là nhằm tạo dựng một hình ảnh tiêu cực về nước Nga.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới