Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCổ phần hóa, thoái vốn nhà nước bị “đóng băng”

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước bị “đóng băng”

Vướng mắc lớn nhất trong thoái vốn và cổ phần hóa là cơ chế chính sách thay đổi liên tục, thiếu ổn định.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: “Cổ phần hóa được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đến nay, văn bản, chính sách đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ”.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cổ phần hóa được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đến nay, văn bản, chính sách đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ.

Vẫn là cơ chế, chính sách

“Tuy nhiên, các văn bản, chính sách liên quan đến cổ phần hóa vẫn còn nhiều nút thắt khiến tiền trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong 2 năm vừa qua gần như bị đóng băng”, ông Phớc nhấn mạnh.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016-2020, các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa 180 doanh nghiệp, trong đó có 39 doanh nghiệp (kế hoạch là 128) thuộc danh mục bắt buộc phải chuyển đổi sở hữu theo Quyết định 991 và Quyết định 26 của Thủ tướng Chính phủ, tức là mới đạt 30% kế hoạch.

Giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp dự kiến cổ phần hóa là 98.748 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ hoàn thành được 23% kế hoạch.

Tình hình thoái vốn cũng nằm trong tình trạng tương tự. Trong cả giai đoạn 2016-2020 chỉ thoái được vốn tại 106 doanh nghiệp trị giá 6.493 tỷ đồng. So với kế hoạch chỉ đạt 30% số lượng doanh nghiệp thoái vốn và 11% trị giá vốn dự kiến thoái.

Năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn gần như dừng lại. Trước thực tế này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khá lo lắng không chỉ là không hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà lo ngân sách nhà nước bị giảm thu.

“Năm 2021, Quốc hội giao thu từ cổ phần hóa và thoái vốn 40.000 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ thu được 4.500 tỷ đồng. Năm 2022, dự toán giao thu từ hoạt động này 30.000 tỷ đồng, nhưng từ đầu năm đến nay mới thu được 229 tỷ đồng”, ông Phớc cho biết.

Là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 17 tập đoàn, tổng công ty (chiếm đa số vốn nhà nước tại doanh nghiệp), trong giai đoạn 2017-2020, theo kế hoạch, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải cổ phần hóa 38 doanh nghiệp cấp 2 thuộc các tập đoàn, tổng công ty. “Nhưng đến nay vẫn còn 27 doanh nghiệp cấp 2 chưa cổ phần hóa được”, bà Nguyễn Thị Thu Bình, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết.

“Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2020 các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn tại 227 công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, đến hết năm 2020 mới thoái được vốn tại 87 đơn vị với tổng giá trị số sách kế toán là 4.835 tỷ đồng. Năm 2021 chỉ có 6 doanh nghiệp thực hiện thoái được 574,7 tỷ đồng”, bà Bình cho biết thêm.

Lý do dẫn đến việc “siêu ủy ban” không hoàn thành được nhiệm vụ thoái vốn, cổ phần hóa, theo bà Bình, trong giai đoạn 2016-2020, chính sách và quy định về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện, chậm được sửa đổi, bổ sung.

“Phải đến cuối năm 2020, đầu năm 2021 các vướng mắc vè cơ sở pháp lý mới cơ bản được tháo gỡ thì lại gặp phải đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất, triển khai đấu giá phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, bà Bình giải thích.

Ai cũng sợ trách nhiệm

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng EVN, vướng mắc lớn nhất trong thoái vốn và cổ phần hóa là cơ chế chính sách thay đổi liên tục, thiếu ổn định khiến doanh nghiệp đang triển khai cổ phần hóa, thoái vốn theo nghị định cũ, buộc phải làm lại từ đầu khi có nghị định mới thay thế.

Ngoài ra, theo ông Nam, để tránh thất thoát tài sản nhà nước, nhiều doanh nghiệp trước khi IPO phải được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước, nhưng vấn đề là kiểm toán doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng cổ phần hóa không nằm trong kế hoạch kiểm toán hàng năm của Kiểm toán Nhà nước (phải trình Quốc hội) nên doanh nghiệp nào muốn được kiểm toán đều phải chờ đợi, mất rất nhiều thời gian, công sức.

“Tốt nhất là quy định, tất cả doanh nghiệp có giá trị vốn từ mức nào trở lên, sau khi hoàn thành các bước cổ phần hóa, các cơ quan có thẩm quyền thành lập đoàn thanh tra liên ngành bao gồm cả Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tài chính… thậm chí có cả đại diện của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến thanh – kiểm tra doanh nghiệp, có gì chưa đúng chỉ ngay để doanh nghiệp hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hoặc làm lại, còn nếu đã đúng quy trình, đúng pháp luật thì trao quyền cho doanh nghiệp chủ động thực hiện các bước còn lại để sớm chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, bán bớt, bán hết phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Còn như hiện nay, lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng sợ trách nhiệm”, ông Nam đề xuất.

Theo ông Nam, không cứ gì EVN mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng sợ khi thoái vốn và cổ phần hóa vì liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất.

“Xác định giá trị doanh nghiệp rất khó, đặc biệt là việc đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp vì giá đất biến động khó lường. Hiện tại áp dụng nhiều phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, áp dụng phương pháp khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau. Thậm chí áp dụng một phương pháp cũng cho giá trị khác nhau. Khi thanh tra, kiểm toán vào chắc chắn là có chuyện nên doanh nghiệp nào cũng sợ trách nhiệm. Và đây là nguyên nhân khiến cổ phần hóa, thoái vốn không đạt mục tiêu”, ông Nam nhấn mạnh.

Cùng với TP.HCM, Hà Nội là một trong 2 địa phương hiện còn nhiều doanh nghiệp nhà nước nhất cả nước và cũng thường xuyên bị “điểm danh” trong số các địa phương chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn. Ông Nguyễn Xuân Sáng, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, chậm trễ trong cổ phần hóa có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc một số văn bản pháp lý hiện có vướng mắc, bất cập nếu không sửa đổi, bổ sung hoặc có hướng dẫn cụ thể thì… vướng vẫn hoàn vướng.

“Việc xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa hay việc xác định giá trị doanh nghiệp đối với những loại hàng hóa đặc thù không có thị trường để định giá như đường ống cấp – thoát nước, cây xanh, chim muông, động vật… nếu không có hướng dẫn cụ thể không bao giờ xác định được”, ông Sáng khẳng định.

Còn từ thực tế tại TP.HCM, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, thực tế trong thời gian vừa qua, khi phát hiện ra sai sót trong việc xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị quyền sử dụng đất… làm thay đổi kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán bao giờ cũng quy kết trách nhiệm cho ban chỉ đạo cổ phần hóa khiến ai cũng… ngán.

“Ban chỉ đạo cổ phần hóa là tổ chức liên ngành, không có chuyên môn sâu về định giá nên rất e ngại về độ rủi ro khi tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc cổ phần hóa, thoái vốn càng ngày càng chậm”, bà Hà nhấn mạnh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới