Friday, April 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn với khối ngoại

Nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn với khối ngoại

Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang là thị trường hiếm có trong khu vực châu Á được khối ngoại mua ròng liên tục tính từ đầu năm đến nay. Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, sự gia tăng của dòng vốn ngoại trong lúc thị trường giảm về một mức giá hấp dẫn, càng cho thấy sự tin tưởng và kỳ vọng tích cực về dài hạn của các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn

Đánh giá về việc các dữ liệu gần đây cho thấy, dòng vốn nước ngoài thay vì rút ròng như lo ngại thì lại đang có dấu hiệu gia tăng vào Việt Nam, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch CTCK Smart Invest (AAS) cho rằng, bất ổn về kinh tế của các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ và châu Âu khi tỷ lệ lạm phát lên rất cao, đặc biệt là Mỹ lên đến mức gần 8% trong tháng 4 qua. Điều này lại tương đối khác so với những giai đoạn khủng hoảng trước, lạm phát thường xuất phát từ những nước đang phát triển như Việt Nam hoặc Thái Lan hay Trung Quốc.

Nhưng giai đoạn này, lạm phát xuất phát từ những nước phát triển. Nguyên nhân là sự hạn chế của việc cung cấp hàng hoá do đại dịch kéo dài và hạn chế giao thương hàng hóa dẫn đến giá cả tăng lên. Các nước phát triển chọn giải pháp thắt chặt cung tiền bằng việc tăng lãi suất. Còn đối với các nước đang phát triển và đặc biệt là Việt Nam, chúng ta đã lo ngại lạm phát của các nước phát triển có thể lan sang.

Nhưng chúng ta thấy, có sự khác biệt là Việt Nam gần như là một công xưởng sản xuất của thế giới cũng như Trung Quốc. Chính vì thế, giá cả hàng hóa thiết yếu Việt Nam không tăng và chúng ta kiểm soát rất tốt lạm phát, cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ rất ổn định trong suốt giai đoạn qua. Thêm vào đó, thời gian qua chúng ta đã có được lượng dự trữ ngoại hối rất tốt, theo thống kê của NHNN lên đến hơn 110 tỷ USD.

“Mặc dù cũng chịu tác động ảnh hưởng của một số những yếu tố nhưng sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam so với các nước khác trên thế giới cũng tạo tiền đề kích thích những dòng vốn đầu tư gián tiếp. Hơn thế nữa, giai đoạn thị trường suy giảm vừa qua đã dẫn đến mức định giá của chứng khoán Việt Nam rất hấp dẫn so với cả mặt bằng chung của các nước trên thế giới.

Cụ thể là chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đang duy trì ở quanh mức 11,5 đến 12. Đây là mức định giá P/E tương đối thấp và rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chung và dài hạn”, ông Trần Minh Tuấn trao đổi trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8.

Dưới góc nhìn của mình, ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc công ty Quản lý Quỹ SGI (SGI Capital) cho rằng, đà bán ròng của khối ngoại trong suốt hai năm vừa qua là kỷ lục. Chính vì vậy việc họ quay trở lại mua ròng trong tháng 4 là rất đáng chú ý.

Trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Fed đang tiến hành thắt chặt tiền tệ thì thông thường tiền sẽ rút ra khỏi các kênh tài sản rủi ro và các thị trường mới nổi hay là cận biên, nhưng điều đó lần này lại không xảy ra với Việt Nam.

“Chúng tôi cho rằng, lý do đằng sau chuyện này là Việt Nam đang ở một vị thế cũng khá là khác biệt đối với phần còn lại của thế giới. Chúng ta đang bước vào quá trình phục hồi trễ hơn rất nhiều so với các thị trường lớn khác. Chúng ta lại có một chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế và chưa đến mức phải thắt chặt trở lại. Đồng thời, với đà bán ròng của khối ngoại trong suốt hai năm vừa qua, họ đã rút ròng rất nhiều. Và bây giờ, họ bắt đầu quay trở lại, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường lần này, sau khi đã giảm khoảng 10% đến 15% và thậm chí là gần 20%, đã có rất nhiều cơ hội đầu tư mới xuất hiện và thực sự là hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài với tầm nhìn dài hạn”, ông Lê Chí Phúc nhận định.

Xu hướng mua ròng có kéo dài

Nhận định về xu hướng mua ròng liệu có kéo dài hay không, ông Lê Chí Phúc cho rằng, trước hết chúng ta phải nhìn bối cảnh chung của dòng vốn toàn cầu và chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều rằng dòng vốn vào Việt Nam sẽ mạnh mẽ. Qua theo dõi thị trường hơn mười năm qua, khi dòng vốn toàn cầu rút ra khỏi các thị trường mới nổi thì cũng sẽ rút ra khỏi Việt Nam.

“Dù lần này chúng ta đang thấy một điều hơi khác biệt, nhưng có lẽ là chúng ta cũng chỉ nên kỳ vọng rằng áp lực đấy ở các thị trường khác đối với Việt Nam sẽ nhẹ nhàng hơn, có thể họ sẽ không rút ròng ra, họ sẽ mua ở một mức độ vừa phải. Kỳ vọng như vậy là hợp lý hơn trong các điều kiện mà Việt Nam đang có như chúng ta vừa trao đổi”, ông Phúc nói.

Ông Trần Minh Tuấn thì cho rằng, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường luôn có sự biến động, nhà đầu tư gián tiếp dễ dàng phân bổ vốn hoặc rút vốn ra khỏi một thị trường nào đó. Tuy nhiên, với nền kinh tế của Việt Nam đang duy trì ở mức rất ổn định và tăng trưởng tốt sau dịch như vậy thì dòng vốn đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam và tăng trưởng thêm trong thời gian tới, đặc biệt là dòng vốn đầu tư trực tiếp.

“Trong vòng 4 tháng vừa qua, tổng vốn đầu tư trực tiếp đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD, có giảm đôi chút so với cùng kỳ năm ngoái nhưng mức vốn thực tế giải ngân lại lên đến hơn 5 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ của năm ngoái. Điều này chứng tỏ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang duy trì và tăng trưởng ở mức tương đối tốt”, ông Tuấn nhấn mạnh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới