Xung đột Nga và Ukraine nhiều khả năng ảnh hưởng tới quân đội Trung Quốc, đặc biệt là phi đội tiêm kích của nước này do phụ thuộc quá nhiều vào Nga.
Trong hội nghị của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc diễn ra tại Mỹ tuần trước, các chuyên gia dự báo Nga sẽ không thể bảo dưỡng hoặc cung cấp động cơ và linh kiện cho khoảng 40% máy bay chiến đấu của Trung Quốc.
Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới phi đội các phi đội của không quân Trung Quốc trong tương lai gần.
Trong cuộc thảo luận về hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc, các chuyên gia nhấn mạnh Trung Quốc không thể phát triển đầy đủ công nghệ động cơ như những gì nước này từng tuyên bố.
Cùng với đó, với việc Nga tái trang bị cho quân đội để chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi ở Ukraine, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ phải tập trung hơn vào phát triển năng lực nội tại.
“Trung Quốc vẫn sẽ phụ thuộc vào các thiết bị của Nga và điều này vẫn sẽ tiếp diễn trong tương lai gần“, David R. Markov tới từ Viện Phân tích quốc phòng nhận định.
Theo thống kê, từ năm 1992 đến năm 2019, Nga cung cấp khoảng 4.000 động cơ cho trực thăng và máy bay quân sự khác của Trung Quốc.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng các biện pháp cấm vận Mỹ và châu Âu áp lên Nga cản trở nước này trong việc tiếp cận các công nghệ như chất bán dẫn vốn được ngành công nghiệp quốc phòng Nga sử dụng để chế tạo vũ khí.
“Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ tiếp tục mua linh kiện từ Nga dù không rõ liệu Nga hiện có thể cung cấp các động cơ này trong bối cảnh đang chịu trừng phạt từ phương Tây hay không”, ông Markov nói thêm.
Theo Markov, tình hình hiện tại buộc Trung Quốc phải tận dụng nguồn lực quốc gia để phục vấn đề động cơ mà họ đang gặp phải.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc phát triển động cơ nội địa cho các tiêm kích của họ.
Theo EurAsian Times, Trung Quốc đã bắt đầu thay động cơ của Nga bằng động cơ WS-10 do nước này sản xuất để trang bị cho tiêm kích tàng hình J-20.
Tuy nhiên, một số báo cáo khẳng định các động cơ này vẫn còn nhiều vấn đề và không cung cấp đủ lực đẩy so với động cơ của Nga.
Ông Markov đánh giá, thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt trong nỗ lực sản xuất động cơ “cây nhà lá vườn” là họ thiếu nền tảng về kỹ thuật vũ khí. So với Nga, quốc gia thừa hưởng nền tảng sản xuất quốc phòng của Liên Xô, ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc còn khá non trẻ.
Ngoài ra, nhiều nhà khoa học, kỹ sư, nhà thiết kế Trung Quốc ở độ tuổi 20, 30 nên thiếu hụt về kinh nghiệm cũng như chuyên môn.
“Điều mà họ không hiểu là các động cơ hàng không hiện đại, đặc biệt là động cơ máy bay siêu thanh, mang tính nghệ thuật hơn là khoa học”, ông Markov cho hay.