Triều Tiên từng nhiều lần thể hiện muốn học hỏi chính sách chống dịch Covid-19 của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo lựa chọn này có thể làm tình hình trầm trọng thêm.
Khi thừa nhận đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên vào tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã yêu cầu chính phủ nước này học hỏi từ “thành công” của Trung Quốc, theo New York Times.
Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, chiến dịch tiêm chủng và xét nghiệm hàng loạt để duy trì số ca mắc Covid-19 ở mức thấp trong suốt đại dịch.
Tuy nhiên, so với quốc gia láng giềng, Triều Tiên thiếu các phương pháp điều trị cơ bản và nguồn cung cấp thực phẩm để thực thi các hạn chế nghiêm ngặt.
Các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo rằng mong muốn của ông Kim sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tác động của làn sóng dịch. Tính đến ngày 19/5, Bình Nhưỡng đã ghi nhận 2 triệu “ca sốt”, chỉ sau một tuần công bố dịch.
Thiếu lương thực triền miên
Sau hơn 2 năm không ghi nhận bất kỳ ca mắc nào, Triều Tiên đã xác nhận đợt bùng phát đầu tiên vào ngày 12/5. Hầu hết người dân đều không được tiêm phòng, và Bình Nhưỡng đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, do các lệnh trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của nước này.
Không có đủ dụng cụ xét nghiệm để xác định quy mô của đợt bùng phát dịch, Triều Tiên đã dựa vào số lượng “người có triệu chứng sốt”, thay vì số người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Tính đến ngày 19/5, số ca tử vong trong đợt bùng dịch đầu tiên đã tăng lên 63 ca.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế tỏ ra hoài nghi về con số này. Họ cũng cho rằng nếu áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như Trung Quốc, Triều Tiên sẽ không thể đảm bảo các nhu cầu cơ bản cho người dân. Hệ thống phân phát khẩu phần ăn của nước này vốn đã sụp đổ trong nạn đói những năm 1990, và chưa thể phục hồi kể từ đó.
Năm 2019, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết Triều Tiên đã cắt giảm khẩu phần lương thực tính theo đầu người xuống còn 300g/ngày, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc.
“Đối với người dân Triều Tiên, (lệnh phong tỏa) có nghĩa cả đất nước sẽ quay trở lại hệ thống phân phát khẩu phần ăn”, tiến sĩ Jacob Lee, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Hallym (Hàn Quốc) cho biết.
Ông bày tỏ sự hoài nghi về tính hiệu quả của hệ thống này. “Ngay cả Trung Quốc cũng gặp khó khăn về vấn đề hậu cần và cung cấp thực phẩm cho người dân ở các thành phố bị phong tỏa”.
Triều Tiên dường như đang đi theo một chiến lược tương tự Trung Quốc, nhưng có nhiều khác biệt. Quốc gia này yêu cầu phong tỏa tất cả thành phố và quận, nhưng vẫn thúc giục người dân tiếp tục “làm việc và sản xuất”, theo Asia Press, một trang tin có trụ sở tại Nhật Bản, thu thập thông tin từ một số người đang sống ở Triều Tiên.
Bình Nhưỡng cũng tiến hành một chiến dịch kiểm tra thân nhiệt trên diện rộng, tại các nhà máy và khu dân cư. Tuy nhiên, chính quyền vẫn cho phép người dân đến các khu chợ không chính thức để mua thực phẩm và nhu yếu phẩm khác.
New York Times nhận định việc đóng cửa các khu chợ này sẽ rất khó khăn, vì hầu hết người dân Triều Tiên dựa vào nơi đây để bổ sung thực phẩm vào khẩu phần ăn.
“Tôi không nghĩ rằng Triều Tiên sẽ đi xa đến mức đóng cửa hoàn toàn các khu chợ này. Trước đây, họ từng cố gắng làm điều đó nhưng mọi người đã phản ứng mạnh mẽ. Đó là vấn đề sống còn”, Lee Tae Kyung, người từng làm bác sĩ ở Triều Tiên, cho biết.
Không thể “tay không” chống dịch
Trái ngược với lời khen ngợi của ông Kim đối với chính sách chống dịch của Trung Quốc, ngày càng nhiều tổ chức y tế và các nhà lãnh đạo trên thế giới chỉ trích biện pháp này là không bền vững.
Trong khi đó, giáo sư Jung Jae Hun, Đại học Gachon (Hàn Quốc), nhận định: “Một số quốc gia có thể chống chọi với đợt bùng phát biến chủng Omicron với tỷ lệ tử vong tương đối thấp, vì họ có hệ thống y tế công cộng vững chắc, tỷ lệ tiêm chủng và khả năng điều trị cao, người dân tương đối khỏe mạnh và được ăn uống đầy đủ”.
“Nhưng Triều Tiên không có những yếu tố này”, ông nói.
Nguồn gốc bùng phát dịch ở Triều Tiên hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng trong những tuần gần đây, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã huy động hàng chục nghìn người không đeo khẩu trang tham gia một cuộc diễu binh lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Trong tháng 5, ông cũng vận động sinh viên và công nhân hỗ trợ nông dân trồng lúa – nhiệm vụ quan trọng ở một quốc gia đang thiếu lương thực triền miên.
Sau đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nhiều trường hợp “sốt” được phát hiện ở Bình Nhưỡng, cũng như các tỉnh phía nam – địa điểm tập trung hoạt động trồng lúa.
Trước sự lây lan nhanh chóng của làn sóng dịch Covid-19 mới nhất, Triều Tiên dường như đang tìm đến sự hỗ trợ từ quốc gia láng giềng.
Truyền thông Hàn Quốc hôm 16/5 đưa tin 3 máy bay chở hàng của Triều Tiên đã đến thành phố Thẩm Dương, Đông Bắc Trung Quốc, để nhận 150 tấn hàng viện trợ khẩn cấp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối xác nhận báo cáo này.
T.P