Monday, January 27, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiện"Cơn khát" năng lượng Nga và "cái khó" của TQ

“Cơn khát” năng lượng Nga và “cái khó” của TQ

Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, mọi sự chú ý đổ dồn về Trung Quốc để xem liệu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ hỗ trợ như thế nào cho quốc gia láng giềng phía Bắc khi là “đối tác chiến lược” về cả ngoại giao lẫn kinh tế.

Nga không thể chuyển hướng các đường ống khí đốt từ châu Âu sang Trung Quốc do những hạn chế về cơ sở hạ tầng

Nhưng gần 3 tháng qua, Trung Quốc vẫn chưa có động thái hỗ trợ ngoại giao trực tiếp nào cũng như không bày tỏ thái độ về cuộc xung đột này như nhiều chính trị gia phương Tây mong đợi.

Mặt khác, các số liệu thương mại mới nhất giữa hai nước cũng cho thấy dường như Bắc Kinh đang bất chấp sức ép cắt đứt huyết mạch kinh tế Nga của phương Tây. Theo đó, trong tháng 4 giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Nga của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 8,98 tỷ USD, tăng 56,6% so với một năm trước đó và 13,3% so với tháng 3.

Tuy nhiên, bức tranh thực tế sắp tới có thể sẽ mờ nhạt hơn.

Bức tranh thương mại Nga – Trung

Theo các chuyên gia, thay vì đẩy mạnh mua hàng hóa Nga, Trung Quốc dường như đang “chùn tay” mua hàng do giá hàng hóa tăng quá cao, đặc biệt là khi các đợt phong tỏa dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến những khu vực giàu nhất của nước này trong 2 tháng qua, bóp nghẹt nền kinh tế và kìm hãm nhu cầu.

Trước đó, các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố thương mại với Nga vẫn tiếp tục diễn ra bình thường bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng đối với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, họ cần tính toán liệu hàng hóa Nga bị nhiều nước khác xa lánh có đủ rẻ để bù đắp những rủi ro và không chắc chắn trong vấn đề thanh toán, vận chuyển và khả năng bị trừng phạt thứ cấp hay không.

Theo tính toán của SCMP dựa trên số liệu hải quan Trung Quốc, hiện nay, khoảng 80% hàng hóa nhập khẩu từ Nga của Trung Quốc là khoáng sản. Trong đó, dầu thô chiếm hơn 70%. Điều này có nghĩa là bất kỳ sự biến động nào của giá dầu thô trên toàn cầu cũng sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể trong tổng nhập khẩu hàng hóa Nga của Trung Quốc.

Tính toán của tờ này cũng chỉ ra rằng giá nhập khẩu dầu thô trung bình trong tháng 4 của Trung Quốc đã cao hơn 70,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, giá dầu thô của Nga cũng đã tăng 50,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 3, nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga tăng 26,39% so với cùng kỳ năm ngoái, tính theo đồng USD. Trong đó, nhập khẩu dầu thô tăng 29,93% so với năm ngoái. Còn trong tháng 4, con số này là 56,6% và 59,01%.

Trung Quốc được cho là đã nhập nhiều dầu thô của Nga kể từ khi cuộc chiến nổ ra hồi cuối tháng 2, đặc biệt khi các lệnh trừng phạt của phương Tây leo thang với việc Mỹ và Anh tuyên bố cấm nhập khẩu dầu Nga. EU trong tuần này cũng đưa ra kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu Nga trong thời gian 5 năm.

Nhưng các số liệu thương mại, tính theo khối lượng, lại cho biết một câu chuyện hoàn toàn khác. Trong tháng 3, bất chấp giá trị nhập khẩu tăng lên, khối lượng nhập khẩu dầu Nga của Trung Quốc giảm 14,12% so với năm ngoái, tương đương mức giảm 14% trong tổng lượng nhập khẩu dầu thô mà nước này nhập khẩu trong tháng đó.

“Các lệnh trừng phạt nhằm làm giảm doanh thu của Nga cũng đồng nghĩa làm giảm nguồn cung cấp dầu và khí đốt của Nga trên thị trường toàn cầu. Điều này khiến thị trường toàn cầu bị thắt chặt và đẩy giá tăng cao”, bà Michal Meidan, Giám đốc chương trình năng lượng Trung Quốc tại Oxford, cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Meidan, không phải toàn bộ người mua ngừng nhập dầu khí của Nga. Ngay cả khối lượng nhập khẩu từ Nga giảm xuống thì với mức giá cao, doanh thu của Nga vẫn cao và còn có khả năng cao hơn so với trước đây.

Mặc dù khối lượng nhập khẩu từ Nga trong tháng 3 của Trung Quốc tăng 18% so với tháng trước, nhưng theo bà Yen Ling Song – Phó Giám đốc tại S&P Global Market Intelligence, đây có thể là những giao dịch được ký kết từ trước khi cuộc chiến xảy ra.

Trong tháng 4, lượng dầu Nga đến Trung Quốc chỉ tăng 2,2% so với tháng trước, trong khi từ tất cả các nguồn cung khác tăng 6,6%.

Lý giải cho điều này, Zha Daojiong, giáo sư của Trường nghiên cứu quốc tế tại Đại học Peking cho rằng, nhu cầu của Trung Quốc đang giảm xuống do các đợt phong tỏa chống dịch kéo dài ở Thượng Hải và nhiều nơi trên đất nước này. “Với đợt phong tỏa tại Thượng Hải, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thị trường Trung Quốc đã suy yếu hơn thông thường”, Zha nói.

Trước khi cuộc chiến nổ ra, Trung Quốc đã tăng cường mua dầu thô của Nga để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu độc lập do vị trí địa lý khá gần giúp giảm chi phí vận chuyển.

Năm 2021, 72% dầu thô của Trung Quốc được mua từ nước ngoài. Trong đó, nhập từ Nga khoảng 79,6 triệu tấn, tương đương 15,5% tổng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc. Hầu hết dòng chảy dầu thô của Nga tới Trung Quốc là dầu ESPO Blend từ cảng Kozmino ở viễn đông.

Trung Quốc thận trọng mua dầu Nga

Mặc dù các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga cho đến nay vẫn chưa áp dụng với lĩnh vực xuất khẩu năng lượng, song theo một nhà nghiên cứu kiêm cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về an ninh năng lượng, hầu hết người mua ở Trung Quốc đang thận trọng hơn khi giao dịch năng lượng hay đầu tư với Nga, bằng cách ngừng hoặc giảm mua, hoặc giao dịch qua bên thứ 3.

Nguồn tin này cho biết: “Các công ty lớn có hoạt động kinh doanh trên toàn cầu sẽ thận trọng hơn vì lo ngại rằng hoạt động kinh doanh của họ tại Mỹ hoặc trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt”.

Tuy nhiên, Bloomberg mới đây đưa tin Bắc Kinh đang đàm phán với Moscow để mua thêm dầu nhằm tăng cường kho dự trữ chiến lược dầu thô của Trung Quốc. Các quan chức Nhà Trắng cho rằng điều này không trái với lệnh trừng phạt của Mỹ.

Không giống như các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước được cho là phải thận trọng hơn khi là đại diện cho quốc gia, các nhà máy lọc dầu tư nhân có nhiều cơ hội hơn để mua dầu giá rẻ của Nga tuy nhiên họ lại gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn tài chính, bà Meidan cho biết.

Bà Song cũng lưu ý rằng các nhà máy lọc dầu tư nhân đang gặp khó khăn hơn trong việc thu xếp tài chính cho các chuyến hàng có xuất xứ từ Nga, đặc biệt nếu họ có các công ty giao dịch ở Singapore và giao dịch qua các ngân hàng châu Á, vốn cảnh giác với các lệnh trừng phạt.

Các chi nhánh nước ngoài của một số ngân hàng lớn Trung Quốc được cho là đã ngừng giao dịch tài chính liên quan đến hàng hóa Nga kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vì lo sợ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Để giải quyết vấn đề này, theo bà Song, các ngân hàng có thể yêu cầu thanh toán trước cho các chuyến hàng. Nhưng trong bối cảnh giá dầu cao như hiện nay, điều này có thể “ngốn” khá nhiều vốn của các nhà máy lọc dầu quy mô nhỏ, khiến họ không mặn mà với việc mua dầu Nga.

Ngoài ra, theo bà Meidan, với việc Bắc Kinh tăng gấp đôi chính sách zero-Covid với việc hạn chế nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển liên vùng thì chưa rõ khi nào nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại.

Khó chuyển hướng khí đốt sang Trung Quốc

Đối với khí đốt, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 3 cho Trung Quốc, sau Australia và Turkmenistan. Nhưng kể từ khi cuộc chiến nổ ra, giá trị nhập khẩu khí đốt qua các đường ống từ Nga đã giảm xuống, mặc dù giá khí đốt trên toàn cầu tăng vọt.

Theo các chuyên gia, Nga không thể chuyển hướng các đường ống khí đốt từ châu Âu sang Trung Quốc do những hạn chế về cơ sở hạ tầng. Nhưng, theo bà Elizabeth Wishnick – nhà nghiên cứu cấp cao tại CNA, Nga sẽ có cơ hội bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Trung Quốc.

Sau khi giảm 19,4% so với năm ngoái trong tháng 3, lượng nhập khẩu LNG từ Nga của Trung Quốc đã hồi phục trong tháng 4 khi tăng 79,63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng theo bà Wishnick, vận chuyển LNG lại là một trở ngại khác vì các tàu mang cờ hiệu quốc tế sẽ không nhận việc này, trong khi Nga lại thiếu các con tàu chuyên dụng chở LNG.

So với dầu, việc các công ty khai thác than của Nga giảm giá mạnh đã thu hút sự quan tâm của những người mua Trung Quốc. Theo tính toán của Post, than đá là sản phẩm quan trọng thứ 2 của Nga mà Trung Quốc nhập khẩu, với giá trị tương đương 1/8 giá trị của dầu thô.

Nhập khẩu than Nga của Trung Quốc đã tăng lên, đặc biệt sau khi Bắc Kinh dừng nhập khẩu than của Australia vào cuối năm 2020 do căng thẳng chính trị với Canberra. Năm 2021, Nga trở thành nhà cung cấp than lớn thứ 2 cho Trung Quốc sau Indonesia, cung cấp 52 triệu tấn bao gồm 37,3 triệu tấn than nhiệt và 10,7 triệu tấn than cốc, chiếm khoảng 14,4% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo số liệu của hải quan Trung Quốc, tương tự dầu thô, khối lượng nhập khẩu than Nga trong tháng 3 cũng giảm 29,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do các thương nhân Trung Quốc hạn chế mua vì các ngân hàng đình chỉ cung cấp thư tín dụng (LCs) đối với các chuyến hàng than Nga, theo Pranay Shukla – Phó giám đốc tại S&P Global Market Intelligence.

Nhưng khi một số ngân hàng Trung Quốc thông báo nới lỏng hạn chế đối với việc phát hành LCs, nhu cầu của các khách hàng từ Trung Quốc đã tăng lên, bà Shukla cho biết.

Số liệu hải quan trong tháng 4 cho thấy, khối lượng nhập khẩu than từ Nga của Trung Quốc đã tăng 22,9% so với tháng 3. Ngoài ra, việc chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với việc nhập khẩu than từ các nguồn từ 1/5, trước đó chỉ có than của Indonesia được miễn thuế, đã hỗ trợ thêm cho than Nga.

“Trong tháng 5, nhập khẩu than từ nước ngoài của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại từ 7,5 – 8,5 triệu tấn”, bà Shukla nói.

Tuy vậy, theo các nhà phân tích, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến các loại hình giao dịch thương mại năng lượng với Nga là nhu cầu của Trung Quốc đang bị kìm hãm bởi chính sách zero-Covid của nước này.

Trong báo cáo mới nhất về tình hình tiêu thụ điện của Trung Quốc, Fitch Ratings cho biết nhiều khu vực ở Trung Quốc đóng cửa để ngăn chặn dịch Covid-19 đã làm giảm lượng tiêu thụ điện khiến cho nhu cầu về than giảm xuống.

“Giá than nhập khẩu cao hơn đáng kể so với giá than trong nước trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thắt chặt, đang gây áp lực lên biên lợi nhuận của các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là những nhà máy phụ thuộc nhiều vào than nhập khẩu”, báo cáo cho biết.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới