Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐằng sau con số VIỆT NAM xuất siêu hơn 4 tỷ USD...

Đằng sau con số VIỆT NAM xuất siêu hơn 4 tỷ USD năm 2021

Bộ Công thương đã lý giải một số vấn đề về việc xuất siêu hơn 4 tỷ USD trong năm 2021 theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sản xuất phục hồi nhanh trong quý 4/2021, nhờ thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, đã đưa cán cân thương mại xuất siêu trên 4 tỷ USD trong cả năm 2021.


Trả lời Công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, tình hình triển khai kế hoạch năm 2022, Bộ Công thương đã rà soát và cập nhật thông tin về số liệu liên quan đến xuất siêu 4 tỷ USD trong năm 2021.

Về nguyên nhân của kết quả xuất siêu hơn 4 tỷ USD, trong khi số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 là ước nhập siêu khoàng 2 tỷ USD, Bộ Công thương cho biết, việc đưa con số kim ngạch xuất khẩu dự kiến năm 2021 cùng với dự báo nhập siêu khoảng 2 tỷ USD dựa trên số liệu thực hiện 3 quý đầu năm 2021 và đánh giá, dự báo tình hình các tháng cuối năm 2021.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố, tính đến hết quý III/2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 240,6 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2020. Trong khi đó, nhập khẩu tăng cao hơn so với xuất khẩu với kim ngạch đạt gần 243,2 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ.

Tính đến hết quý III/2021, cán cân thương mại đang ở trạng thái nhập siêu, với mức nhập siêu gần 2,6 tỷ USD.

Bộ Công thương lý giải, thời điểm đầu quý III/2021, còn nhiều yếu tố dự báo khó khăn cho xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng còn lại của năm 2021.

Ở trong nước, hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh vẫn phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19. Nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn có thể bị ảnh hưởng do đứt gãy nguồn cung cho sản xuất, có thể ảnh hưởng đến việc hoàn thành các đơn hàng. Thêm nữa, vấn đề lao động cũng là khó khăn, có thể xảy ra cục bộ do dịch Covid. Ở phía Bắc, nguy cơ dịch Covid-19 có thể lan rộng trong cuối năm, ảnh hưởng tới nguồn cung hàng hóa xuất khẩu.

Trên thế giới, dù thương mại toàn cầu phục hồi so với năm 2020 nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh và tốc độ tiêm vaccine; xung đột thương mại giữa các nước lớn vẫn chưa được xử lý dứt điểm, tác động khó lường đến xuất nhập khẩu của Việt Nam.

“Các biện pháp bảo hộ xuất hiện ngày càng nhiều, giá hàng hóa, nhất là các loại nguyên liệu cơ bản tăng rất mạnh, tác động lên giá trị hàng hóa nhập khẩu”, Bộ Công thương nêu.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm đạt kết quả rất tích cực so với dự báo nhờ những quyết sách của Chính phủ về đẩy nhanh tiêm vaccine và mở cửa nền kinh tế. Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid” được coi là cú hích cho sản xuất, xuất khẩu phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.

Trước những bước tiến nhanh trong công tác tiêm chủng, các rào cản được tháo gỡ, nên từ tháng 10, xuất khẩu liên tục tăng mạnh, tháng sau tăng cao hơn nhiều so với tháng trước. Xuất khẩu tháng 10 đạt gần 29 tỷ USD, tháng 11 đạt gần 31,9 tỷ USD và xuất khẩu đạt mức cao nhất 34,6 tỷ USD trong tháng 12.

Bộ Công thương lý giải, chính nhờ xuất khẩu tăng mạnh, cao hơn nhiều so với nhập khẩu trong quý 4 đã giúp cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu 2,55 tỷ USD thời điểm cuối quý 3 sang xuất siêu hơn 4 tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2021.

Năm 2021, dù đối diện và chịu ảnh hưởng bởi đợt dịch nặng nề nhất từ khi khởi phát, sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, hoạt động xuất khẩu vẫn đạt tăng trưởng ấn tượng so với năm 2020.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 670 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 336 3 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều tăng cao so với năm trước, lần lượt đạt 245,2 tỷ USD, tăng 20% và 91,1 tỷ USD, tăng 16,5%.

Xuất siêu cả năm đạt 4,1 tỷ USD và là năm thứ 6 liên tiếp xuất siêu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới