Những ngày gần đây nổi lên gay gắt quan hệ giữa hai nước Trung Nhật là vấn đề tranh chấp đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Quần đảo Senkaku gồm 5 đảo và 3 bãi ngầm. Trước chiến tranh thế giới thứ 2, giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã có bất đồng xung quanh vấn đề đảo Senkaku. Năm 1895, chiến tranh Trung – Nhật xảy ra, Trung Quốc thua trận, buộc phải ký Hiệp ước Shimonoseki (Mã Quan) nhượng một phần lãnh thổ cho Nhật, trong đó có Senkaku (Nhật cho rằng Senkaku do người Nhật phát hiện từ năm 1879). Kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật bại trận phải trả lại đảo Đài Loan và nhóm đảo phụ cận cho Trung Quốc; theo Điều 2 Hiệp ước San Francisco, Nhật trao cho Mỹ quản lý quần đảo Senkaku. Năm 1972 Mỹ ký Thỏa thuận trao lại quần đảo Senkaku cho Nhật Bản. Từ đó đến nay, Nhật đã triển khai nhiều công trình ở Senkaku như sân bay trực thăng dã chiến, cột hải đăng, tượng đài…. Trung Quốc nhiều lần đòi Nhật Bản trả lại Senkaku, nhưng do đang cần tranh thủ Nhật để phát triển kinh tế nên thái độ của Trung Quốc chỉ có chừng mực.
Sau những năm cải cách mở cửa với tốc độ phát triển nhanh, kinh tế của Trung Quốc đã vượt Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc tỏ thái độ ngày càng cứng rắn hơn trong quan hệ với Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku; tàu cá và các tàu ngư chính, hải giám của Trung Quốc liên tục vi phạm vùng biển của Nhật Bản và tiến sát đến khu vực quần đảo Senkaku. Tháng 9/2010, đã xảy ra va chạm giữa Nhật và Trung Quốc gần khu vực quần đảo Senkaku khi tàu tuần tra Nhật Bản bắt giữ tàu cá Trung Quốc. Thời gian gần đây, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động gây hấn ở Biển Đông, Trung Quốc liên tục cho tàu tuần tra tiến đến sát quần đảo Senkaku; báo chí và truyền thông Trung Quốc dấy lên chiến dịch tuyên truyền rầm rộ công kích Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku làm cho tình hình khu vực này nóng lên. Không chỉ thổi phồng lên yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku, Trung Quốc còn mở rộng yêu sách đối với cả quần đảo Okinawa của Nhật Bản nằm cách Senkaku khoảng 300 km về phía Tây. Tuyên truyền của Trung Quốc đã làm bùng lên tính dân tộc trong người Hoa xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku, mới đây nhất ngày 12/8/2012 một nhóm người dân Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan đã tổ chức đi tàu ra đảo Senkaku để tuyên bố chủ quyền buộc Nhật Bản phải tăng cường tuần tra cảnh giới khu vực xung quanh quần đảo Senkaku.
Trước những hành động ngỗ ngược của Trung Quốc, Nhật Bản đã tỏ thái độ cương quyết bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Senkaku cũng như vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Nhật Bản. Nhật Bản tuyên bố “quốc hữu hóa” quần đảo Senkaku bằng cách thông qua Chính quyền thành phố Tokyo mua lại quyền sở hữu các đảo từ sở hữu tư nhân. Ngày 21/7/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto khẳng định ủng hộ việc cho phép một nhóm quan chức đặt chân lên các đảo thuộc Senkaku. Nhật Bản cũng tuyên bố sẵn sàng dùng quân sự để bảo vệ Senkaku nếu bị Trung Quốc xâm phạm. Trước tình hình căng thẳng trên biển Hoa Đông và khu vực quần đảo Senkaku, Nhật Bản một mặt tăng cường lực lượng quốc phòng, mua sắm nhiều trang thiết bị quân sự mới như tàu ngầm, tàu chiến, tàu tuần tra, máy bay tiêm kích F4 Phantom…, mặt khác củng cố liên minh quân sự với Mỹ, mở rộng hợp tác hải quân với Ấn Độ, Úc và ASEAN….
Bất bình trước các hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như ở biển Hoa Đông, Mỹ tỏ thái độ công khai ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố “quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ – Nhật”, nghĩa là Mỹ sẵn sàng bảo vệ nếu Senkaku bị tấn công bằng vũ lực. Trong chuyến thăm Mỹ đầu tháng 8 mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Morimoto, Mỹ và Nhật đã đạt được Thỏa thuận về việc tăng cường khả năng quân sự của Nhật, trong đó có việc trang bị máy bay Osprey cho lích thủy đánh bộ ở Nhật Bản, giúp nhanh chóng triển khai lính thủy đánh bộ Mỹ đến các khu vực nhanh hơn. Mục tiêu của việc bố trí Osprey là nhằm trợ giúp cho Nhật Bản phòng ngự Senkaku. Tầm hoạt động của Osprey bao trùm lên toàn bộ quần đảo Senkaku và các vùng biển của Nhật và chỉ mất 1 giờ để bay từ căn cứ Futenma tại Okinawa để đến khu vực quần đảo Senkaku. Nhật Bản còn mua thêm máy bay chiến đấu F35 của Mỹ cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản, Mỹ còn cho phép Nhật Bản sử dụng đảo Guam trong trường hợp cần thiết. Theo báo chí Nhật Bản cho biết, Mỹ sẽ điều các máy bay do thám không người lái mới nhất tới theo dõi hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku. Như vậy, trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku, Mỹ đã tỏ thái độ cứng rắn và sẵn sàng bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp bị tấn công bằng vũ lực.
Qua phân tích trên có thể thấy Nhật Bản đang thực sự lo ngại trước những hành động ngày càng lấn tới của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Điều đó đã tạo nên sự gắn kết tự nhiên giữa Nhật Bản với Philippines và Việt Nam, những nước đang là nạn nhân của chính sách hiếu chiến trên biển của Trung Quốc. Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng với cả Việt Nam và Philippines; giúp Philippines đóng 12 tàu tuần tra trên biển, cùng với Mỹ hỗ trợ Philippines nâng cao năng lực phòng thủ trên biển. Những gì đang diễn ra ở Biển Đông nhất là việc Trung Quốc gây ra tranh chấp kéo dài với Philippines xung quanh bãi cạn Scarborough trở thành hồi chuông cảnh tỉnh Nhật Bản phải đề phòng với những việc làm tương tự của Trung Quốc ở biển Hoa Đông cũng như đối với quần đảo Senkaku.
Việc Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông thời gian qua đã khiến Nhật Bản cảm thấy hối tiếc khi đã nỗ lực hỗ trợ Trung Quốc phát triển kinh tế trong những thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Với sự trợ giúp của Nhật Bản, kinh tế Trung Quốc đã có được đà phát triển mạnh mẽ. Giờ đây Trung Quốc đã vượt Nhật về kinh tế và họ đang dùng sức mạnh về kinh tế để thách thức Nhật trong vấn đề chủ quyền biển đảo ở biển Hoa Đông. Nhận rõ “bộ mặt thật” của Trung Quốc, Nhật Bản đã tích cực ủng hộ về kinh tế cho Việt Nam (hiện Việt Nam là nước nhận ODA lớn nhất của Nhật Bản) và Philippines trên vấn đề Biển Đông. Nhật Bản ý thức được rằng ngăn chặn, đẩy lùi được những hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông không những bảo đảm cho tuyến đường hàng hải ở Biển Đông được thông suốt phục vụ kinh tế của Nhật mà còn là một biện pháp góp phần ngăn chặn những hành động lấn tới của Trung Quốc ở biển Hoa Đông nói chung và đối với quần đảo Senkaku nói riêng.
Nhật Bản là nước ngoài khu vực đầu tiên lên tiếng công khai phản bác yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cũng là một trong những nước phát biểu mạnh mẽ nhất phê phán những việc làm sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua. Tại tất cả các diễn đàn mà Nhật Bản tham gia ở PhnomPenh tháng 7 vừa qua, Nhật Bản đều lên tiếng phản đối việc làm của Trung Quốc ở biển Hoa Đông cũng như ở Biển Đông. Nhật Bản cũng là nước đề xuất đưa ra sáng kiến tổ chức Diễn đàn cấp cao về an ninh biển giữa Nhật Bản và các nước ASEAN. Trong “Sách trắng Quốc phòng” được công bố ngày 31/7/2012, Nhật Bản đã phê phán cách hành xử của Trung Quốc với các nước láng giềng về vấn đề trên biển; tỏ lo ngại về chính sách quân sự, an ninh thiếu minh bạch của Trung Quốc với chi phí quốc phòng tăng gấp 30 lần trong 2 thập kỷ qua; đồng thời cảnh báo về “nguy cơ” từ Trung Quốc đe dọa hòa bình ổn định và an ninh trên biển.
Với sức mạnh vượt trội về kinh tế, Trung Quốc đang ra sức đẩy mạnh chiến lược biển nhằm hiện thực hóa tham vọng trở thành siêu cường quốc tế. Hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, gây hấn với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản đều nằm trong tham vọng bành trướng đó. Song, Trung Quốc cũng cần phản xem xét lại chiến lược đó của mình khi vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế. Những tham vọng và hành động của Trung Quốc đã vô tình tạo ra động lực và sự gắn kết các mối quan hệ “đồng minh tự nhiên” giữa Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Đây chính là nhân tố quan trọng để kiềm chế và ngăn chặn nguy cơ của Trung Quốc với các nước có liên quan trên Biển Đông./.
Quang Anh