Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamTình huống chiến lược Biển Đông

Tình huống chiến lược Biển Đông

Cục diện an ninh Biển Đông biến động bất thường do tranh chấp bị đẩy lên một cấp độ nghiêm trọng mới. Ranh giới pháp lý trên biển bị phủ nhận, các cơ chế duy trì an ninh bị vô hiệu hóa, cán cân quyền lực tại vùng biển này trở nên bấp bênh, đe dọa xói mòn các cân bằng chiến lược then chốt khác trên toàn vành đai Tây Thái Bình Dương. Nghiên cứu dưới đây không trình bày lại diễn biến tình hình, mà phân tích cấu trúc tình huống chiến lược tại Biển Đông, từ đó đưa ra dự báo ngắn hạn và triển vọng dài hạn cho cục diện vùng biển phức tạp này.

1. Bối cảnh

Cục diện thế giới trong thập niên đầu thế kỷ XXI được đặc trưng bởi hai bước ngoặt và một xu hướng lớn(1). Một là cao trào mở rộng địa chiến lược do Mỹ phát động với cuộc chiến chống khủng bố và phổ biến dân chủ trên phạm vi toàn cầu, mở rộng NATO về phía Đông, đơn phương xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD), bành trướng trật tự đơn cực hình thành sau Chiến tranh Lạnh ra quy mô chưa từng có. Hai là đợt thoái trào với sự suy yếu của toàn bộ khu vực trung tâm của trật tự hiện hành bao gồm Mỹ, EU và Nhật Bản, được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế “trăm năm một lần”. Xuyên suốt hai bước ngoặt đó là xu hướng đa cực hóa với sự trỗi dậy của hàng loạt cường quốc mới nổi mà biểu hiện tập trung nhất là sự tăng tốc vượt bậc của Trung Quốc: rút ngắn nhanh chóng chênh lệch sức mạnh so với Mỹ và ngày càng quyết đoán trong quan hệ quốc tế.

Tại Đông Á, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm thay đổi trật tự khu vực. Về kinh tế, sự trỗi dậy này đã tạo lực hút, lôi cuốn hầu hết các nền kinh tế tại đây vào mạng sản xuất lấy Trung Quốc làm trung tâm, gia tăng sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Lục, đồng thời định hướng lại tiến trình hội nhập kinh tế Đông Á với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Về chính trị, sự trỗi dậy này làm chuyển dịch mạnh cán cân quyền lực khu vực về phía Trung Quốc, nhưng đồng thời lại gây tình trạng thiếu hụt về an ninh do sản sinh ra hàng loạt những bất ổn mới như mất cân đối kinh tế vĩ mô, ô nhiễm môi trường, chạy đua vũ trang, chia rẽ quốc tế, .v.v.. Kết quả là, trong lúc Bắc Kinh cố gắng “tấn công mê hoặc” (charm offensive)(2) nhằm lôi kéo các nước trong khu vực về phía mình, thì họ lại “xuất khẩu” nỗi lo ngại, làm trầm trọng thêm “thuyết về mối đe dọa Trung Quốc”, đẩy nhiều nước vào tình thế buộc phải tăng cường khả năng phòng vệ(3), cũng như tìm kiếm các nguồn cung an ninh khác.

Để duy trì địa vị nhà cung cấp độc quyền thứ “hàng hóa công cộng” thiết yếu là an ninh toàn cầu, Mỹ phải vật lộn để thoát ra khỏi hai nhân tố kìm hãm và tiêu hao sức mạnh của họ là vũng lầy Iraq, Afghanistan(4) và cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo suy thoái kinh tế. Để làm điều này, Washington thực hiện hai “tái cân bằng”: i) Tái cân bằng về kinh tế với trọng tâm là cấu trúc lại nền kinh tế trong nước và hệ thống các định chế quản trị kinh tế toàn cầu; ii) Tái cân bằng về chiến lược với trọng tâm “trở lại Châu Á” nhằm kiểm soát sự trỗi dậy của khu vực, nhất là Trung Quốc.

Sự trở lại của Mỹ và sự quyết đoán gia tăng của Trung Quốc đã gây ra những Áp lực trái chiều lên toàn bộ khu vực Đông Á. Cạnh tranh nước lớn ngày càng quyết liệt. ASEAN từ vị thế cận biên về chiến lược trở lại vai trò trung tâm hội nhập khu vực. Tranh chấp chủ quyền biển đảo mạnh lên trên hầu suốt vành đai từ Biển Nhật Bản đến Biển Đông. Cả bốn điểm nóng tiềm tàng tại Tây Thái Bình Dương là tranh chấp Nga-Nhật về bốn đảo Nam Kuril (Nhật Bản gọi là lãnh thổ phía Bắc), bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan và Biển Đông đều có động thái đảo chiều(5).

Tại Biển Đông, từ cuối thập niên 1990 tình hình được cải thiện theo hướng hòa dịu, nhất là sau khi Trung Quốc ký Hiệp định phân định ranh giới trong Vịnh Bắc Bộ với Việt Nam vào năm 2000 và Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) với ASEAN vào năm 2002. Tuy nhiên, bên dưới bề mặt có vẻ yên ổn này, cán cân quyền lực vẫn không ngừng chuyển dịch. Trung Quốc, một mặt, tăng cường hiện đại hóa hải quân và các lực lượng chấp pháp biển, hoàn thiện chiến lược biển, hệ thống pháp luật, thể chế quản lý và bảo vệ biển; mặt khác, nhất quyết thực hiện “hai không” – không quốc tế hóa, không đa phương hóa tranh chấp, chỉ đàm phán song phương nhằm khoét sâu vào sự khác biệt về lợi ích giữa các thành viên ASEAN, tìm cách “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”. Trong điều kiện nhiều quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) không được tôn trọng, thì đây không phải là trò chơi “cùng thắng” được quảng bá rầm rộ, mà là kiểu cờ vây, trong đó đối phương do mất dần cân bằng chiến lược sẽ bị dồn vào thế phải “gác lại tranh chấp”, tức là đánh đổi quyền tài phán để lấy hòa bình, rồi sau đó phải chấp nhận “cùng nhau khai thác”, tức là đánh đổi nốt quyền chủ quyền(6) nếu muốn khai thác tài nguyên biển để phát triển. Hậu quả là trong gần một thập niên sau năm 2002, tiến trình đàm phán ASEAN-Trung Quốc về việc nâng cấp DOC thành bộ quy tắc ứng xử (COC) hầu như dẫm chân tại chỗ, khuôn khổ an ninh Biển Đông không được cải thiện, trở nên lỗi thời, tụt hậu so với tương quan quyền lực ngày càng ngả về Trung Quốc.

Nguy cơ mất cân bằng chiến lược và giảm sút lòng tin buộc các nước còn lại phải tăng cường tiềm lực quốc phòng, đẩy mạnh thực thi chủ quyền trên biển, thực hiện ngoại giao phòng ngừa và tìm kiếm các quan hệ đối trọng. Một vòng xoáy “tiến thoái lưỡng nan về an ninh” (security dilemma) mới lại hình thành tại Biển Đông. Điều nguy hiểm là vùng Áp thấp này có xu hướng mạnh lên thành bão.

2. Cấu trúc tình huống chiến lược

Cục diện đa biên tại Biển Đông không hoàn toàn là cuộc đấu quyền lực mạnh được, yếu thua, cũng không hoàn toàn là tranh tụng pháp lý nơi có quan tòa phân xử ai đúng, ai sai. Về mặt cấu trúc, đây là kiểu trò chơi xung đột phức tạp giữa nhiều bên không có sự thống nhất tuyệt đối, cũng như đối nghịch tuyệt đối về lợi ích, trong đó nước đi chiến lược của mỗi bên có thể chứa đựng cả yếu tố hợp tác lẫn bất hợp tác(7). Mặc dù các bên can dự tại Biển Đông có lợi ích, động cơ và tính toán chiến lược riêng, nhưng các nước đi của họ có thể chia thành 2 nhóm: các nước đi phù hợp với UNCLOS, góp phần bảo toàn nguyên trạng, và các nước đi không tuân thủ UNCLOS, làm thay đổi nguyên trạng.

Nước đi thứ 1

Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh sa lầy trong cuộc chiến chống khủng bố và suy thoái kinh tế, Trung Quốc tích cực sử dụng sức mạnh vượt trội của mình để mở rộng ảnh hưởng, lấp các khoảng trống chiến lược trên phạm vi toàn cầu. Tại Biển Đông, nước này trở lại lối hành xử đơn phương, cứng rắn, không phù hợp với UNCLOS và khuôn khổ an ninh khu vực.

1) Từ nửa cuối năm 2007, Trung Quốc tăng cường các hoạt động chấp pháp tại các khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền, gây sức ép, buộc một số công ty đa quốc gia phải ngừng hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí với các nước tại Biển Đông, tăng cường tuần tra, bắt giữ ngư dân các nước láng giềng, tập trận quy mô lớn, thực thi lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, v.v.

2) Năm 2009, Trung Quốc phản đối hồ sơ đệ trình lên ủy ban LHQ về Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của tất cả các quốc gia khác ở Biển Đông. Ngày 7/5/2010 nước này lần đầu tiên gửi CLCS bản đồ về “đường chữ U” hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của UNCLOS, chính thức tuyên bố chủ quyền trên vùng nước rộng lớn bao trùm khoảng 80% diện tích Biển Đông.

Nước đi của Trung Quốc, một mặt, đã làm đảo chiều cục diện Biển Đông, khiến tần suất và cường độ tranh cãi ngoại giao, cũng như va chạm trên thực địa tăng vọt một cách nguy hiểm(8). Mặt khác, tuyên bố về “đường chữ U” đã đẩy tranh chấp vào chỗ bế tắc về pháp lý.

Nước đi thứ 2

1) Năm 2010, trên cương vị chủ tịch ASEAN, Việt Nam thực hiện quốc tế hóa vấn đề Biển Đông trên cơ sở UNCLOS với 3 bước đi quan trọng: i) Thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ; ii) Thống nhất lập trường các nước ASEAN về Biển Đông; iii) Đẩy mạnh liên kết ASEAN-Mỹ(9). Mặt khác, Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ đường biển, lần đầu tiên tuyên bố sử dụng Cam Ranh làm trung tâm dịch vụ hải quân quốc tế.

2) Từ giữa năm 2010, ban lãnh đạo mới của Philippine thực hiện “nhất biển đảo” về phía Mỹ, thay đổi quan điểm trước đây về Biển Đông(10), dựa hẳn vào UNCLOS để đẩy mạnh tuyên bố và thực thi chủ quyền ở vùng biển được họ đổi tên thành biển Tây Philippine. Ngày 5/4/2011 Philippine gửi công hàm lên LHQ chính thức phản đối tuyên bố “đường chữ U” của Trung Quốc.

3) Trong năm 2010, Mỹ củng cố các quan hệ chiến lược ở Đông Bắc Á (với các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, nâng cấp quan hệ với New Zealand, nối lại hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan), tích cực “trở lại” Đông Nam Á (cải thiện quan hệ với các nước ASEAN, ký Hiệp định Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), tham gia ARF, tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, đưa ra sang kiến Hạ Mê Công, gia nhập EAS, …).

Mặc dù xuất phát từ những tính toán lợi ích khác nhau, nhưng nước đi của các nước kể trên cùng có tác dụng duy trì nguyên trạng tại Biển Đông trong khuôn khổ UNCLOS. Sự đồng bộ của các nước đi này đã tạo ra lực cộng hưởng nhằm đúng vào hai điểm yếu mà Trung Quốc luôn che chắn bằng chiến thuật “hai không”, đó là sự đồng thuận của ASEAN trong vấn đề Biển Đông và sự can dự trở lại Đông Nam Á của Mỹ. Trung Quốc rơi vào thế bị động, lúng túng, hình thành nhận thức rằng tham vọng “đường chữ U” dường như đang bị “vòng vây chữ C” ngăn cản(11).

Nước đi thứ 3

Trung Quốc đáp trả bằng cách phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông, cố tình đẩy căng thẳng lên một cấp độ mới bằng việc thực hiện hai mũi giáp công được tính toán kỹ lưỡng:

1) Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tiến hành hàng loạt cuộc tiếp xúc quốc tế quan trọng(12).

2) Thực hiện các vụ đột kích gây va chạm nghiêm trọng bằng nhiều tàu cá, ngư chính và hải giám vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Philippines và Việt Nam.

Mũi thứ nhất nhằm tạo sự hòa dịu, lôi kéo, phân hóa, chia rẽ các bên có liên quan, ngăn cản xu hướng hình thành quan điểm thống nhất về Biển Đông, đồng thời “viễn giao, cận công” – dàn dựng bối cảnh quốc tế thuận lợi cho mũi thứ hai. Mũi thứ hai nhằm gây sức ép lên các bên có liên quan. Thời điểm được Trung Quốc lựa chọn cho chiến dịch đột kích là sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 18 (tháng 5/2011), nhưng trước khá xa các hội nghị lớn của khu vực như hội nghị ngoại trưởng ASEAN 44, ARF, thượng đỉnh ASEAN 19, EAS, v.v., cho phép Trung Quốc vừa kiểm tra được phản ứng của các bên, vừa đủ thời gian để kịp xử lý các diễn biến bất trắc có thể xảy ra.

Bằng chiến dịch trả đũa, Trung Quốc đã: i) “Biến không thành có”(13) – thực thi “đường chữ U” trên thực địa; ii) Vô hiệu hóa các cơ chế an ninh khu vực như DOC, Đối thoại Shangri-La; iii) Nắn gân Việt Nam và gây sức ép phân hóa ASEAN; iv) Thử thách chiến lược “trở lại châu Á” và quan hệ với các đồng minh khu vực của Mỹ.

Trong những năm qua, quy định của UNCLOS về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển đã vạch ra ranh giới pháp lý góp phần quan trọng vào duy trì cân bằng lực lượng tại Biển Đông. Việc phá vỡ ranh giới này, đơn phương Áp đặt một đường ranh giới mới, làm đảo lộn cán cân lực lượng tại đây. Để đánh giá mức độ cứng rắn cần phân tích sâu hơn nước đi của Trung Quốc.

Thứ nhất, loạt hành động gây sức ép của Trung Quốc tuy mạnh, nhưng có giới hạn: 1) Về phương tiện – chỉ sử dụng một số ít tàu chấp pháp chứ chưa phải tàu quân sự; 2) Về thời gian – chỉ gây hấn trong thời gian rất ngắn; 3) Về cường độ – chỉ gây va chạm gián tiếp như xua đuổi, cản trở đi lại, cắt cáp; 4) Về không gian – chưa có động thái điều động lực lượng lớn nhằm mở rộng quy mô xung đột. Điều này hàm ý rằng, Trung Quốc hiện chỉ muốn phát đi thông điệp cứng rắn đối với những nước có liên quan đừng đi quá xa trong việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Thứ hai, Trung Quốc tiến hành đột kích dân sự nhiều lần là để ngầm cho các bên hiểu rằng, sự nắn gân của họ là hoàn toàn có chủ đích, được hoạch định kỹ lưỡng, không phải là các va chạm ngẫu nhiên. Thứ ba, việc Trung Quốc sử dụng chiến thuật xâm nhập chớp nhoáng vào sâu vùng EEZ của Việt Nam và Philippines rồi rút lui nhanh chóng cho thấy họ vẫn muốn tránh rủi ro đụng độ với lực lượng vũ trang của các nước này, chưa có ý định khiêu khích quân sự và chủ động đẩy tình hình đến mức xung đột lớn. Thứ tư, Trung Quốc chỉ hạn chế việc gây căng thẳng trên biển và trên các phương tiện truyền thông, chưa có biểu hiện mở rộng sang lĩnh vực khác. Điều này cho thấy, họ chỉ muốn kiểm tra mức độ phản ứng của Việt Nam và Philippine, mà chưa muốn thách thức quan hệ với Việt Nam và Philippine nói chung. Thứ năm, Trung Quốc chỉ gây căng thẳng với hai nước gần nhất tại Biển Đông là Việt Nam và Philippines, trong khi tích cực tranh thủ các nước có tranh chấp chủ quyền trên biển với họ nhưng ở xa hơn như Brunei, Malaysia và Indonesia. Đây vẫn là chiến thuật “chia để trị” nhằm khai thác tối đa “nan đề tù nhân” (prisoner’s dilemma) của các nước ASEAN(14). Thứ sáu, Trung Quốc chỉ cảnh báo Mỹ không được can dự vào vấn đề Biển Đông bằng lời ở cấp thấp (người phát ngôn Bộ Ngoại giao), mà không đi kèm bất cứ hành động trả đũa nào trên thực tế, đồng thời tái bảo đảm tôn trọng tự do hàng hải tại vùng nước này, cố gắng tách vấn đề tự do hàng hải mà Mỹ tuyên bố có lợi ích quốc gia ra khỏi vấn đề tranh chấp chủ quyền. Điều này chứng tỏ, Trung Quốc chỉ muốn “đả thảo kinh xà” hay “rung cây dọa khỉ”, mà chưa muốn va chạm trực tiếp với Mỹ. Trên thực tế, việc Mỹ tuyên bố có lợi ích quốc gia đối với hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông, nhưng không cam kết cụ thể sẽ làm gì khi điều này bị vi phạm, đồng thời cũng nhắc đi, nhắc lại rằng không can dự vào tranh chấp chủ quyền giữa các bên nên đã tạo cho Trung Quốc sự tự tin nhất định.

Như vậy có thể thấy, vào thời điểm hiện tại, Áp đặt “đường chữ U” bằng bất cứ giá nào chưa phải là mục tiêu đích thực của Trung Quốc. Cách chia nhỏ một đe dọa lớn thành nhiều bước đi gây đe dọa nhỏ được họ Áp dụng là kiểu chiến thuật răn đe điển hình, chưa nhằm kích động xung đột lớn(15). Vấn đề mấu chốt là ở chỗ, bằng hành động của mình, Trung Quốc đã “qua sông đốt cầu” – phủ nhận việc Áp dụng quy định của UNCLOS về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven Biển Đông, phủ nhận DOC và các cơ chế an ninh liên quan, khiến cho tình hình không thể trở về trạng thái trước đó.

Điểm yếu căn bản trong nước đi của Trung Quốc là nó phát đi Áp lực quá lớn. Một khi ranh giới pháp lý ở Biển Đông bị chọc thủng, thì nguy cơ “vỡ đê” an ninh trên toàn tuyến Biển Đông lập tức đặt các quốc gia có liên quan vào tình trạng báo động. Nghiêm trọng hơn, do cân bằng chiến lược tại Biển Đông liên hệ chặt chẽ với các cân bằng chiến lược then chốt khác ở Châu Á – Thái Bình Dương, nên phá vỡ nguyên trạng tại Biển Đông đồng thời cũng đe dọa an ninh trên toàn khu vực. Một cách tự nhiên, điều này lại khiến cho vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa mạnh, hình ảnh “phát triển hòa bình” và lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc như một nước lớn có trách nhiệm bị tổn hại.

Nước đi thứ 4

1) Việt Nam liên tiếp gửi công hàm phản đối, đưa vấn đề Biển Đông ra Hội nghị ngoại trưởng ASEM lần thứ 10 (tháng 6/2011 tại Godollo, Hungary), tập trận bắn đạn thật gần bờ, tổ chức Đối thoại chính trị-an ninh-quốc phòng Việt-Mỹ lần 4 tại Washington với tuyên bố chung “tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ song phương trên cơ sở hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, và các cam kết chung về đảm bảo một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, phồn vinh và an ninh”, “thảo luận việc nâng tầm quan hệ song phương hướng tới quan hệ đối tác chiến lược”. Mặt khác, Việt Nam vẫn thực hiện tuần tra hải quân định kỳ với Trung Quốc tại Vịnh Bắc Bộ, tiến hành thăm viếng quốc phòng và đặc biệt là cử phái viên của lãnh đạo cấp cao đến Bắc Kinh.

2) Philippines gửi công hàm phản đối và gửi kháng nghị thư lên LHQ, tăng cường sức mạnh hải quân và không quân, cử ngoại trưởng thăm Mỹ, tập trận hải quân với Mỹ, tuyên bố dự định đưa tranh chấp với Trung Quốc ra tòa Án quốc tế. Đồng thời nước này cũng đưa ra sáng kiến xây dựng Khu vực hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác tại Biển Đông (ZoPFF/C)(16), phái ngoại trưởng Del Rosario tới Bắc Kinh để đàm phán.

3) Mỹ tái khảng định thực hiện Hiệp ước phòng thủ chung và tập trận hải quân với Philippine, diễn tập phi tác chiến với hải quân Việt Nam, tập trận hải quân ba bên Mỹ-Nhật-Australia ngoài khơi Brunei, Thượng viện và Hạ viện ra các nghị quyết về tình hình Biển Đông và kêu gọi thiết lập cơ chế an ninh đa phương. Mặt khác, Mỹ cũng tích cực đối thoại với Trung Quốc, đặc biệt là các chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân M. Mullen.

Phản ứng của Việt Nam, Philippines và Mỹ là thích đáng, nhưng rõ ràng mang tính kiềm chế. Thứ nhất, các bên đều ra các tuyên bố mạnh mẽ đi kèm với hành động đáp trả có mức độ vừa phải. Thứ hai, các nước này đều chủ động đối thoại song phương với Trung Quốc – cử đại diện cấp cao sang Bắc Kinh nhằm tháo ngòi nổ xung đột. Thứ ba, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Philippines – Hoa Kỳ nói riêng, và quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ nói chung không giảm sút, mà càng được củng cố hơn.

Tuy nhiên, sự đồng thuận của ASEAN trong vấn đề Biển Đông rõ ràng là có vấn đề. Những phản ứng rời rạc tại Đối thoại Shangri-La (3-5/6/2011) và tuyên bố của Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan rằng, “ASEAN không can thiệp vào vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines, Đài Loan và Trung Quốc, nhưng sẽ mở diễn đàn thảo luận công khai và thẳng thắn về các vấn đề Biển Đông” cho thấy sự lúng túng của tổ chức này. Một mặt, đây chính là những biểu hiện của tình trạng né tránh trách nhiệm hay “đùn đẩy chiến lược” (buck-passing), cái mà Michael Richardson gọi là “nan đề hay khó xử của ASEAN” (ASEAN’s dilemma)(17). Mặt khác, hiệu quả khiêm tốn của các cơ chế đối thoại như vậy có thể thấy qua hàng loạt ví dụ gần đây như cơ chế đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay nhóm P5 + 1 về vấn đề hạt nhân Iran.

Về phần Mỹ, rõ ràng cường quốc này chỉ có lợi ích hạn chế, phần lớn mang tính chiến thuật tại Biển Đông: mục đích chính của Washington là quản trị rủi ro, thông qua các cơ chế đa phương duy trì tình trạng nhùng nhằng không để bùng phát thành xung đột. Trên thực tế, toàn bộ chiến lược “trở lại Châu Á” của Mỹ, như học giả quan hệ quốc tế Stephan Walt nhận xét, “đảm bảo rằng Bắc Kinh không lo lắng quá mức, còn các đồng minh cũng không quá ỷ lại vào chúng ta”(18).

Bốn nước đi được phân tích ở trên cho thấy, tranh chấp ở Biển Đông đã mang sắc thái “ăn miếng, trả miếng” nguy hiểm, nhưng chưa đến mức “một mất, một còn” của trò chơi có tổng bằng 0. Hòa bình, ổn định và phát triển vẫn là các lợi ích to lớn được tất cả các bên chia sẻ.

3. Dự báo

Nước đi tiếp theo của các bên là gì? Căn cứ vào 3 chiều cạnh là phương tiện (ngoại giao, pháp lý, dân sự, quân sự), không gian (bên ngoài hay bên trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng) và thời gian (đột kích chớp nhoáng hay đồn trú lâu dài) Trung Quốc có 7 nhóm đối sách chính, được sắp xếp theo thứ tự mức độ nghiêm trọng tăng dần (Bảng 1), trong đó nhóm đối sách sau không loại trừ, mà bao gồm các nhóm đối sách đứng trước.

Việc Trung Quốc lựa chọn nước đi nào tùy thuộc vào tình hình chính trị bên trong, cũng như phản ứng từ bên ngoài. Do khuôn khổ bài viết có hạn, nghiên cứu này giả định rằng sẽ không có những thay đổi nào trong nội bộ Trung Quốc làm đảo lộn đường hướng chiến lược của họ tại Biển Đông(19), và rằng Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu can dự vào vùng biển này(20). Trong trường hợp đó, có thể xem xét quỹ đạo chuyển dịch tình huống chiến lược Biển Đông thông qua sự thay đổi trong cặp đối sách Việt-Trung. (bảng 1).

Tùy thuộc vào phương tiện được sử dụng để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo mà Việt Nam cũng có 5 nhóm đối sách chính theo mức độ nghiêm trọng tăng dần là: đàm phán đa phương – đấu tranh dân sự – đấu tranh ngoại giao – đấu tranh pháp lý – đấu tranh vũ trang. Các nhóm đối sách sau không loại trừ, mà bao gồm các nhóm đối sách đứng trước.

Ma trận lợi ích chiến lược (Bảng 2) phản Ánh các cặp đối sách của Việt Nam và Trung Quốc. Lợi ích (hay thiệt hại) của mỗi bên từ việc lựa chọn đối sách được đánh giá theo thang điểm từ -5 đến +5, và được ghi vào ô tương ứng, ở góc dưới bên trái đối với Việt Nam và góc trên bên phải đối với Trung Quốc. Để khách quan, việc cho điểm cần được thực hiện bằng phương pháp chuyên gia, tuy nhiên trong bài viết này chỉ sử dụng đánh giá chủ quan của tác giả. (bảng 2).

Có thể thấy rõ cấu trúc chiến lược Biển Đông được phân tích ở phần trước qua các bước chuyển trên ma trận. Bước chuyển từ A qua B đến C phản Ánh nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc nhằm phân hóa, chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, gia tăng sức mạnh trên biển, tuyên bố chủ quyền bên trong “đường chữ U”. Chuyển dịch từ C qua D đến E là những bước đi phòng ngừa của Việt Nam. Bước ngoặt từ E sang F là kết quả của nước đi gây căng thẳng vừa qua của Trung Quốc, đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia Việt Nam.

Ma trận cho phép dự báo, trong ngắn hạn, từ trạng thái F hiện nay tình hình có thể tiến triển theo một trong 6 kịch bản sau:

1) Trung Quốc đơn phương rút lui tuyên bố về “đường chữ U”, cam kết tôn trọng ranh giới vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước láng giềng ở Biển Đông (chấp nhận lùi từ F trở về E). Sau việc Trung Quốc đã chính thức chuyển cho CLCS bản đồ về “đường chữ U”, kịch bản này rất khó có khả năng xảy ra.

2) Việt Nam từ bỏ chủ trương quốc tế hóa vấn đề Biển Đông (lùi từ F về G), quay về đàm phán song phương với Trung Quốc. Đối sách này không những ít có khả năng xoa dịu tình hình, mà còn có thể kích thích Trung Quốc thừa cơ lấn tới. Vì vậy, đây là kịch bản mà Việt Nam không thể chấp nhận được.

3) Việt Nam đưa tranh chấp ra tòa Án quốc tế (từ F tới H). Đây là phương Án được Philippine đề xuất, hoàn toàn nằm trong khuôn khổ UNCLOS và DOC. Tuy nhiên, thực tiễn pháp lý quốc tế cho thấy, trong ngắn và trung hạn lựa chọn này ít có tác dụng kịp thời, còn về dài hạn thì khả năng giải quyết tranh chấp rất thấp.

4) Việt Nam sử dụng biện pháp đấu tranh bằng quân sự trước (từ F xuống J). Đây là hành động tự vệ chính đáng khi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bị xâm phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, như phân tích ở phần trước, tình hình hiện vẫn chưa tới mức “một mất, một còn” của trò chơi có tổng bằng 0, hòa bình, ổn định và phát triển vẫn là các giá trị được tất cả các bên chia sẻ. Nói cách khác, chưa khép lại mọi cơ hội giải quyết thông qua đối thoại hòa bình, và do đó, kiềm chế sử dụng vũ lực vẫn là ưu tiên hàng đầu.

5) Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng, đẩy tình hình lên cấp độ nghiêm trọng mới bằng việc đồn trú dân sự trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (từ F sang I). Trong trường hợp này, bất chấp tình hình có thể xấu đi, Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kiên quyết ngăn chặn để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ (từ I xuống K).

6) Giữ nguyên hiện trạng (dừng ở điểm F). Việc “đóng băng” tình trạng hiện nay có thể được đạt được bằng cam kết của các bên, hoặc song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc hoặc đa phương giữa ASEAN và Trung Quốc, về việc không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Cả hai phương Án đều phải chấp nhận “lờ đi” hành động gây căng thẳng vừa qua của Trung Quốc để đổi lấy cam kết không làm tình hình xấu hơn.

Trên thực tế, việc đạt được thỏa thuận về bản Hướng dẫn thực thi DOC tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+Trung Quốc họp tại Bali (Indonesia) ngày 21/7/2011 và Thỏa thuận Việt Nam – Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển (tháng 11/2011) cho thấy, tình hình đang tiến triển theo kịch bản thứ 6. Tin tốt là trong ngắn hạn, ít nhất là cho đến hết năm 2012, các kiểu tạm ước như vậy, cho dù nội dung có hình thức đến đâu, vẫn có tác dụng “hoãn binh”, kiềm chế nguy cơ bùng phát xung đột tức thời. Trong bối cảnh hiện nay, duy trì nguyên trạng là phương Án vừa khả thi nhất, vừa an toàn nhất cho tất cả các bên. Tin xấu là về trung hạn, nếu căn cứ vào các đánh giá trên ma trận (Bảng 2), trạng thái F là một cân bằng Pareto không bền vững(21), trong đó bên “nắm dao đằng chuôi” luôn có lợi thế sử dụng hoặc đe dọa có nước đi làm xói mòn hay thậm chí phá vỡ nguyên trạng (Ví dụ, chuyển từ F sang I).

Trong bất cứ trường hợp nào, cần chặn đứng xu hướng chuyển dịch ngày càng xa khu vực an toàn (góc trên bên trái ma trận) và ngày càng gần khu vực nguy hiểm (góc dưới bên phải ma trận), hóa giải nguy cơ “tiến thoái lưỡng nan Siberi” (Siberi dilemma) đang lộ diện, trong đó các bên chỉ còn hai lựa chọn: xung đột sớm hay xung đột muộn.

Thay lời kết

Về dài hạn, cục diện pháp lý tại Biển Đông ít có triển vọng đạt đến trạng thái phân định rạch ròi như ở biển Baltic, Hắc Hải, Caspian hay vịnh Mexico. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, đặt vấn đề giải quyết triệt để tình trạng chồng lấn chủ quyền trên biển không những là nhiệm vụ bất khả thi, mà còn đẩy tranh chấp vào chỗ bế tắc với kết cục khó lường. Tuy nhiên, cục diện pháp lý kém khả quan không có nghĩa là cục diện an ninh không có lối thoát.

Như đã phân tích, việc bảo đảm an ninh lâu dài ở Biển Đông đòi hỏi phải xây dựng một khuôn khổ an ninh tập thể dựa trên nền tảng cân bằng quyền lực(22). Mô hình Liên minh Địa Trung Hải(23) kết hợp được cả hai yếu tố này, vì thế, có thể là một gợi ý không tồi về lối thoát cho cục diện an ninh Biển Đông – vùng biển vốn được nhà địa chính trị Nicolas Spykman gọi là “Địa Trung Hải châu Á”(24). Thứ nhất, mức độ thể chế hóa an ninh Biển Đông bằng tuyên bố chung DOC hay bộ quy tắc ứng xử COC, thậm chí ngay cả đề xuất của Philippines về Khu vực hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác ASEAN-Trung Quốc ở Biển Đông, là cần nhưng có thể không đủ để ngăn chặn các hành động đơn phương vi phạm các cam kết, nhất là đối với bên có lợi thế “nắm dao đằng chuôi”. Nói cách khác, các cơ chế này không thể làm triệt tiêu quá trình xói mòn môi trường an ninh chung, điều tất yếu dẫn đến một vòng lặp Ác tính mới tiến đến một trạng thái nguy hiểm hơn. Thứ hai, tương tự như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) đã trở thành nền tảng cho toàn bộ kết cấu hội nhập khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, các quy tắc ứng xử cần được thể chế hóa ở mức độ cao hơn, trở thành chuẩn mực và quy định bắt buộc cho tất cả các “cổ đông” của vùng nước này, làm nền tảng cho việc hình thành một ủy hội, Liên minh hay Cộng đồng hợp tác Biển Đông. Một tổ chức như vậy sẽ khắc phục được sự lỏng lẻo thiếu hiệu quả của các diễn đàn an ninh hay nhóm đối thoại(25), nhưng đồng thời lại có lợi thế là không đòi hỏi sự tham gia ngay từ đầu của tất cả các bên như các cam kết về ứng xử, mà từng bước gia tăng sức nặng của mình, cho phép dung hòa được “2 trong 1” phương châm “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” và quan điểm đa phương hóa-quốc tế hóa hiện vẫn đối chọi nhau. Thứ ba, đó phải là một cơ chế an ninh tập thể mang tính mở, thu hút được sự tham gia của tất cả các nước lớn có lợi ích quốc gia ở vùng biển này, đảm bảo thực hiện “cân bằng quyền lực được thể chế hóa” (institutionalized balancing)(26). Đây sẽ là sự bổ sung thiết yếu cho Cộng đồng an ninh ASEAN nói riêng, cũng như toàn bộ kết cấu an ninh Đông Á lấy ASEAN làm hạt nhân nói chung, góp phần quản trị quyền lực, loại trừ nguy cơ xung đột, tăng cường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển tại khu vực.

Cuối cùng, bài học về sự đảo chiều của cục diện Biển Đông sau gần một thập niên tương đối yên ổn cho thấy, để ngăn ngừa tình hình xấu đi, tiến trình kiến tạo khuôn khổ an ninh tập thể cho vùng biển này không được dừng lại, mà phải luôn vượt lên trước xu thế xói mòn nguyên trạng./.

Đặng Xuân Thanh*

Chú thích:

* TS. Đặng Xuân Thanh, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

1. Đặng Xuân Thanh, Bóng bóng lép tài chính-bá quyền Mỹ// Nghiên cứu Quốc tế, số 4, 2008.

2. Joshua Kurlantzick, Charm offensive: How china’s soft Power Is Transforming the World, Yale University press, 2007.

3. Theo SIPRI Yearbook 2011, Đông Á trở thành khu vực chi tiêu quốc phòng nhiều thứ 3 thế giới sau Bắc Mỹ và Tây Âu, nhưng dẫn đầu về nhập khẩu vũ khí.

4. Mỹ đã thành công trong việc thay đổi chiến lược chống khủng bố, chuyển 2 cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan từ cường độ cao-chí phí lớn xuống cường độ thấp-chi phí nhỏ.

5. Tranh chấp Nga-Nhật về 4 đảo thuộc quần đảo Nam Kuril/lãnh thổ phía Bắc từ nguội lại được hâm nóng; tình hình bán đảo Triều Tiên từ hòa hoãn chuyển sang nóng bỏng; tranh chấp tại Biển Đông từ tương đối ôn hòa chuyển sang căng thẳng; riêng quan hệ hai bờ Eo biển Đài Loan từ căng thẳng chuyển sang hòa dịu.

6. Quyền tài phán (jurisdiction) và quyền chủ quyền (sovereign right) là 2 trong số các quyền cơ bản của chủ quyền quốc gia (cùng với quyền độc lập, quyền tự quyết, quyền toàn vẹn lãnh thổ và bất khả xâm phạm). Quyền tài phán là quyền xét xử các vi phạm pháp luật trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước có chủ quyền. Quyền chủ quyền là quyền thăm dò, khai thác tài nguyên tại các vùng thuộc chủ quyền của quốc gia.

7. Thomas Schelling. The strategy of Conflict. (Bản dịch “Chiến lược xung đột). NXB Trẻ, 2006, tr.3-6

8. Riêng trong năm 2009, Trung Quốc đã có ít nhất 3 lần va chạm với Mỹ tại Biển Đông trong vụ tàu hải quân USNS Impeccable, USS John McCain và tàu khảo sát Marcus G.Langseth.

9. Việt Nam đã tích cực điều phối tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại New York tháng 9/2010, Hội nghị các bộ trưởng Mỹ – Mê Công tháng 7/2010, Hội nghị ARF, Hội nghị ADMM +, …

10. Năm 2004, Philippine ký kết riêng rẽ với Trung Quốc Hiệp định Nghiên cứu địa chấn hải dương (JMSU). Năm 2009 Philippine không đệ trình báo cáo về thềm lục địa lên CLCS, không phản đổi tuyên bố chủ quyền “đường chữ U” của Trung Quốc, không nhận lời mời của Việt Nam và Malaysia tham gia báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng, ngược lại còn phản đối báo cáo chung của Việt Nam và Malaysia.

11. Thuật ngữ “vòng vây hình chữ C” được đại tá không quân Trung Quốc Dai Xu đưa ra trong sách “Vòng vây hình chữ C: Đột phá của Trung Quốc dưới tác động của các vấn đề bên trong và sự gây hấn bên ngoài” xuất bản năm 2009 để mô tả cái mà tác giả cho là âm mưu của Mỹ lôi kéo một số nước trong khu vực thiết lập vòng vây ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc (Xem Yang Yi, Navigating Stormy Waters// China Security, Vol.6, No.3, 2010, pp. 43-50).

12. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Mỹ (tháng 1/2011), Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức thăm Mỹ (tháng 5/2011), Thủ tướng Ôn Gia Bảo thăm Indonesia, Malaysia (tháng 4/2011) và dự Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn lần thứ 4 tại Tokyo (tháng 5/2011), thắt chặt quan hệ với Myanmar với 2 chuyến thăm của ông Giả Khánh Lâm tới Myanmar (tháng 4/2011) và Tổng thống Myanmar Thein Sein sang Trung Quốc (tháng 5/2011), Bộ trưởng quốc phòng Lương Quang Liệt thăm 3 nước Singapore, Indonesia và Philipin (tháng 5/2011), Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thăm Nga và Kazakhstan (tháng 6/2011).

13. “Vô trung sinh hữu” theo Tôn Tử Binh pháp.

14. Lê Hồng Nhật, Tình thế lưỡng nan của Việt Nam, Philippin và những cơ hội mới//www.tuanvietnam. Vietnamnet.vn.

15. Thomas Schelling, sđd, tr. 52-64. Chiến thuật “chia nhỏ đe dọa lớn” sẽ được phân tích kỹ hơn ở phần 3.

16. Roy C. Mabasa. Spratlys Gambit// The Manila Bulletin, June 10, 2011.

17. Michael Richardson. ASEAN dilemma in South China Sea// Straits Times, July 4, 2011.

18. Stephan Walt Explaining Obama’s Asia Policy//Poreign Policy, November 18,2011.

19. Có 3 giả thuyết gắn động thái đối ngoại cứng rắn bất thường gần đây của Trung Quốc với tình hình nội bộ của nước này: 1) Giới quân sự muốn dùng vấn đề bên ngoài để gây thanh thế nhằm củng cố vị thế trong nước trước Đại hội 18 Đảng CS Trung Quốc vào năm 2012; 2) Đây là hành động “tự phát” của các địa phương; 3) Lãnh đạo cấp cao muốn hướng dư luận bức xúc trong nước ra các vấn đề nóng bên ngoài. Có 3 lý do khiến các giả thuyết trên ít có cơ sở. Thứ nhất, sự phối hợp của nhiều cơ quan, lực lượng vào hoạt động gây căng thẳng ở Biển Đông cho thấy đây là chiến dịch được tổ chức kỹ lưỡng dưới sự chỉ đạo chung. Thứ hai, từ nay cho đến Đại hội 18 Đảng CS Trung Quốc thời gian còn tương đối dài, mà căng thẳng ở Biển Đông không thể kéo quá lâu chỉ để thu hút sự chú ý của dư luận trong nước. Thứ ba, môi trương quốc tế và khu vực bất ổn và thù địch là rất bất lợi, thậm chí nguy hiểm cho một sự kiện chính trị trọng đại là Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc.

20. Chiến lược an ninh quốc gia Hoa Kỳ 2010 và những động thái gần đây nhất của Mỹ như củng cố quan hệ chiến lược với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtralia, Philippine, ấn Độ, xúc tiến bán vũ khí cho Đài Loan, tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, v.v. tiếp tục chứng tỏ xu hướng này.

21. Trong trò chơi chiến lược, cân bằng Pareto là tình thế không bên nào có thể đơn phương cải thiện lợi ích của mình mà không gây thiệt hại cho các bên còn lại. Tính chất không bền vững phản Ánh tình trạng các bên đều có động cơ thay đổi nguyên trạng (Xem Avinash K. Dixit, Barry J. Nalebuff, Strategic Thinking (Bản dịch “tư duy chiến lược”. Nxb KHXH, Hà Nội, 2010.

22. Lập luận của Fidel Ramos (2011) rằng, chỉ cần cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan là đã có thể bảo đảm được ổn định ở Biển Đông (mà không cần đến cân bằng quyền lực) không giải quyết được vấn đề lợi ích của Trung Quốc ở vùng biển này đang ngày càng mở rộng.

23. Liên minh Địa Trung Hải là tổ chức bao gồm 27 nước châu Âu và 16 nước Bắc Phi, Trung Đông và Ban-căng được nâng cấp từ tổ chức Đối tác Châu Âu-Địa Trung Hải vào năm 2008. Bốn lĩnh vực hợp tác là chính trị-an ninh, kinh tế-thương mại, văn hóa-xã hội và pháp luật. Hội nghị thượng đỉnh 2 năm một lần và Ban thư ký là những cơ cấu lãnh đạo chủ yếu.

24. Tetsuo Kotani. Why China Wants South China Sea// The Diplomat, July 18, 2011.

25. Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 6 tại Bali (Indonesia) tháng 11/2011, Nhật Bản nêu sáng kiến thành lập “Diễn đàn an ninh hàng hải ASEAN mở rộng” nhưng không nhận được sự hưởng ứng.

26. Chales A. Kupchan, Clifford A. Kupchan. The Promise of Collective Security// International Security, Vol. 20, No. 1, Summer 1995, pp. 52-61.

Tài liệu tham khảo

Avinash K. Dixit, Barry J. Nalebuff. Strategic Thinking. Bản dịch “Tư duy chiến lược” của Nxb Khoa học xã hội, H.: 2010.

Carlyle A. Thayer. Security Cooperation in the South China Sea: An Assessment of Recent Trends //www.nghiencuubiendong.vn/

Charles A. Kupchan, Clifford A. Kupchan. The Promise of Collective Security// International Security, Vol. 20, No. 1, Summer 1995, pp. 52-61.

David Shambaugh. Coping with a Conflicted China//The Washington Quarterly, Winter 2011, 34:1, pp. 7-27.

Đặng Xuân Thanh. Bong bóng kép tài chính-bá quyền Mỹ//Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 4, 2008.

Fidel Ramos. Building Pax Asia-Pacifica// Project-Syndicate, July 14, 2011.

Joshua Kurlantzick. Charm Offensive: How China’s Soft Power Is Transforming the World. Yale University Press, 2007.

Lê Hồng Nhật. Tình thế lưỡng nan của Việt Nam, Philippine và những cơ hội mới// www.tuanvietnam.vietnamnet.vn..

Michael Richardson. ASEAN’s dilemma in South China Sea//Straits Times, July 4, 2011.

Mark J. Valencia. The South China Sea: Back to the Future?//Global Asia, Vol. 5, N 4, Winter 2010.

Roy C. Mabasa. Spratlys Gambit// The Manila Bulletin, June 10, 2011.

Tetsuo Kotani. // The Diplomat, July 18, 2011.

Thomas C. Schelling. The Strategy of Conflict. Bản dịch “Chiến lược xung đột” của Nxb Trẻ, 2006.

Stephan Walt. Explaining Obama’s Asia Policy// Foreign Policy, November 18, 2011.

Yang Yi. Navigating Stormy Waters//China Security, Vol. 6, No. 3, 2010, pp. 43-50.

SIPRI. Yearbook 2011: Armaments, Disarmament and International Security. Sweden, 2011.

 

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới