Luật sư đã có phân tích pháp lý về việc ông Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra vai trò liên quan vụ án Việt Á.
Ông Chu Ngọc Anh bị khởi tố, bắt tạm giam
Ngày 7/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Chu Ngọc Anh (nguyên Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ, nguyên Chủ tịch Hà Nội), về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại Điều 219, Bộ luật hình sự năm 2015.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định, lệnh nêu trên đúng quy định của pháp luật. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.
Theo Bộ Công an, ông Chu Ngọc Anh đã vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
Ông Chu Ngọc Anh đối mặt khung hình phạt nào?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, ông Chu Ngọc Anh bị khởi tố theo khoản 3, Điều 219, tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Khoản 3, Điều 219 quy định, người nào phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Như vậy, ông Chu Ngọc Anh sẽ có thể đối mặt với khung hình phạt từ 10 đến 20 năm.
Ngoài ra, ông Chu Ngọc Anh còn có thể phải đối mặt với hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo luật sư Thơ, tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp.
Đối tượng bị xâm hại của tội phạm này là tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc…
Tội này được thực hiện bằng hành vi vi phạm chế đề quản lý, sử dụng tài sản của người được giao quản, sử dụng tài sản nhà nước như: Sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và không hiệu quả, lãng phí…
Vị luật sư cho biết, hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước chỉ cấu thành tội phạm nếu gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỉ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là những người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được thực hiện bằng lỗi cố ý.
T.P