Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngHệ lụy từ việc Philippines tạm ngừng hoạt động thăm dò dầu...

Hệ lụy từ việc Philippines tạm ngừng hoạt động thăm dò dầu khí tại Biển Đông

Tháng 10/2020, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dỡ bỏ lệnh tạm ngưng hoạt động tìm kiếm dầu khí ở ngoài khơi Palawan có hiệu lực từ năm 2014. Lệnh tạm dừng hoạt động dầu khí ở Biển Đông được chính quyền của Tổng thống Begigno Aquino III đưa ra vào năm 2014 nhằm phục vụ cho quá trình thụ lý vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực La Haye.

Tháng 2/2022, tập đoàn PXP Energy Corp cho biết họ sẽ tiến hành khảo sát 3D ở Lô SC 75, khu vực nằm gần bãi Thạch Sa thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa. PXP Energy Corp còn cho biết họ tiến hành khoan 2 giếng thẩm lượng ở lô SC 72, tức khu vực Bãi Cỏ Rong, vào khoảng tháng 6 năm nay.

Tháng 11/2018, trong chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Philippines và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác phát triển dầu khí, như một cách để được hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên, trong khi tạm gác tranh chấp lãnh thổ sang một bên. Tuy nhiên, MOU này chỉ nằm ở nguyên bộ khung lúc ký kết, không có bất kỳ tiến triển nào bởi khi đi vào trao đổi các vấn đề cụ thể đàm phán đã bế tắc.

Tháng 10/2020, cuộc đàm phán về việc khai thác dầu khí chung ở Biển Đông đã được tiến hành giữa Forum (GSEC 101) Ltd, công ty con của Công ty năng lượng Forum thuộc PXP Energy Corp và Tập đoàn dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Forum Ltd thực hiện Hợp đồng dịch vụ (SC) 72 bao gồm việc thăm dò khí đốt tại Bãi Cỏ Rong ở Biển Đông.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi cho biết, việc chính quyền Tổng thống Duterte ra quyết định dỡ bỏ lệnh cấm khai thác nói trên “với thiện chí và sự quan tâm đối với các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc, Công ty Forum Ltd và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc”. Giới quan sát nhận định quyết định dỡ bỏ lệnh cấm khai thác của ông Duterte được hy vọng sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Bắc Kinh về việc thăm dò chung ở vùng biển được đánh giá là có trữ lượng dầu khí dồi dào. Tuy nhiên, do quan điểm lập trường cũng như mục tiêu của hai bên khác nhau nên các cuộc đàm phán giữa doanh nghiệp dầu khí hai bên không đạt kết quả.

Ngày 06/4/2022, tàu hải cảnh Trung Quốc 4201 xuất hiện ở khu vực đông bắc đảo Palawan, bám theo tàu khảo sát Geo Coral đang tiến hành hoạt động khảo sát trong lô SC 75 của Philippines do tập đoàn PXP Energy Corp điều hành. Điều này cho thấy các hoạt động và kế hoạch của PXP Energy Corp không liên quan đến việc hợp tác với phía Trung Quốc. Đây cũng là khu vực mà nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln vừa băng qua cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua. Do vậy mà những diễn biến xung quanh khu vực này trở thành tâm điểm chú ý của giới quan sát trong những ngày qua.

Điểm đáng lưu ý là diễn biến này xảy ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Philippines Teddy Locsin có cuộc họp ở Đồn Khê, tỉnh An Huy. Trong cuộc họp, ông Vương Nghị cảnh báo cần phải ngăn chặn những biện pháp không phù hợp làm nhiễu loạn hoặc thậm chí tổn hại quan hệ song phương và ổn định ở Biển Đông. Giới phân tích nhận định căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ leo thang một khi PXP Energy Corp tiến hành khoan ở Bãi Cỏ Rong.

Ngày 18/4/2022, tờ “Inquirer” của Philippines dẫn lời một quan chức Philippines giấu tên xác nhận sự việc diễn ra ở lô SC 75 giữa tàu hải cảnh 4201 (sau đó, tàu hải cảnh 5103 được triển khai để thay thế tàu 4201) và tàu khảo sát Geo Coral vào thượng tuần tháng 4. Nguồn tin cho biết tàu hải cảnh Trung Quốc theo dõi Geo Coral và Mariska G tại lô SC 75 kể từ ngày 04/4 nhưng giữ khoảng cách và không can thiệp vào hoạt động của họ cho đến khi các tàu rời đến El Nido vào ngày 06/4.

Ngày 20/4/2022, ông Martin Andanar – Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte – cho biết Manila đã tạm đình chỉ hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông trong lúc đang cố gắng đạt thỏa thuận với Bắc Kinh về một dự án liên doanh năng lượng. Phát ngôn viên Martin Andanar nói: “Ủy ban Điều phối An ninh, Công lý và Hoà bình (SJPCC) của chính phủ đã đình chỉ tất cả các hoạt động thăm dò bên trong các khu vực tranh chấp ở Biển Tây Philippines (Biển Đông)”. Tuy nhiên, ông không cung cấp lý do dẫn đến quyết định này. Theo một số nguồn tin lúc đầu Bộ Năng lượng Philippines phản đối quyết định này vì cho rằng khảo sát địa vật lý là một hoạt động hoàn toàn hợp pháp ở bất kỳ khu vực tranh chấp nào” và yêu cầu Ủy ban Điều phối An ninh, Công lý và Hoà bình của Philippines (SJPCC) cân nhắc lại quyết định đó và ngay lập tức cho phép công tác khảo sát được thực hiện”.

Tuyên bố của ông Andanar được đưa ra sau khi tờ “Inquirer” của Philippines đăng các tường thuật, theo đó cho biết các hoạt động khai thác dầu khí của nước này đã bị những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Philippines, gây cản trở. Theo “Inquirer”, các tuyên bố của Trung Quốc đã đe dọa tới các hoạt động khai thác dầu khí của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Bộ Năng lượng Philippines đã ra lệnh tạm ngưng hoạt động khai thác dầu khí ở vùng biển ngoài khơi Palawan từ ngày 06/4/2022, sau khi Tổng thống Duterte trước đó một tháng phát biểu rằng Manila cần tuân thủ thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc để tránh xung đột. Bộ Ngoại giao nước này cho biết họ đang cố gắng xác nhận thông tin từ báo chí rằng một tàu tuần duyên Trung Quốc gần đây đã áp đảo các tàu khảo sát của Philippines tại một trong những dự án khảo sát.

Đầu tháng 3/2022, Tổng thống Rodrigo Duterte, trong một bài phát biểu trước công chúng, cho biết đất nước không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo một thỏa thuận thăm dò chung với Bắc Kinh để tránh xung đột, và một người nào đó “từ Trung Quốc” đã nhắc nhở ông về điều này khi biết tin về các hoạt động đã được lên kế hoạch của các công ty dầu khí Philippines trong khu vực. Ông Duterte nói thêm rằng chính người này cũng cảnh báo ông rằng Bắc Kinh sẽ triển khai binh sĩ đến Biển Tây Philippines nếu ông triển khai quân đội ở đó.

Giới phân tích đặt câu hỏi người từ Trung Quốc mà ông Duterte nhắc đến là ai? Phải chăng chính là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh, người vừa có cuộc điện đàm với Tổng thống Duterte hôm 08/4 vừa qua? Tại cuộc điện đàm ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc duy trì tính liên tục và ổn định trong chính sách đối với Philippines; hứa sẵn sàng thúc đẩy các dự án lớn và mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư song phương. Trong khi đó, ông Duterte nhấn mạnh Philippines sẽ làm việc với Trung Quốc để “giải quyết đúng đắn vấn đề Biển Đông”. Rõ ràng ông Duterte đang tiếp tục “chiều lòng” ông Tập trong những ngày cuối cùng nhiệm kỳ của mình.

Những tiết lộ của tờ “Inquirer” làm dấy lên những lời chỉ trích của các chuyên gia Philippines về cách xử lý tiền hậu bất nhất của Manila xung quanh hoạt động thăm dò ở Biển Đông. Giáo sư Jay Batongbacal, Viện trưởng Viện các vấn đề hàng hải và luật biển thuộc Đại học Philippines nói rằng chính phủ hai nước cho đến nay vẫn chưa xác định việc hợp tác trong các dự án cụ thể nào. Theo ông Batongbacal, quyết định tạm ngưng cho thấy Philippines đã phải đối mặt với áp lực từ Trung Quốc.

Hoạt động khảo sát dầu khí của tập đoàn PXP Energy Corp Philippines bị đình chỉ đúng vào thời điểm Philippines đang phải đối mặt với nguy cơ nguồn năng lượng dự trữ ngày càng cạn kiệt. Theo AFP, mỏ khí đốt Malampaya, nơi cung cấp khoảng 40% năng lượng cho hòn đảo chính Luzon, dự kiến sẽ cạn kiệt trong vòng vài năm tới, trong khi đó giá dầu và khí đốt trên thế giới tăng mạnh trong thời gian gần đây do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

Việc triển khai hay dừng các hoạt động dầu khí trong vùng biển của Philippines thuộc quyền và lợi của Manila, song giới phân tích nhận định việc Philippines dừng hoạt động dầu khí ở Biển Đông trước sức ép của Trung Quốc sẽ tạo những hệ lụy xấu đối với các nước ven Biển Đông khác và cục diện dựa trên pháp luật ở Biển Đông bởi lẽ:

Thứ nhất, động thái mới này của Philippines đã đặt nước này và cả khu vực vào tình huống hết sức nguy hiểm. Bắc Kinh có thể sử dụng điều này như một tiền lệ để cưỡng ép các nước ven Biển Đông khác trong các hoạt động dầu khí. Sự nhượng bộ của Manila dừng hoạt động dầu khí trước áp lực của Bắc Kinh khiến những người cầm quyền ở Bắc Kinh càng tự tin hơn trong hành vi quấy rối, cưỡng ép và ngăn cản các bên khác tiến hành hoạt động dầu khí hợp pháp và lâu dài ở những khu vực không tranh chấp nhưng bị đưa vào yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của nước này, để từ đó phải chấp nhận đàm phán song phương và khai thác chung.

Việc Philippines dừng hoạt động dầu khí ví sức ép của Trung Quốc là trúng với âm mưu của Bắc Kinh trong việc “bẻ từng chiếc đũa” để phân hóa chia rẽ ASEAN nói riêng và các nước ven Biển Đông nói chung, có thể gây hệ quả xấu tới sự đoàn kết, nhất trí của ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Điều này càng nguy hại hơn khi đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc đang ở vào giai đoạn then chốt.

Thứ hai, việc chính quyền Tổng thống Duterte quyết định dừng hoạt động dầu khí theo yêu cầu của Bắc Kinh sẽ để lại một di sản xấu khiến chính quyền mới của Philippines sau bầu cử khó có thể thi hành một chính sách độc lập, kiên quyết và cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông khi xử lý quan hệ với Trung Quốc. Trong bài phát biểu trước công chúng hồi đầu tháng 3, Ông Duterte tiếp tục đưa ra quan điểm rằng Philippines nên cố gắng tránh tình huống gây căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông khi nhấn mạnh “Chúng ta không cần phải ‘đánh nhau’ để giải quyết vấn đề này”; đồng thời đưa ra lời “nhắn nhủ” với người kế nhiệm rằng phải tôn trọng Biên bản ghi nhớ (MOU) về khai thác dầu khí chung trên biển mà chính quyền của ông đã ký với Trung Quốc năm 2018 khi nói : “chính quyền kế nhiệm chỉ nên làm theo những gì chúng ta (Trung Quốc và Philippines) đã thỏa thuận. Cả hai bên đã hội đàm và có một thỏa thuận bằng văn bản. Nếu điều này bị thay đổi, nó sẽ rất rủi ro”.

Thứ ba, việc Philippines dừng hoạt động khảo sát dầu khí cùng với phát biểu liên quan đến Biển Đông của ông Duterte trong cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình hôm 08/4/2022 có thể sẽ bị Bắc Kinh lợi dụng để bảo vệ cho luận điệu lâu nay rằng “tình hình Biển Đông là ổn định và các nước ven Biển Đông có thể tự giải quyết các vấn đề ở Biển Đông” nhằm đẩy Mỹ và các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông và ngăn cản các nước phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc gây áp lực, ngăn cản hoạt động dầu khí của các nước ven Biển Đông. Trong những năm gần đây các tàu hải cảnh và tàu dân quân biển của Trung Quốc đã thường xuyên uy hiếp, gây sức ép đối với các hoạt động dầu khí của Việt Nam, Malaysia và mới đây là của Indonesia, song bất chấp sức ép của Bắc Kinh, ba nước này đều triển khai đến cùng (theo kế hoạch) các hoạt động dầu khí của mình). Việc Manila quyết định dừng hoạt động khảo sát trước sức ép của Bắc Kinh sẽ tạo một tiền lệ xấu không chỉ gây thiệt hại đối với lợi ích trên biển của Philippines mà còn ảnh hưởng đến các nuớc khác ven Biển Đông trong các hoạt động dầu khí ở Biển Đông.

Quoc Anh

RELATED ARTICLES

Tin mới