Trung Quốc lần đầu tiên kết nối trạm nghiên cứu chính với phòng thí nghiệm dưới đáy Biển Đông vào tháng trước, cho phép phân tích mẫu vật ngay trong lòng biển, thay vì trên đất liền, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin ngày 7/6.
“Cách truyền thống để khảo sát biển là lấy mẫu nước, trầm tích và sinh vật từ đáy biển để mang về xét nghiệm trong phòng thí nghiệm trên đất liền, nhưng nhiệt độ, áp suất và những tính chất của mẫu vật đã thay đổi trong quá trình thu thập mẫu. Vì thế, những gì chúng ta học được từ các mẫu không thực sự là tính chất của đáy biển”, CCTV đưa tin.
Cách làm mới là tập trung vào thí nghiệm khoa học tại chỗ, cho phép phát hiện tính chất của nước, trầm tích và sinh vật dưới đáy biển. Phòng thí nghiệm kiểu mới sẽ tiến hành các hoạt động lâu dài dưới đáy biển, cung cấp thông tin chính xác hơn về các quá trình sinh hoá dưới đáy biển. Nó có thể trao đổi thông tin với trung tâm kiểm soát nhờ các thiết bị lưới dưới biển hoặc phao liên lạc.
Trong thử nghiệm tháng trước, các nhà nghiên cứu Trung Quốc kết nối phòng thí nghiệm trong lòng biển với trạm chính nhờ tàu lặn có người lái, đánh giá hoạt động của tàu lượn dưới đáy biển và phao neo để phục vụ thông tin liên lạc. Thử nghiệm này được các nhà nghiên cứu trên tàu Tansuo 2 thực hiện. Tàu này trở về cảng ở tỉnh đảo Hải Nam hôm 6/6.
Chen Jun, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học và Kỹ thuật biển sâu thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, nói rằng thử nghiệm tập trung kiểm tra các chức năng chính của trạm đặt dưới đáy biển và thẩm định khả năng của hệ thống kiểm soát, hệ thống quản lý năng lượng và thông tin liên lạc của trạm. Trạm chính cung cấp điện và tín hiệu thông tin liên lạc cho phòng thí nghiệm và cả hệ thống hoạt động ổn định trong 7 ngày ở độ sâu 1.400m. Tansuo 2 là tàu đầu tiên của Trung Quốc có thể mang theo tàu lặn có người lái xuống độ sâu hơn 10.000m. Tốc độ chạy tối đa của nó là 14,2 hải lý/giờ và tầm xa 15.000 hải lý.
T.P