Ngày 8/6, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã đến thăm chính thức Việt Nam, cùng với món quà gặp mặt là 12 tàu tuần tra cao tốc. Sự kiện trên đã làm dư luận dấy lên những nghi ngờ về tình hình mới ở Biển Đông. Hai ẩn ý thật sự đằng sau chuyến thăm của Bộ trưởng Ấn Độ đến Việt Nam ngay tại thời điểm này là gì?
Như chúng ta đều biết, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ vốn vẫn luôn phức tạp. Thời còn là thuộc địa của Anh, Ấn Độ là nơi cung cấp thuốc phiện mà các thương lái nước ngoài thu mua để buôn bán ở thị trường Trung Quốc dẫn tới chiến tranh nha phiến dưới triều Mãn Thanh. Sau khi độc lập, quan hệ của New Dehli với Bắc Kinh cũng bị thử thách bởi nhiều vấn đề như Tây Tạng, Pakistan và đường biên giới chung ở dãy Himalaya.
Bởi vậy nên khi xung đột ở biên giới hai nước nổ ra, nhiều bên cho rằng Ấn Độ có thể sẽ ngả theo phe các đối thủ của Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, hay một đối thủ mới là Úc. Thế nhưng, những nhận định đó chỉ đang gây ra những hiểu nhầm về quốc gia này. Trong khu vực châu Á, dường như chỉ có Ấn Độ là mới đủ lực để cạnh tranh với Trung Quốc trên mọi mặt, từ kinh tế cho đến cả quân sự. Vì vậy, họ không có ý định ngả theo bất kỳ ai, bất kỳ quốc gia nào, Ấn Độ muốn thể hiện họ là một “tay chơi cờ”, chứ không phải “con cờ”. Bằng chứng là việc Ấn Độ mua dầu chiết khấu của Nga, mặc kệ lời than vãn từ Mỹ.
Cũng chính từ đây, chúng ta có thể thấy được trên bàn cờ chính trị ở châu Á, không chỉ có mỗi mình Trung Quốc là cường quốc mà còn có Ấn Độ. Họ là một kình địch rất có sức nặng nhưng ít khi được nhắc tới. Đặc biệt, phong thái ngoại giao của Ấn Độ luôn toát lên một thần thái rất mạnh mẽ, với tính độc lập và tự chủ cao, trông cực kỳ giống với phong cách của Việt Nam. Minh chứng cho điều này là Ấn Độ không tham gia liên minh AUKUS của Mỹ – Anh – Úc, dù đều có đối thủ chung là Bắc Kinh. Và trong nhóm Bộ Tứ, Ấn Độ cũng nhiều lần bày tỏ quan điểm phản đối dùng vũ lực trong khu vực. Chính văn phòng Thủ tướng Ấn Độ Nerandra Modi cũng từng nhấn mạnh rằng nhóm “Bộ Tứ” cần tập trung vào mục tiêu cốt lõi là thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Vậy điều trên cho ta biết điều gì về chuyến thăm tới đây của Bộ Trưởng Quốc Phòng Rajnath Singh?
Ẩn ý sau chuyến thăm sẽ chỉ xoay quanh cụm từ là “sức ảnh hưởng”. Nếu chúng ta nhìn nhận New Dehli là kình địch thật sự của Bắc Kinh, thì sẽ hiểu, một khi nơi nào có mặt Trung Quốc thì đều sẽ có sự can thiệp của Ấn Độ. Họ sẽ làm vì lợi ích, vì tầm ảnh hưởng của quốc gia họ trong khu vực, mà không cần phải nghe theo chỉ thị từ bất cứ ai. Và món quà gặp mặt Việt Nam là 12 tàu tuần tra cao tốc do Ấn Độ tự tay đóng đã phát đi một thông điệp rất rõ ràng, ở phía sau Việt Nam luôn luôn có sự ủng hộ rất lớn. Ấn Độ không muốn nhìn Trung Quốc mở rộng quân sự trên biển Đông, vì điều đó sẽ trực tiếp đẩy vị thế của họ xuống. Không chỉ thế, một khu vực năng động về kinh tế như ASEAN, nếu để Trung Quốc chiếm hết phần thì sẽ là một đòn đau vào tầm ảnh hưởng của Ấn Độ ở châu Á.
Tuy nhiên, trên đây chỉ mới là góc nhìn đầu tiên. Hiểu một cách đơn giản nhất, việc Ấn Độ chủ động đến thăm Việt Nam, rồi còn có quà tặng biếu chính là cách mà Ấn Độ thể hiện vị thế của một “anh lớn” trong khu vực này. Một mặt là thể hiện tình bạn chí cốt với Việt Nam, mặt khác là nhằm cạnh tranh với Trung Quốc, điều mà bấy lâu nay Ấn Độ vẫn luôn làm. Thế nhưng, trong bối cảnh mới, chuyến thăm sắp tới đây cũng có thể cho chúng ta hiểu theo một hướng khác và có vẻ thực tế hơn.
Vị thế khu vực và nền kinh tế nội tại của Trung Quốc đang chịu một sức ép không nhỏ về mặt chính trị. Trong thì vấn đề Đài Loan chưa giải quyết, bên ngoài thì có các đối thủ săn đón như Mỹ, Nhật hay mới nhất là Úc. Sau Ukraine, thì vấn đề Đài Loan đã bắt đầu trở nên nóng bỏng, Washington và các đồng minh bắt đầu dùng tới con bài Đài Loan để đấu một ván cờ cân não với Bắc Kinh. Khi thì nói là sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc dám tấn công Đài Loan, sau thì lại nói không ủng hộ Đài Loan độc lập khỏi Trung Quốc. Vừa đấm vừa xoa, vừa tiến vừa lùi, cho thấy Mỹ đang xây dựng một kịch bản giống với xung đột Nga – Ukraine.
Mục tiêu sâu xa của việc này không gì khác ngoài việc kìm hãm sự lớn mạnh ngày một đáng sợ của Bắc Kinh. Phương Tây chắc chắn sẽ đấu tới cùng chỉ để thấy Trung Quốc gục ngã, giống như cách mà họ để NATO đông tiến về phía Nga. Còn Trung Quốc, sắp tới đây cũng sẽ phải căng mình để đối đầu với Mỹ.
“Trâu bò húc nhau, ngư ông đắc lợi”, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đối đầu, Ấn Độ lại càng có cơ hội để xây dựng vị thế của mình tại Thái Bình Dương. Lúc này thì không phải Ấn Độ đang gồng mình để “so kè” với Trung Quốc nữa, mà là họ đang tranh thủ thời cơ để mở rộng vị thế của mình. Điều có thể nhận thấy là quan hệ Ấn Việt thường chủ yếu xoay quanh vấn đề an ninh quốc phòng. Với Việt Nam, vấn đề chủ yếu được nói tới giữa hai nước chủ yếu là Biển Đông. Việc bàn giao 12 chiếc tàu cao tốc cũng là cách mà Ấn Độ muốn góp thêm một phần sức lực của mình vào an ninh hàng hải cho Việt Nam và khu vực, để từ đó có một tiếng nói nhất định trong khu vực giàu tài nguyên này.
T.P