Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngCăn cứ Hải quân REAM và mối đe dọa

Căn cứ Hải quân REAM và mối đe dọa

Ngày 8/6, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cùng Đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh Vương Văn Thiên đã làm lễ khởi công dự án cải tạo Căn cứ Hải quân Ream thuộc tỉnh Sihanoukville, nhìn ra Vịnh Thái Lan.

Campuchia tự thú nhận

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh báo chí Mỹ tiết lộ Campuchia sẽ cho Hải quân Trung Quốc sử dụng căn cứ này, điều mà cả Bắc Kinh lẫn Phnom Penh đều cực lực phủ nhận.

Phát biểu trước hàng trăm quan khách tại buổi lễ, trong đó có cả các nhà ngoại giao nước ngoài, sau khi nhắc lại rằng “đã có những cáo buộc theo đó Căn cứ Ream sau khi được hiện đại hoá sẽ do quân đội Trung Quốc độc quyền sử dụng”, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh khẳng định: “Không, hoàn toàn không phải như vậy”. Đối với ông Tea Banh, Căn cứ Ream “rất nhỏ” nên “sẽ không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai, ở bất cứ đâu”.

Cùng một lập luận với Bộ trưởng Campuchia, Đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh Vương Văn Thiên cho rằng “dự án (cải tạo Căn cứ Ream) không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào”.Đồng thời, ông Vương Văn Thiên cũng ca ngợi mối quan hệ sắt son với Campuchia: “Là một trụ cột vững chắc của quan hệ đối tác bền chặt  như sắt đá, hợp tác quân sự Trung Quốc-Campuchia là vì lợi ích cơ bản của hai quốc gia và hai dân tộc chúng ta”.

Sở dĩ đại diện 2 chính quyền Phnom Penh và Bắc Kinh đã phải ra sức cải chính đó là vì ngày 6/6, nhật báo Mỹ “The Washington Post”, trích dẫn một số quan chức phương Tây và Trung Quốc giấu tên, đã tiết lộ rằng chính quyền Campuchia dự trù cho quân đội Trung Quốc sử dụng một phần của Căn cứ hải quân Ream sau khi nâng cấp xong. Một quan chức phương Tây đã cho tờ báo Mỹ biết rằng các kế hoạch mở rộng căn cứ được đưa ra từ năm 2020 đã cho quân đội Trung Quốc “độc quyền sử dụng phần phía Bắc của căn cứ và sự hiện diện của lực lượng này sẽ được che giấu”.

Cũng theo tờ “The Washington Post”, một quan chức Trung Quốc đã xác nhận việc quân đội Trung Quốc sẽ dùng “một phần” Căn cứ Ream, nhưng phủ nhận việc Bắc Kinh được độc quyền sử dụng. Quan chức này cho biết Trung Quốc sẽ không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào trên phần Campuchia của căn cứ.

Theo giới phân tích, lời xác nhận của quan chức Trung Quốc đã mặc nhiên bác bỏ tất cả những lời phủ nhận mà cả Phnom Penh lẫn Bắc Kinh liên tục đưa ra trước đây. Ý đồ của Trung Quốc đã thể hiện rất rõ ràng đó là, lợi dụng việc Campuchia rơi hẳn vào quỹ đạo của mình để thiết lập một căn cứ hải quân nhìn ra Vịnh Thái Lan, giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế khu vực phía Nam của Biển Đông.

dabadauwhitsunreef.jpeg
Đội tàu của Trung Quốc tập trung tại Đá Ba Đầu. Ảnh AFP

Đe doạ an ninh khu vực

Chuyên gia Sam Roggeveen – Giám đốc chương trình an ninh quốc tế của Viện nghiên cứu Lowy của Australia – cho rằng lời xác nhận rõ ràng của một quan chức Trung Quốc là bằng chứng cho thấy là Bắc Kinh quả thực đang xúc tiến việc lập căn cứ hải quân tại Campuchia. Theo chuyên gia này, căn cứ đặt tại Ream “sẽ cho phép Trung Quốc triển khai chiến hạm và tàu tuần duyên xung quanh khu vực một cách dễ dàng hơn, vì hiện diện ngay tại chỗ thay vì cần phải đi một quãng đường rất xa như trước đây”. Đối với chuyên gia Australia, diễn biến liên quan đến căn cứ Ream là “một dạng mô hình thu nhỏ của một xu hướng rộng lớn hơn trong khu vực, với sức mạnh chiến lược và quân sự đang chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc. Trung Quốc sẽ muốn trở thành cường quốc chiến lược hàng đầu ở châu Á, thậm chí có thể muốn trở thành cường quốc thống trị ở châu Á”. Theo ông Roggeveen, Bắc Kinh sẽ không thể làm được điều đó “nếu không đẩy Mỹ ra ngoài và có các căn cứ ở hải ngoại xung quanh khu vực”.

Còn theo chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov, sự xuất hiện của căn cứ hải quân ở Campuchia sẽ giúp Trung Quốc duy trì sự cân bằng quyền lực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh đối đầu với khối AUKUS (liên minh giữa Anh, Australia và Mỹ) và một cuộc xung đột có thể xảy ra với Mỹ về Đài Loan. Chuyên gia này nói: “Bằng cách xây dựng cơ sở hải quân ở Campuchia, Trung Quốc đang tổ chức một khu vực phòng thủ trên biển gần trong trường hợp bị Mỹ và các đồng minh của họ gây hấn. Như đã biết, Mỹ, Anh và Australia đã thành lập khối quân sự AUKUS, thành thật mà nói, để chống Trung Quốc. Động thái này của Bắc Kinh nên được xem xét trong bối cảnh họ đối đầu với liên minh này để giành quyền thống trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Nhà nghiên cứu Sovinda Po tại Viện Hợp tác & Hoà Bình Campuchia nhận định: “Những tin tức mới nhất về Căn cứ Hải quân Ream là một dấu chỉ thêm nữa cho thấy Mỹ không chấp nhận thực tế Campuchia và Trung Quốc đã là đối tác thân cận tại Đông Nam Á. Lý do chính đằng sau những cáo buộc thường xuyên của Mỹ là nhằm cảnh báo chính phủ Campuchia đừng qua kết thân với Trung Quốc”.

Trung Quốc đã có được sức mạnh biển lớn nhất thế giới với 355 tàu chiến và dự kiến con số này lên đến 460 tàu vào năm 2030. Đây là số liệu theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ về quân đội Trung Quốc. Phía Mỹ có 297 tàu trong lực lượng chiến đấu nhưng hoạt động tại hơn 800 căn cứ quân sự ở hải ngoại.

Chuyên gia về chính sách quốc phòng ở Singapore Blake Herzinger và cũng là một sĩ quan hải quân dự bị người Mỹ cho rằng “đây là một bình thường mới, Trung Quốc sẽ tìm kiếm những căn cứ ở nước ngoài như chúng ta làm”.

Mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng trong những năm gần đây bởi nhiều yếu tố gồm có sự khác biệt về quyền lợi chiến lược và địa chính trị, vấn đề nhân quyền, dân chủ và vai trò của Trung Quốc trong khu vực. Ngược lại, trong suốt thập niên qua dưới cái gọi là Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), Trung Quốc đã bơm đầu tư vào những dự án hạ tầng quan trong ở Campuchia gồm Đặc khu Kinh tế Shihanoukville, Đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville, sân bay quốc tế mới Siem Reap, đường sá, cầu cống và những nhà máy thủy điện. Thủ tướng Hun Sen từng phát biểu câu nổi tiếng tại một diễn đàn khu vực vào năm 2021: “Nếu tôi không dựa vào Trung Quốc thì tôi dựa vào ai? Nếu tôi không yêu cầu Trung Quốc, thì tôi yêu cầu ai?”.

lethithuhang.jpeg
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh AFP

Mối đe doạ đối với Việt Nam

Căn cứ quân sự này của Trung Quốc tại Campuchia sẽ là một mối đe doạ lớn đối với Việt Nam. Bằng cách triển khai quân đội của mình tại đây, Trung Quốc có thể đe doạ Việt Nam ngay tại Vịnh Thái Lan, dễ dàng thọc sâu vào khu vực biển phía Nam của nước này. Và cũng với căn cứ quân sự này, Trung Quốc có thể dần thúc đẩy việc tiến tới kiểm soát các con đường vận tải biển chiến lược gần eo biển Malacca, đồng thời thúc đẩy gia tăng sự uy hiếp đối với các quốc gia Đông Nam Á.

Ảnh hưởng của Việt Nam đối với nước láng giềng Campuchia càng ngày càng trở nên mờ nhạt.

Hồi cuối năm ngoái, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có chuyến viếng thăm Campuchia, sau đó hai bên đã ra một Tuyên bố chung, trong đó có khẳng định: “ Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình làm phương hại đến an ninh của nước kia…”

Mặc dù tuyên bố là như vậy, nhưng rõ ràng với việc cho Trung Quốc sử dụng Căn cứ QAuân sự Ream, đã cho thấy Campuchia phớt lờ sự lo ngại của láng giềng Việt Nam, bỏ qua việc tham vấn ASEAN, cũng như vi phạm lại chính những cam kết của chính mình trước đó. Thế nhưng mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu theo kiểu vô thưởng vô phạt: “Việt Nam luôn mong muốn duy trì và củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trên toàn thế giới. Đồng thời, việc hợp tác giữa các quốc gia cần đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như trên toàn thế giới.”

Nhiều nhà nghiên cứu ngoại giao Việt Nam nhận định rằng Việt Nam gần như không có chiến lược gì để ứng phó trước các hành động “Trung Quốc hoá” như của Campuchia vừa rồi. Việt Nam chỉ có thể cố gắng níu kéo Campuchia thông qua các “lời nói suông” để ru ngủ các quan chức nước láng giềng cộng sản này. Điều này cũng thể hiện sự lạc hậu trong các học thuyết đối ngoại của Việt Nam, thế nhưng các quan chức Việt Nam vẫn “tự sướng” cho “chính sách ngoại giao cây tre” của họ. Một chuyên gia ngoại giao lâu năm cho rằng nên gọi chính sách ngoại giao của Việt Nam là “chính sách ngoại giao cây thèn thẹn” thì hơn. Cây thèn thẹn hay còn gọi tên khác là cây mắc cỡ hay cây xấu hổ, cứ thấy có gì động vào thì lập tức co mình lại. Chính sách này mới đúng để diễn tả cho nền ngoại giao Việt Nam, luôn dị ứng trước các phản biện.

Với sự lạc hậu về chính sách đối ngoại sẽ khiến Việt Nam sẽ khó giữ được các quan hệ an ninh với các “phên dậu láng giềng”. Những bất ổn bắt đầu dần dần tăng lên, đe doạ tới quốc gia này.

RELATED ARTICLES

Tin mới