Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBáo nước ngoài nói gì về việc Việt Nam sẽ trở thành...

Báo nước ngoài nói gì về việc Việt Nam sẽ trở thành “con hổ mới của châu Á”?

Điều gì khiến các trang báo nước ngoài đều tin rằng Việt Nam sẽ trở thành “con hổ mới của châu Á”?

Business Times (Singapore)

Tháng 2/2022, tờ Business Times đưa ra nhận định trong dự báo năm Nhâm Dần 2022, Việt Nam sẽ khẳng định vị thế “con hổ mới của châu Á” và có những thành tựu vượt bậc.

Bài báo nhắc đến dự báo của nhóm nghiên cứu của Ngân hàng DBS, ngân hàng hàng đầu Singapore, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2022 là 8%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo trong năm 2022, Việt Nam sẽ vươn từ vị trí thứ 6 lên thứ 3 trong ASEAN về GDP, sau Indonesia và Thái Lan, với tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng trong nước cùng với số lượng người siêu giàu.

Business Times nhận định một yếu tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam là việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài đáng kể. Bài báo nhấn mạnh việc Việt Nam đang dần trở thành cơ sở cung cấp dịch vụ cho các công ty quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đồng thời, đây cũng là nơi đầu tư phát triển một số lượng lớn các công ty khởi nghiệp.

Bài báo cũng nhận định, Việt Nam đang dẫn đầu các nước Đông Nam Á về công suất thiết bị sử dụng năng lượng Mặt Trời (năm 2020 đạt 16,6 gigawatt). Điều này có được nhờ các chính sách của chính phủ khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Các nước đứng đầu trong khu vực ASEAN cũng thể hiện sự quan tâm lớn đến các dự án logistics tại Việt Nam và sẵn sàng đóng góp vào việc triển khai các dự án này.

Bài báo khẳng định: “Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu ‘con hổ châu Á mới’”.

Le Petit Journal (Pháp)

Đầu tháng 6/2022, Le Petit Jounal đăng lên bài báo phân tích về tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam và nhấn mạnh “Việt Nam thực sự sẽ trở thành con hổ mới của châu Á”. Bài báo nhận định, Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất có mức tăng trưởng dương 2 năm liên tiếp trong bối cảnh cả thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Bài báo khẳng định, với 4 “con hổ châu Á”, công nghiệp hóa đã giải phóng nền kinh tế khỏi việc nhập khẩu. Hiện tại, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia cạnh tranh nhất hành tinh, và ngành công nghiệp của Việt Nam sở hữu tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Có thể thấy sự tương đồng với 4 con hổ châu Á nguyên bản tại đây.

Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (Vương quốc Anh), ngành sản xuất Việt Nam tăng rất mạnh vào tháng 1/2022. Cơ quan xếp hạng Fitch Credit cũng dự đoán một tương lai tươi sáng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Về xuất khẩu, Việt Nam đã khép lại năm 2021 với con số kỷ lục 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020.

Bài báo cũng chỉ ra, trên thực tế, người Việt Nam đã sớm chuyển từ đi xe đạp sang xe máy, và bây giờ từ xe máy sang ô tô. Việt Nam cũng đã bắt đầu tự sản xuất ô tô, nổi bật là thương hiệu Vinfast…

Việt Nam cũng có vẻ rất năng động trong lĩnh vực khởi nghiệp và gia công phần mềm. So với các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam đang dần có những thành tựu đáng nể trong các lĩnh vực này.

Kết hợp những báo cáo này, bài báo nhận định, có thể thấy Việt Nam đang dần hoá thân thành hổ trong năm Canh Dần.

Pam Insight (Anh)

Tháng 3/2022, tờ Pam Insight của Anh đã có bài báo nhận định về việc Việt Nam có thể trở thành “con hổ mới của châu Á”.

Theo bài báo, lạm phát Việt Nam hiện đang ở mức 1,8%, một con số đáng mơ ước của nhiều quốc gia và ngay cả khi giá xăng dầu tăng lên cũng không có khả năng ảnh hưởng nhiều.

Nói về sự phát triển ngày càng tinh vi của thị trường xuất khẩu, bài báo cho rằng xuất khẩu Việt Nam đang phát triển ngày càng nhanh chóng, đặc biệt khi nhiều “gã khổng lồ” công nghệ đặt nhà máy và cửa hàng tại quốc gia này.

Điều này cho thấy Việt Nam đã tăng cường phân cấp chuỗi cung ứng hậu cần và trong khi chi phí lao động rẻ (chỉ bằng khoảng một phần ba của Trung Quốc), thì rõ ràng là chất lượng lao động đã tăng lên đáng kể. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu của Việt Nam khá đa dạng sản phẩm, từ các sản phẩm công nghệ cao đến thực phẩm, quần áo, giày dép.

Trên thực tế, các tổ chức kinh tế thế giới đều dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam khá cao từ 5,5 – 6%. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,05% và Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam là 5,8%, cao thứ 3 trong khu vực.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới