Ông You Si Kun, đại biểu lập pháp viện Đài Loan, đã có bài phát biểu nói rằng tên lửa hành trình siêu thanh Yun Feng mà hòn đảo này tự sản xuất có thể với tới Bắc Kinh.
Thông điệp trên xuất hiện sau khi giới chức quân sự Trung Quốc đưa ra nhiều cảnh báo trực tiếp đối với phía Mỹ rằng nước này nên tránh xa eo biển Đài Loan, tuyên bố rằng đây không phải vùng biển quốc tế. Tuy nhiên Mỹ, cùng với phần lớn cộng đồng quốc tế, không chấp nhận tuyên bố đó. Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp một cuộc khủng hoảng diễn ra.
Trong bài phát biểu của mình, được hãng Taiwan Overseas Network đăng tải, ông You nói rằng chính phủ Trung Quốc nên suy nghĩ kỹ trước khi tấn công Đài Loan, thêm rằng tên lửa hành trình siêu thanh Yun Feng là thứ họ sẵn sàng đem ra sử dụng. Phát biểu này cũng thể hiện mong muốn của Đài Loan là phát triển một tổ hợp công nghiệp quốc phòng tự cung để hòn đảo này tự chuẩn bị cho viễn cảnh xung đột với Trung Quốc.
Mỹ cũng đã hối thúc Đài Loan giảm bớt sự tập trung vào một số chương trình mua sắm vũ khí tối tân, thay vào đó tập trung hơn vào các sáng kiến bớt hào nhoáng và đem lại sức chiến đấu cao hơn. Ông You so sánh ý chí chiến đấu của Ukraine trong cuộc chiến với Nga, khẳng định rằng Đài Loan không nên ngồi chờ Trung Quốc tấn công, mà thay vào đó chủ động chuẩn bị cho điều có thể xảy ra. Tờ Liberty Times Net đăng tải lời ông You như sau:
“Ông You Si Kun nói rằng lợi thế phòng thủ của Đài Loan là nhờ vào sự nguy hiểm tự nhiên của eo biển. Trung Quốc cần phải băng qua eo biển Đài Loan mới có thể tấn công Đài Loan, khác với đòn tấn công của Nga nhằm vào Ukraine…Nếu bạn muốn đổ bộ, bạn sẽ phải chiến đấu trên bờ biển. Nếu như việc đổ bộ thành công, mọi người ở Đài Loan lúc đó được xem là chết. Hãy ra ngoài đó và không bao giờ để Trung Quốc nuốt gọn Đài Loan…Tên lửa Yun Feng có thể tấn công Bắc Kinh, và Đài Loan có đủ khả năng tấn công Bắc Kinh. Trung Quốc cần suy nghĩ kỹ trước khi tấn công Đài Loan.”
Đài Loan được cho là đã bắt đầu phát triển tên lửa Yun Feng một cách bí mật kể từ sau khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, bắt nguồn từ hàng loạt vụ thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc. Mục tiêu của các vụ thử nghiệm này là gửi thông điệp tới chính quyền ở Đài Loan lúc bấy giờ. Để phản ứng, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, Bill Clinton, đã điều một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm tới khu vực và cuộc khủng hoảng chấm dứt.
Hành động của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng năm 1996 đã khiến Washington xem xét lại Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 – giúp thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, sau đó giúp Mỹ hỗ trợ Đài Loan và quân đội của hòn đảo này tốt hơn. Nhưng việc Đài Loan tăng cường sức mạnh cũng khiến Trung Quốc tăng cường nỗ lực hiện đại hóa quân đội. Và trong cuộc chạy đua đó, tên lửa Yun Feng được phát triển.
Để tránh con mắt tò mò của dư luận, các vụ thử nghiệm tên lửa Yun Feng được che giấu đằng sau chương trình thử nghiệm tên lửa siêu thanh chống hạm Hsiung Feng III (Hùng Phong III) và né tránh thành công giới truyền thông cho mãi đến tháng 12/2012. Do nguồn gốc của nó phần lớn được che đậy, nên đặc điểm của tên lửa Yun Feng chưa rõ ràng, mỗi nguồn tin đưa một kiểu. Về tầm bắn, có sự nhất trí chung là phiên bản gốc của tên lửa này được thiết kế để tấn công mục tiêu ở khoảng cách trên 600 dặm (965 km).
Tuy nhiên, vào năm 2018, có thông tin rằng cơ quan quốc phòng Đài Loan đã dồn ngân sách sang một kế hoạch mới có tên “Dự án Qilin”. Dự án này được đưa ra nhằm tăng cường sức mạnh của Yun Feng, giúp nó phóng được các vệ tinh cỡ nhỏ vào quỹ đạo, và có thêm tầm bắn để tấn công vào sâu lãnh thổ Trung Quốc. Do các tên lửa hành trình thường không được thiết kế để có thể mang một vật thể lên quỹ đạo, nên khả năng mới này rất có thể là nhằm che mắt. Nhưng biến thể mới này được cho là có tầm bắn tăng lên đến 1.200 dặm (1.931 km). Nếu thông tin là chính xác, vậy thì tuyên bố của ông You rằng tên lửa Yun Feng có thể tấn công Bắc Kinh – cách Đài Loan khoảng 1.150 dặm – là có cơ sở.
Cũng giống như nhiều hệ thống vũ khí tự phát triển khác, tên lửa Yun Feng được phát triển bởi Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan, và được tuyên bố chính thức vận hành vào năm 2014. Vào năm 2019, các nguồn tin địa phương nói rằng Viện này đã sẵn sàng dây chuyền sản xuất hàng loạt, và rằng Đài Bắc có kế hoạch chế tạo 20 tên lửa Yun Feng cùng 10 hệ thống phóng đặt trên xe tải.
Tháng 4/2020, một số hãng tin ở Đài Loan bắt đầu đưa tin rằng tên lửa Yun Feng đang trải qua hàng loạt vụ phóng thử nghiệm. Tên lửa này được cho là phóng từ căn cứ quân sự Jiupeng, miền Nam Đài Loan, dưới sự giám sát của Viện Chung-Shan. Từ đó xuất hiện nhiều giả thuyết về cách sử dụng tên lửa Yun Feng một cách hữu hiệu nhất.
“Su Tzu-yun, chuyên gia phân tích kỳ cựu đến từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh, nói rằng tên lửa này có thể được sử dụng để làm suy yếu khả năng chiến đấu của Trung Quốc”, theo một bài viết đăng trên tờ Taiwan News. “Tên lửa này được tin là có thể tấn công các mục tiêu chiến lược như sân bay, cảng và các căn cứ đầu não đặt ở trung tâm Trung Quốc.”
Một số nguồn tin khác thậm chí còn tuyên bố thẳng thừng rằng tên lửa Yun Feng là chiêu bài mạnh nhất mà Đài Loan có để đối phó với Trung Quốc. Trong lúc mà sức mạnh tên lửa của Đài Loan chỉ tập trung vào khả năng phòng thủ, ví dụ như các hệ thống vũ khí chống hạm và phòng không trong quá khứ, thì tên lửa Yun Feng có thể tạo cho hòn đảo này một cơ hội để tấn công nhằm vào nhiều mục tiêu có giá trị của Trung Quốc.
Thế nhưng, Yun Feng khó có thể ngăn chặn được khả năng tấn công Đài Loan của Trung Quốc. Việc tấn công Bắc Kinh là một khả năng có giá trị về mặt răn đe, nhưng Trung Quốc là một nước lớn với nhiều cơ sở quân sự được bảo vệ vững chắc. Cùng lắm là các loại vũ khí truyền thống này sẽ tấn công vào các cơ sở trọng yếu, như các con đập hay nhà máy hạt nhân để gây ra hiệu ứng lan rộng. Nhưng cũng cần chú ý rằng các hệ thống phòng không tích hợp của Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ, bởi vậy mà sự đe dọa đến từ các hệ thống tên lửa của bên địch thủ cũng sẽ giảm.
T.P