Do ảnh hưởng của các biện pháp dịch bệnh nghiêm ngặt khiến Trung Quốc một lần nữa trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hoa Kỳ. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể lấy lại vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài thì khó đoán định.
Sau khi Trung Quốc rơi xuống vị trí đối tác thương mại lớn thứ ba của Hoa Kỳ vào năm ngoái, Trung Quốc đã nhanh chóng phục hồi trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Hoa Kỳ trong quý I năm nay. Tuy nhiên, tác động của các biện pháp dịch bệnh nghiêm ngặt khiến Trung Quốc một lần nữa trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hoa Kỳ từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay. Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể lấy lại vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài thì khó đoán định.
Ngoại trừ năm 2019 khi vị trí dẫn đầu thuộc về Mexico, Trung Quốc đã là đối tác thương mại số 1 của Hoa Kỳ từ năm 2015 đến năm 2020. Tuy nhiên, kể từ nửa cuối năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi xuống và bị Canada và Mexico vượt mặt trong suốt năm ngoái, Trung Quốc tụt xuống vị trí đối tác thương mại lớn thứ ba của Hoa Kỳ.
Trong quý đầu tiên của năm nay, Canada vẫn dẫn trước Trung Quốc với 188,6 tỷ USD, vượt qua kim ngạch thương mại Mỹ – Trung là 184,7 tỷ USD giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ năm ngoái. Kể từ tháng 3 năm nay, dịch bệnh Omicron bùng phát ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã áp dụng các biện pháp “Zero Covid” nghiêm ngặt để ngăn chặn và kiểm soát, dẫn đến việc đóng cửa các doanh nghiệp, hậu cần bị chặn và chuỗi cung ứng bị phá vỡ, nền kinh tế Trung Quốc chịu tổn hại nghiêm trọng.
Vào tháng 4, thành phố Thượng Hải, trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất Trung Quốc, đã phải đóng cửa, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, ngoài Canada vẫn giữ vị trí dẫn đầu với kim ngạch thương mại 258,5 tỷ USD, Mexico cũng vượt qua Trung Quốc (241,1 tỷ USD) với kim ngạch 249,8 tỷ USD và trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Hoa Kỳ, Trung Quốc một lần nữa tụt hạng xuống đối tác thương mại lớn thứ ba của Hoa Kỳ.
Các nhà kinh tế dự đoán rộng rãi rằng GDP của Trung Quốc khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà chính phủ Trung Quốc đặt ra trong năm nay. Ngày 19/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 xuống 4,4%, trong khi Ngân hàng Thế giới gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay xuống 4,3%.
Chuyên gia: Triển vọng thương mại Trung-Mỹ là không thể đoán trước
Về chiều hướng thương mại Trung-Mỹ, phóng viên của The Epoch Times đã phỏng vấn một số chuyên gia tài chính Mỹ-Trung. Cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm Harvard, nhà bình luận chính trị và kinh tế Đào Thuỵ (Tao Rui) và chuyên gia tài chính Trương Kinh Luân (Zhang Jinglun) đều tin rằng việc Trung Quốc có thể trở lại vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính sách phòng chống dịch bệnh của ĐCSTQ và thuế quan của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Tạ Điền (Xie Tian), giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, cho rằng ngay cả khi Trung Quốc tạm thời quay trở lại vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, thì cũng khó duy trì lâu dài.
Cả chuyên gia Đào Thuỵ và Trương Kinh Luân đều cho rằng thương mại Trung-Mỹ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau: một mặt, nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào ngoại thương, trong khi thương mại của Trung Quốc với Mỹ chủ yếu là xuất khẩu; mặt khác, lạm phát của Hoa Kỳ đang ở mức cao và cần có hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Hiện tại, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều đang thay đổi chính sách, ĐCSTQ dự định nới lỏng chính sách chống dịch để giảm bớt khó khăn kinh tế, trong khi Hoa Kỳ dự định giảm hoặc miễn thuế đối với Trung Quốc để chống lạm phát.
Chuyên gia Đào Thuỵ phân tích, trong ngắn hạn và trung hạn, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ lấy lại vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, nhưng về lâu dài thì khó đoán định, vì còn phụ thuộc vào xu hướng chính sách của các bên. Cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ có khả năng chi phối chính giới, mặc dù giới chính trị gần đây đã đưa ra nhiều tín hiệu cảnh báo chống lại Trung Quốc, nhưng giới kinh doanh vẫn hy vọng có thêm hợp tác với Trung Quốc; trong khi Trung Quốc bị chính trị chi phối, cộng đồng doanh nghiệp không còn sức để tranh giành chính trị, nên rất khó đoán định hướng đi trong tương lai của kinh tế Trung Quốc.
GS Tạ Điền dự đoán rằng cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới ở Hoa Kỳ có thể tạo ra nhiều trở ngại cho thương mại Mỹ-Trung, khiến ĐCSTQ không thể tiếp tục lợi dụng Hoa Kỳ. “Nếu cuộc bầu cử giữa kỳ lật ngược thế cờ và đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện và Hạ viện, thì triển vọng thương mại Trung-Mỹ có thể không lạc quan”.
Về hướng đi của nền kinh tế Trung Quốc, GS Tạ Điền phân tích rằng các chính sách phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, các cơn bão quy định và khủng hoảng bất động sản đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Trung Quốc, nhưng cuộc khủng hoảng lớn nhất mà ĐCSTQ phải đối mặt là cuộc khủng hoảng nợ. Ông cho rằng sẽ rất khó để đảo ngược sự suy thoái kinh tế nói chung ở Trung Quốc, đặc biệt là trong nửa cuối năm khi xuất khẩu sẽ đối mặt với thách thức rất lớn.
Chính sách “Zero Covid” của ĐCSTQ, đặc biệt là việc đóng cửa Thượng Hải từ tháng 4 năm nay, đã khiến các đơn hàng ngoại thương của Trung Quốc bị thất thoát lớn. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm vào tháng 4, theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào ngày 9/5.
GS Tạ Điền cho rằng ASEAN đã vượt qua EU trong hai năm liên tiếp và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, điều này thực chất liên quan đến việc chuyển dịch chuỗi công nghiệp. Trong hai năm qua, nhiều công ty đa quốc gia có trụ sở tại Trung Quốc đã rút một lượng lớn vốn từ Trung Quốc và chuyển sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Chuyên gia Trương Kinh Luân nói rằng xét về từng quốc gia, Hoa Kỳ thực sự là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Nhưng từ chính quyền Trump đến chính quyền Biden, chính phủ Hoa Kỳ đã đề phòng chống lại ĐCSTQ, và đa dạng hóa thương mại là một trong những biểu hiện quan trọng, đó là đa dạng hóa các đối tác thương mại. Và Canada và Mexico có lợi thế hơn về vị trí địa lý.
T.P