Tối 16/6, tại New Dehli, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Ấn Độ đã tham dự phiên thảo luận cấp bộ trưởng về 30 năm quan hệ ASEAN – Ấn Độ trong khuôn khổ Đối thoại Delhi lần thứ 12 với chủ đề “Xây dựng cầu nối Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Phát biểu tại phiên thảo luận, các Bộ trưởng ASEAN chia sẻ Ấn Độ và ASEAN có vị trí địa chiến lược quan trọng, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hoá… Quan hệ ASEAN – Ấn Độ đã đi được một chặng đường dài, cả hai đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, đóng góp thiết thực vào hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, đáp ứng lợi ích của hơn 2 tỷ người dân ASEAN và Ấn Độ.
Tuy nhiên, quan hệ ASEAN – Ấn Độ còn rất nhiều tiềm năng. Cả Ấn Độ và ASEAN đều đang vươn lên trở thành những trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại quan trọng trong thế giới đa cực. Các Bộ trưởng đề xuất nhiều biện pháp để tăng cường hợp tác ASEAN – Ấn Độ trong thời gian tới, qua đó làm cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc đang định hình.
Một số đề xuất đáng chú ý như cần có “vắc-xin” ngăn ngừa “virus thiếu hụt lòng tin chiến lược” thông qua đối thoại, xây dựng cấu trúc an ninh khu vực mở; tôn trọng nguyên tắc cùng tồn tại trong hoà bình giữa những người dân có văn hoá tôn giáo khác nhau, giữa các quốc gia với các lợi ích khác nhau; củng cố trật tự dựa trên luật lệ; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế, gia tăng kết nối giữa ASEAN và Ấn Độ; hợp tác để không bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp lần 4; tập trung vào các sáng kiến hợp tác cụ thể vì lợi ích của người dân…
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Lestari Priansari Marsudi nhấn mạnh: “Chúng ta cần xây cầu ở mọi khu vực, bao gồm cả Ấn Độ Dương- Thái Bình dương. Xây cầu nối có nghĩa là thu hẹp khoảng cách, vượt qua những khác biệt, kết nối các quốc gia và cải thiện quan hệ”. Bà cho biết thêm: ”Tuy nhiên, chúng ta không thể xây dựng cầu nối nếu không có lòng tin vào nhau… Vì thế, một thứ chúng ta cần trước khi xây dựng cầu nối lad phải nuôi dưỡng niềm tin chiến lược để quản trị sự cạnh tranh chiến lược”.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ASEAN và Ấn Độ là đối tác lâu đời, là láng giềng gần gũi, tin cậy của nhau, có sự gắn kết lịch sử và văn hoá sâu sắc qua hàng nghìn năm cùng hợp tác sâu sắc trong 30 năm qua là nền tảng quan trọng để đưa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai bên lên tầm cao mới. Trong một thế giới đầy biến động, hai bên cần nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức; đồng thời phát huy thế mạnh của mỗi bên để hợp tác hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất ASEAN và Ấn Độ cần phối hợp chặt chẽ hơn nhằm củng cố môi trường hoà bình, ổn định thuận lợi cho hợp tác và phát triển, thúc đẩy quan hệ lành mạnh giữa các cường quốc, đồng thời duy trì Biển Đông là khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Cả hai phía cần đề ra những mục tiêu tham vọng hơn đối với tăng trưởng thương mại, đầu tư, du lịch, hợp tác văn hoá, giao lưu nhân dân… giữa hai bên nhằm phục vụ lợi ích thiết thực của người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng đối với nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhất là tăng cường các dự án kết nối với các nước ASEAN trên cả đường bộ, đường biển và đường không, cả kết nối số, chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số. ASEAN và Ấn Độ cần tăng cường trao đổi những thực tiễn tốt và hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam, một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các nước ASEAN và Ấn Độ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Ấn Độ phát triển thực chất và mạnh mẽ hơn, đóng góp vào hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới trong những thập niên tới.