Bức tranh về hoàng đế Duy Tân với mũ áo Đại Triều ngồi trên ngai vàng từng được đấu giá trên sàn Sotheby cuối năm 2021 với giá 8.190 euro đã làm cho các trang mạng bàn tán xôn xao về những chiếc ngai của triều Nguyễn hiện tồn.
Được biết, bức tranh này cũng đã từng nằm trong sưu tập của họa sĩ Pierre Le – Tan là con trai của họa sĩ Lê Phổ. Bẵng đi một thời gian, bỗng lại xuất hiện một bức ảnh chụp hoàng đế Duy Tân cũng mũ áo Đại Triều ngồi trên ngai vàng được đấu giá trên trang Auction.fr, điều này khiến cư dân mạng và người quan tâm đến các hiện vật lịch sử quan tâm, bởi chiếc ngai trong ảnh rất giống với ngai trong bức tranh nêu trên và cũng khá giống với một chiếc ngai hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Đúng là chiếc ngai trong ảnh và tranh là giống nhau, chỉ tư thế ngồi của hoàng đế thì có khác một chút, trong ảnh thì hai tay đang cầm tấu sớ ở trước bụng, ở bức tranh thì tay phải cầm tấu sớ để trên đầu rồng thuộc tay ngai. Tưởng rằng như thế là đã rõ ràng. Nhưng sự việc không dừng ở đó, bởi lại xuất hiện thêm một bức ảnh chụp hoàng đế Duy Tân vẫn mũ áo đó, cũng ngồi trên ngai đó nhưng có tư thế giống với ở bức tranh, và ảnh này đã thuyết phục người xem hoàn toàn. Quả thật, khi nhìn vào tranh ảnh nêu trên, ta thấy… giật mình, bởi nó đã làm sáng tỏ không phải là một mà là hai chiếc ngai hiện tồn đang được Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế lưu giữ, trong đó có một ngai rất ít người được biết và có lẽ thiếu tư liệu nên cũng chưa được một ai nghiên cứu công bố.
Cái duyên đến với tôi khi vừa qua, nhân việc được Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế mời ra với tư cách là thành viên của Hội đồng Khoa học để giám định chiếc mũ quan và áo nhật bình triều Nguyễn (do Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine đấu giá thành công ở Tây Ban Nha và hiến tặng cho tỉnh Thừa Thiên-Huế), tôi đã được lãnh đạo ưu ái cho xem tận mắt hai chiếc ngai hiện tồn nêu trên.
Ngai trong hai ảnh và bức tranh là một
Chiếc ngai trong ảnh: Mặc dầu chất lượng ảnh hơi kém nhưng cũng thấy rõ chúng giống nhau ở lưng ngai là có phía trên một hình mặt trời và ở dưới là hình chữ thọ. Riêng mặt trời còn thấy rất rõ có 5 tia chếch lên, trong đó 1 tia ở trên là trung tâm và đối xứng mỗi bên là 2 tia, rồi tất cả được bao quanh là các dải mây đối xứng và có bố cục trông như một bông hoa theo lối bổ dọc. Còn phần bệ ngồi và đế thì một ảnh cho thấy bệ có kiểu chân quỳ. Đế hình chữ nhật, ngai được đặt ở trên chiếm phân nửa chiều dài thuộc phía sau, phân nửa còn lại thuộc phía trước có gắn hai con lân và chân của đế hoàng đế đang gác lên.
Chiếc ngai trong bức họa: Ngoài chi tiết ở lưng ngai giống với hai ảnh ra còn cho thấy phần bệ ngồi và đế khá chi tiết. Phần bệ ngồi có dáng chân quỳ giống trong ảnh, mặt bên trái thấy rõ mặt long phù ở hai góc và chân ngai thì rõ từng móng vuốt của rồng, trong đó mỗi bên là 5 móng. Phần đế, giống với trong ảnh, nhưng thấy rõ ở cạnh bên là toàn bộ hoa văn cánh cúc.
Tóm lại, với những khảo tả nêu trên có thể khẳng định chiếc ngai trong hai ảnh và ở bức tranh là một.
Hai chiếc ngai hiện tồn (ảnh 4, 5): đều được làm bằng gỗ rồi sơn thếp vàng và có kiểu dáng, cấu trúc giống nhau, kích thước cũng tương tự. Chiếc thứ nhất, cao 95 cm, mặt bệ ngồi rộng 58 cm, dài 50 cm. Chiếc thứ hai, cao 94 cm, rộng 52 cm, dài 59 cm (nếu so với ngai ở Điện Thái Hòa, cao 101 cm, rộng 72 cm, dài 87 cm, thì hai ngai này nhỏ hơn).
Quả thật, khi nhìn vào tranh ảnh nêu trên, ta thấy… giật mình, bởi nó đã làm sáng tỏ không phải là một mà là hai chiếc ngai hiện tồn đang được Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế lưu giữ, trong đó có một ngai rất ít người được biết và có lẽ thiếu tư liệu nên cũng chưa được một ai nghiên cứu công bố.
Tuy nhiên, điều được quan tâm ở đây là chúng cùng có mặt trời trên lưng ngai và có đặc điểm giống với mặt trời trên mũ miện của các hoàng đế triều Nguyễn (các mũ đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia), đó là vừa là hoa cúc vừa là mặt trời. Nhưng đi vào chi tiết thì có sự khác nhau. Chiếc ngai thứ nhất (ảnh 4): mặt trời có 5 tia; chiếc ngai thứ hai (ảnh 5): mặt trời có 6 tia. Tiếp đến là sự khác nhau ở chân ngai. Ngai thứ nhất: chân ngai thể hiện hai mặt, mỗi mặt là 5 móng vuốt của rồng; ngai thứ hai: chân ngai cũng hai mặt, mỗi mặt có 3 hình nhọn nhưng không phải là các móng vuốt của rồng.
Kết luận và vấn đề gợi mở
Với đặc điểm riêng biệt của hai ngai nêu trên đã cho thấy chiếc ngai thứ nhất hoàn toàn giống với ngai trong tranh ảnh và có thể nói là một. Vấn đề còn lại là tại sao chiếc ngai này lại không có phần đế như trong tranh ảnh? Điều này sẽ được giải thích với bằng chứng chiếc ngai ở Điện Thái Hòa có cấu trúc giữa ngai và đế là hai bộ phận rời được ghép bằng mộng cho phép nhận định rằng, chiếc ngai này đã bị mất phần đế.
Như vậy, không còn nghi ngờ gì, chiếc ngai thứ nhất chính là ngai vàng của hoàng đế Duy Tân. Điều này cũng đã chỉ ra kích thước của ngai là hoàn toàn phù hợp với tuổi của hoàng đế khi lên ngôi mới 7 tuổi (hoàng đế sinh ngày 19.9.1900, lên ngôi năm 1907, ở ngôi 9 năm rồi đi lãnh đạo khởi nghĩa chống Pháp). Hy vọng, trước anh linh của ngài, chiếc ngai sẽ được xuất hiện trước công chúng đúng với giá trị của nó.
Còn lại chiếc ngai thứ hai mà Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế lưu giữ, với bằng chứng chiếc ngai của hoàng đế Duy Tân nêu trên cũng đã cho phép đặt vấn đề, liệu có phải của một hoàng đế trẻ tuổi nào khác hay không, trong khi một vài nhà nghiên cứu cho là ngai thờ (?).
T.P