Kế hoạch tái phân bổ vốn của các tập đoàn đa quốc gia mang lại cơ hội cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).
“Cứ điểm mới” Việt Nam
Ít ngày trước, Tổng giám đốc Công ty Goertek Vina – Yoshinaga Kazuyoshi đã tới Nghệ An để kiểm tra tiến độ triển khai giai đoạn I, Dự án Goertek Nghệ An. Với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD, dự án này đã được khởi công từ đầu năm 2021 và tính đến nay, đã hoàn thành 98% tiến độ, để tới đầu năm 2023 có thể đi vào vận hành sản xuất.
Ngoài dự án ở Nghệ An, Goertek còn có nhà máy ở Bắc Ninh, với quy mô lên tới 500 triệu USD và vẫn đang duy trì ổn định các hoạt động sản xuất, nếu không muốn nói là ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
“Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi Covid-19, song doanh thu tại Việt Nam của Goertek vẫn tăng hơn 20%, đạt 3,3 tỷ USD và là một trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam”, ông Yoshinaga Kazuyoshi cho biết.
Theo ông Yoshinaga Kazuyoshi, Tập đoàn Goertek đã quyết định đưa Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất lớn nhất ở nước ngoài, trong đó Nghệ An là một trong các địa điểm quan trọng được lựa chọn để mở rộng sản xuất. Có lẽ chính vì vậy mà ngay từ đầu năm nay, Goertek đã không ngừng dốc vốn để nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD. Con số có thể sẽ tăng lên 1,5 tỷ USD trong những năm tới. “Chúng tôi sẽ chuyển về Việt Nam để sản xuất thêm một số sản phẩm của các hãng điện tử lớn trên toàn cầu”, ông Yoshinaga Kazuyoshi chia sẻ.
Hiện tại, ở Việt Nam, Goertek mới tập trung sản xuất các thiết bị âm thanh và tai nghe cho các đối tác của mình.
Không chỉ Goertek, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài cũng đã và đang tiếp tục chọn Việt Nam là “cứ điểm” sản xuất. Những cái tên có thể nhắc tới là Samsung, LG, Foxconn… và cả Intel. Tập đoàn chuyên sản xuất chip của Mỹ sau khi đầu tư giai đoạn I với 1 tỷ USD đang lên kế hoạch cho giai đoạn II, với ngân khoản gấp nhiều lần dự án đang triển khai.
Còn Samsung đầu năm nay đã đầu tư thêm 920 triệu USD cho Nhà máy Điện cơ ở Thái Nguyên. LG sau khi liên tục tăng vốn đầu tư trong năm ngoái đã không ngừng mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Foxconn cũng tương tự, nhất là sau khi khách hàng lớn nhất của nhà sản xuất này – Apple – xác định Việt Nam có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng của mình.
Ngoài Goertek, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng vừa chấp thuận Dự án Sản xuất bảng mạch in và vi cơ điện tử của Vector Fabrication (Mỹ), với vốn đầu tư 60 triệu USD. Dự án dự kiến khởi công ngay trong năm nay và đi vào hoạt động giai đoạn I đầu năm 2021.
Trong khi đó, ông Jung Won Ju, Chủ tịch Tập đoàn DAEWOO E&C (Hàn Quốc) cũng vừa đến thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Bắc Ninh. Quyết định chưa được đưa ra song việc một tập đoàn lớn tiếp tục tìm đến đã chứng tỏ sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam.
Xu hướng tái phân bổ vốn đầu tư và cơ hội cho Việt Nam
Dòng đầu tư quốc tế đang phục hồi sau Covid-19 và trong những điểm đến được lựa chọn, tiếp tục có tên Việt Nam. Các khảo sát gần đây của EuroCham hay Jetro đều cho thấy điều này.
Thậm chí, không chỉ các nhà đầu tư nói trên, mà cơ hội còn rộng mở hơn nữa, nhất là với các khoản đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia – mục tiêu mà Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đang hướng tới.
Theo một báo cáo nghiên cứu vừa được Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC, thuộc Ngân hàng Thế giới – WB) công bố, các tập đoàn đa quốc gia đang lập kế hoạch tái phân bổ đầu tư đáng kể trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và châu Âu – Trung Á. Điều đáng quan tâm là, có tới 190 trong số 1.060 người được hỏi (chiếm khoảng 18%) cho biết, Trung Quốc sẽ là một trong 3 quốc gia mà họ dự kiến giảm đầu tư nhiều nhất.
Thậm chí, hơn 1/3 (86 trong số 255, tương đương 34%) các công ty lớn nhất trong mẫu (có quy mô tài sản toàn cầu trên 10 tỷ USD) cho biết có kế hoạch giảm đầu tư ở Trung Quốc. Các công ty dịch vụ hỗ trợ công nghệ thông tin và thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các công ty giảm đầu tư (26%).
Các công ty như Goertel, Foxconn, Compal, Luxshare, Pegatron… chính là những cái tên hàng đầu về cung cấp dịch vụ BPO. Những năm gần đây, các doanh nghiệp này đều đã gia tăng đầu tư vào Việt Nam.
“Các khu vực tăng đầu tư là khác nhau, tùy theo lĩnh vực. Chẳng hạn, thực phẩm và đồ uống sẽ chuyển sang Bắc Mỹ; hàng dệt may sang Đông Á – Thái Bình Dương; dịch vụ hỗ trợ công nghệ thông tin và BPO sang Nam Á và Đông Á – Thái Bình Dương”, ông Peter Kusek, Chuyên gia kinh tế cao cấp WB đã cho biết như vậy tại cuộc tọa đàm về xu hướng FDI toàn cầu và giải pháp xúc tiến đầu tư trong bối cảnh mới do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và IFC vừa phối hợp tổ chức.
Theo bà Yan Liu, Chuyên gia kinh tế WB, xu hướng “Trung Quốc + 1” và dịch chuyển sản xuất gần hơn với thị trường cuối cùng đang thúc đẩy sự phân bổ lại đầu tư ra khỏi Trung Quốc. “Với chiến lược Trung Quốc + 1, các doanh nghiệp sẽ mở rộng hoạt động ở các nước đang phát triển khác như Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Philippines, Việt Nam, Malaysia”, bà Yan Liu nói.
Trên thực tế, chiến lược Trung Quốc + 1 và xu hướng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đã xuất hiện trước đây và gia tăng mạnh mẽ hơn kể từ khi Covid-19 bùng phát. Trong xu hướng này, Việt Nam đã được hưởng lợi và cơ hội đang ngày càng rộng mở hơn bao giờ hết, khi Trung Quốc vẫn đang áp dụng chính sách “Zero Covid” không khoan nhượng.
Trong báo cáo gửi Chính phủ gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dòng vốn đầu tư mới vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong quý I/2022, khi Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” và tâm lý kinh doanh của nhà đầu tư thận trọng hơn. Trong quý I/2022, chỉ có 55 dự án FDI vào Trung Quốc được ghi nhận, giảm 50,5% so với cùng kỳ năm trước.
Rõ ràng, trong bối cảnh ấy, nếu biết tận dụng cơ hội, Việt Nam sẽ thu hút được một lượng lớn hơn vốn đầu tư. 4% là mức tăng vốn đầu tư mà Việt Nam có thể nhận được, khi các tập đoàn đa quốc gia tái phân bổ vốn đầu tư trong vài năm tới, theo nghiên cứu của WB.
“Việt Nam có thể tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh đầu tư thông qua các cải cách chính sách đầu tư”, ông Peter Kusek nói.
T.P