Mới đây, trang Washington Post đưa tin, lãnh đạo Campuchia và Trung Quốc đã động thổ dự án cải tạo căn cứ hải quân Ream thuộc tỉnh Sihanoukville của Campuchia. Mỹ lo ngại căn cứ này được cải tạo để dành cho quân đội Trung Quốc sử dụng độc quyền.
Theo một số nguồn tin, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên đã có mặt tại căn cứ để dự lễ động thổ. Theo đó, dự án trên do Trung Quốc đầu tư, bao gồm các công trình như ụ nổi để sửa chữa tàu, bến tàu mở rộng, bệnh viện, khu nhà xưởng và tòa nhà tiếp tân.
Theo dự kiến, việc cải tạo này sẽ giúp cảng có thể đón các tàu có trọng tải 5.000 tấn – cao hơn hẳn so với mức 1.000 tấn hiện tại. Công trình được đấu thầu và thực hiện bởi Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc. Trước đó, tập đoàn này đã từng ký thỏa thuận hợp tác với Campuchia từ năm 2016.
Nằm ở phía nam Biển Đông, căn cứ hải quân Ream trở thành “hòn đá tảng” trong quan hệ giữa Mỹ với Campuchia. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ và Campuchia căng thẳng xung quanh vấn đề căn cứ Ream.
Từ vài năm trước, phía Mỹ đã nhiều lần khẳng định Trung Quốc không chỉ tài trợ xây dựng hạ tầng mà còn hiện diện quân sự tại Ream. Vì vậy, việc Campuchia đồng ý để Trung Quốc tham gia vào dự án cải tạo quân cảng Ream không phải điều gây ngạc nhiên. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã bơm hàng tỷ USD vào Campuchia thông qua các dự án hỗ trợ phát triển, các khoản vay và cùng những giao dịch kinh doanh khác.
Dễ dàng nhận thấy, Trung Quốc từ lâu đã có kế hoạch trở thành cường quốc chiến lược hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương nhưng sẽ khó khăn để thách thức quyền “bá chủ” của Mỹ nếu Trung Quốc không có căn cứ ở nước ngoài. Như vậy, quân cảng Ream có thể là điểm dừng chân đầu tiên của tàu hải quân Trung Quốc sau khi ra khỏi Biển Đông. Những tàu chiến tại đây có thể ghé cảng Bangladesh, rồi Sri Lanka. Vì thế, việc thiết lập một căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Campuchia sẽ thúc đẩy khát vọng của Trung Quốc trở thành một cường quốc toàn cầu thực sự với mạng lưới cơ sở quân sự trên khắp thế giới.
Ngoài ra, phía Mỹ cũng tỏ ra lo ngại về công nghệ trạm mặt đất của Hệ thống vệ tinh dẫn đường Beidou (Bắc Đẩu) sẽ được xây dựng tại Ream. Được biết, hệ thống vệ tinh dẫn đường Beidou là phiên bản Trung Quốc của Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) với các mục đích sử dụng quân sự trong đó có dẫn đường cho tên lửa.
Hiện chưa biết phía Trung Quốc sẽ sử dụng các hệ thống này như thế nào, nhưng vào tháng 3/2022, báo cáo của Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) đã cho biết, PLA có thể lợi dụng khả năng định vị và dẫn đường chính xác cao của Beidou để thúc đẩy việc điều động quân đội và theo dõi không gian toàn cầu.
Ngay sau lễ động thổ, trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP, bà Stephanie Arzate – người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh – cho biết Mỹ và các nước khác trong khu vực “bày tỏ lo ngại sự thiếu minh bạch về ý định, bản chất và phạm vi của dự án này, cũng như vai trò của Trung Quốc trong việc xây dựng dự án. Sự hiện diện quân sự độc quyền của Trung Quốc tại Ream có thể đe dọa quyền tự trị của Campuchia và phá hoại an ninh khu vực”.
Cùng với đó, giới phân tích quốc tế cũng nhận định cũng cho rằng quan hệ hợp tác ngày càng khăng khít giữa Trung Quốc và Campuchia cho thấy ảnh hưởng của Mỹ đang suy giảm.
Tương tự, Australia cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại. “Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc nên minh bạch về ý định của mình và đảm bảo các hoạt động nhằm hỗ trợ an ninh và ổn định tại khu vực”, Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói khi đang có mặt tại Indonesia.
Về phía Campuchia và Trung Quốc, giới chức của hai nước đã lên tiếng phủ nhận những “thuyết âm mưu” đến từ phía Mỹ. Tuy nhiên, hành động bí mật vô cùng đáng ngờ này của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn đang khiến phương Tây nhận định “đây sẽ là hiểm họa khó lường nằm trong âm mưu bành trướng của Trung Quốc”.
T.P