Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVua Gia Long chú trọng phát triển thủy quân để bảo vệ...

Vua Gia Long chú trọng phát triển thủy quân để bảo vệ chủ quyền biển đảo

Nhân tố biển đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển thể lực của các chúa Nguyễn. Các đời chúa Nguyễn đều đặc biệt chú ý triển khai hoạt động biển và phát triển sự nghiệp biển.

Thuyền chiến thời Nguyễn. Tranh vẽ của Nguyễn Thứ, họa sĩ cung đình thời Nguyễn.

Nguyễn Ánh đã tiếp nối các chúa Nguyễn phát triển thủy quân trong quá trình giành và giữ đất Nam Bộ. Đặc biệt Nguyễn Ánh đã nhờ các chuyên gia giỏi phương Tây như anh em nhà Dayot, Jean Baptiste Chaigneau để trang bị các phương tiện kỹ thuật, vũ khí hiện đại và tổ chức lực lượng thủy quân đánh bại thủy quân Tây Sơn. Sau khi đánh bại quân đội và thủy quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng Đế (Gia Long) đã tổ chức lực lượng thủy quân hùng mạnh để bảo vệ đất nước, bảo vệ biển đảo mênh mông.

Thời Gia Long đã ra sức phát triển lực lượng thủy quân, đóng thuyền buồm, tầu chiến và cử tàu thuyền ra nước ngoài. Để phục vụ cho việc bảo vệ biển đảo Vua Gia Long đã lệnh cho Bộ Công tổ chức biên soạn cuốn sách “Duyên hải lục” ghi ghép độ sâu của thủy triều ven biển và cây số đường Biển. Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên” thì vào mùa Thu, tháng 7 năm Gia Long thứ hai (1803), nghĩa là chỉ mấy tháng sau khi thành lập vương triều, ông đã quyết định “lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủy ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa” theo như nguyên mẫu của đội Hoàng Sa được lập từ thời chúa Nguyễn Phú Nguyên hồi đầu thế kỷ XVII. Tại vùng Bình Thuận, ông cũng cho tái lập đội Bắc Hải tương tự đội Bắc Hải mà chúa Nguyễn Phú Chu khởi lập từ hơn trăm năm trước.

Ngày 17 tháng 2 năm Giáp Tý (28-3-1804) vua Gia Long bãi bỏ tên gọi cũ của nước An Nam và chính thức xưng quốc hiệu mới là Việt Nam. Vua đồng thời tập trung đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ an toàn các vùng biển đảo và vùng hiểm yếu giữa Biển Đông.

Rút kinh nghiệm từ nhà Tây Sơn và các chúa Nguyễn, vua Gia Long tuy vẫn giữ các đội Hoàng Sa, Bắc Hải là lực lượng dân binh nhưng được biên chế vào trong quân Trường Đà của triều đình. Đồng thời chú trong tăng cường trang thiết bị, tầu thuyền, vũ khí nâng cao hơn năng lực hoạt động quân sự trên biển, để các lực lượng này có thể cơ động ứng phó với tình hình phức tạp xẩy ra giữa biển khơi. Vua Gia Long còn cho ghi chép số người số thuyền của đội Trường Đà. Chỉ tính từ Quảng Trị đến Bình Thuận đã có 327 chiếc thuyền và 1427 người.

Rõ ràng vua Gia Long nhờ chú trọng phát triển thủy binh mà đã giành được chính quyền, thống nhất đất nước và bảo vệ được chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

H.B

RELATED ARTICLES

Tin mới