Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLuật pháp quốc tế không phải trò đùa !

Luật pháp quốc tế không phải trò đùa !

Vào ngày 12/7 các đây vừa tròn 6 năm, Tòa Trọng tài quốc tế Liên hợp quốc tại La Haye đã xử cho Philippines thắng kiện. Yêu sách “Đường chín đoạn” chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông của Trung Quốc đã bị bác bỏ. Thế nhưng từ đó đến nay Bắc Kinh vẫn phớt lờ.

Sau sáu năm cửa phiên tòa tạm thời khép lại, hầu như chẳng mấy ai để ý đến cái phán quyết ấy, thì Washington và Manila đã “báo thức” giấc ngủ quá dài của Trung Quốc và các bên liên quan.

Hôm qua, 12/7, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Quốc tế La Haye về “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tự vẽ ở Biển Đông. Nội dung thông cáo của Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ ý kiến của Antony Blinken: “Chúng tôi lặp lại kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chấp hành nghĩa vụ theo luật quốc tế và ngưng hành vi khiêu khích”.

Ngoại trưởng Mỹ tỏ thái độ kiên quyết: Nếu xảy ra một cuộc tấn công vào các lực lượng vũ trang, tàu thuyền, máy bay công vụ của Philippines trên Biển Đông thì tất cả các các cam kết trong Hiệp định quốc phòng tương hỗ Mỹ – Philippines sẽ được thực hiện ngay lập tức.

Còn “bên thắng kiện” cũng đã khẳng định kiên trì bảo vệ chân lý bằng con đường ngoại giao và sẽ thay đổi sách lược đối với Trung Quốc. Philippines kiên quyết bác bỏ mọi nỗ lực phá bỏ phán quyết đanh thép đó của Tòa. Ông Enrique Manalo -Ngoại trưởng Philippines – hôm 12/7 khẳng định: “Phán quyết của Tòa trọng tài Thường Trực La Haye là một trụ cột trong chính sách và hành động của chính quyền mới Manila đối với Biển Đông”.

Như quý bạn đọc đã biết, Trung Quốc, Đài Loan và bốn nước trong khu vực gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông. Tuyến đường hàng hải này rất quan trọng và cũng là nơi chứa trữ lượng tài nguyên thiên nhiên dầu khí, hải sản khổng lồ.

Cách đây sáu năm, vụ kiện Trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến đơn kiện của Philippines đề nghị Tòa phân xử về bốn vấn đề: 1-Philippines muốn Tòa phán quyết về nguồn luật quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trên Biển Đông và hiệu lực của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (Công ước) đối với yêu sách về quyền lịch sử bên trong cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc; 2- Đề nghị Tòa phán quyết về một số cấu trúc mà cả Trung Quốc và Philippines cùng yêu sách được xác định chính xác là đảo, đảo đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay bãi chìm theo Công ước; 3-Tòa phán quyết về một số hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có vi phạm Công ước không khi can thiệp vào việc Philippines thực thi các quyền chủ quyền và quyền tự do phù hợp với Công ước, cũng như Trung Quốc đã làm tổn hại đến môi trường biển thông qua các hoạt động đánh cá và xây dựng; 4-Philippines muốn Tòa phán quyết về một số hoạt động do Trung Quốc tiến hành, cụ thể là việc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa kể từ khi vụ kiện bắt đầu đến nay đã làm mở rộng và làm phức tạp thêm tranh chấp.

Sau khi xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, Tòa Trọng tài tại La Haye đã quyết định về quyền lịch sử và “đường chín đoạn”. Cụ thể, Toà nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông.

Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận: Công ước quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển, và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước Công ước liên quan đến tài nguyên đã được xem xét, nhưng chúng không được thông qua và quy định tại Công ước. Theo đó, trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước.

Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây.

Vì những lý do nêu trên, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường chín đoạn”.

Phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực Liên hợp quốc là cơ sở quan trọng nhất, yêu cầu Trung Quốc phải chấp hành, từ bỏ ngay ý định độc chiếm Biển Đông. Thế nhưng hết năm này qua năm khác, quyết định của Tòa vẫn không được thực thi. Thậm chí những hoạt động quân sự hóa, gây gia tăng căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông còn dày đặc hơn.

Tiếng nói thẳng thắn của Mỹ và Philippines lúc này cần phải được sự hưởng ứng của cộng đồng quốc tế. Bởi luật pháp quốc tế không thể bị xem là trò đùa! Cứ như thế này, liệu Tòa trọng tài Thường trực Liên hợp quốc có còn thiêng?

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới