Vào dịp này 6 năm trước Tòa Trọng tài quốc tế tại Liên hợp quốc (PCA) ra phán quyết, bác bỏ “Đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Thế nhưng từ đó đến nay, “bên thua kiện” vẫn chây ỳ không hề có động thái nào lùi bước mà còn tỏ ra hung hăng hơn.
Dường như để cảnh cáo sự ngoan cố và trơ chẽn đó, Mỹ và đồng minh, dịp này, tăng cường những hoạt động quân sự tại hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Mấy ngày nay, nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan của Hải quân Mỹ đang hoạt động ở khu vực Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) – Thông cáo báo chí của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cho biết.
Nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ xuất hiện cùng lúc với tàu khu trục USS Benfold. Chẳng là tàu khu trục này đang thực hiện chuyến tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngoài ra còn có Không đoàn trên hạm số 5, tàu tuần dương USS Antietam, tàu khu trục USS Higgins. Thật là một cuộc phô trương sức mạnh Mỹ khiến Bắc Kinh vô cùng tức tối.
Được biết, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ tiến hành diễn tập bay, tập trận trên biển, đào tạo chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị mặt nước và trên không. Phó Đô đốc Michael Donnelly cho hay: “Nhóm tác chiến sẽ làm việc thường xuyên để nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu. Và chúng tôi tiếp tục tập trung vào vấn đề này trong các hoạt động ở Biển Đông nhằm thực hiện cam kết của chúng tôi với các nước trong khu vực”.
Hạm đội 7 là một trong những hạm đội lớn nhất của Hải quân Mỹ, lại có sự hỗ trợ của lực lượng hàng hải của 35 quốc gia đồng minh và đối tác. Trong những năm qua, Hải quân Mỹ đã thực hiện nhiều hoạt động tuần tra an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Dịp này nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ “tuần tra tự do hàng hải” trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng lực lượng hải quân và thiết lập các tiền đồn quân sự trên đảo nhân tạo bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Theo Tổ chức Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), lịch trình hoạt động của hải quân Mỹ tại Biển Đông năm nay bắt đầu sớm hơn hai tuần so với năm ngoái. Nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ tiến vào khu vực này ngày càng tăng về số lượt và số phương tiện.
Washington nhiều lần phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở khu vực, cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng. Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một bản tài liệu công phu, dài tới 47 trang, bác bỏ cơ sở địa lý và lịch sử liên quan đến các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Do coi Biển Đông là cái ao nhà, cho nên Trung Quốc ngang nhiên quân sự hóa các địa hình tranh chấp, số lần tiến hành tập trận ngày càng dày đặc. Một nước láng giềng là Nhật Bản, đang có tranh chấp với Trung Quốc quần đảo Senkaku đã nhiều lần phản đối các nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng cưỡng ép, gây căng thẳng cho các nước có tranh chấp, nhất là Philippines, Indonesia, Việt Nam, Đài Loan.
Đặc biệt, hồi tháng 2 năm nay, Luật Hải cảnh của Trung Quốc có hiệu lực đã gây nên bao trở ngại cho hoạt động của ngư dân các nước lân cận. Luật này bao gồm các quy định đi ngược lại luật pháp quốc tế, chẳng hạn như áp dụng luật đối với các khu vực biển không rõ ràng và liên quan đến thẩm quyền sử dụng vũ khí.
Vì lẽ đó mà các nước trong ASEAN không bao giờ dung thứ cho những hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông của Trung Quốc.
Việc Mỹ đưa nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ hoạt động cùng lúc với tàu khu trục USS Benfold ra Biển Đông không phải là điều ngẫu nhiên. Những hành động ỷ thế nước lớn, gây rối, bắt nạt các nước nhỏ, yếu thế là tư duy của phong kiến phương Bắc từ ngàn năm nay. Trong một thế giới mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, các quốc gia ngày càng xích lại gần nhau trong các tổ chức đa phương với mục đích cao cả nhất là bảo vệ hòa bình, an ninh, cùng phát triển.
Trung Quốc cho rằng Mỹ và “đồng bọn” đang nắn gân, đang chơi trò báo động giả. Còn các nước có quyền lợi chính đáng trong khu vực Biển Đông thì nhất trí với nhau rằng: Mỹ đang báo động thật và sẵn sàng chiến đấu thật, khi Bắc Kinh tiếp tục lấn tới vượt ngưỡng có thể. Muốn đè bẹp tư tưởng Đại Hán cộng với vũ khí quân sự thì phải huy động sức mạnh tổng lực quân sự cộng với hợp tác quốc tế.
H.Đ