Sau khi thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu giảm kịch sàn đã có hiệu lực từ ngày 11/7, các doanh nghiệp đang trông chờ vào việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (VAT) với xăng dầu để hỗ trợ sản xuất, phục hồi kinh tế.
Giải pháp cấp thiết để phục hồi kinh tế
Bộ Tài chính cho biết, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm VAT đối với xăng và dầu; giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp, nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đối với mặt hàng dầu đang áp dụng mức thuế suất MFN là 7% đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.
Theo quy trình, khi được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ trình phương án giảm thuế lên các thành viên của Chính phủ. Nếu được Chính phủ chấp thuận, Bộ sẽ trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp gần nhất, dự kiến vào tháng 10 tới.
Sáu tháng đầu năm, giá xăng dầu được điều chỉnh 16 đợt, khiến giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít; xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít và dầu diezen tăng 13.900 đồng/lít. Bình quân 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,87%.
Trong kỳ điều hành gần nhất hôm 11/7, lần đầu tiên, giá xăng đã giảm hơn 3.000 đồng/lít, về ngưỡng dưới 30.000 đồng/lít nhờ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu giảm về mức sàn và tác động từ giá dầu thế giới giảm.
Đáng lẽ giá xăng có thể giảm 4.500-5.000 đồng/lít, nếu cơ quan điều hành giá không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức gần 1.000 đồng/lít đối với xăng và 550-950 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut trong kỳ điều hành này. Sở dĩ cơ quan điều hành phải trích lập bình ổn giá vào xăng dầu để tạo nguồn cho quỹ là do số dư của quỹ này âm gần 170 tỷ đồng thời điểm cuối quý I/2022.
Khi giá dầu thế giới vẫn liên tục biến động, thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn nhiều, thậm chí có thời điểm bị âm hàng trăm tỷ đồng, việc giảm thuế, phí là công cụ duy nhất giúp hạ nhiệt giá xăng trong nước.
Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT với xăng là mong mỏi lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp nhằm kéo giảm chi phí đầu vào trước biến động bất thường của giá dầu thế giới. Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
Ông Nguyễn Ngọc Tình, Phó giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai phân tích, giảm thuế, phí sẽ tác động làm giảm giá bán lẻ xăng dầu, nhờ đó chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ bớt đi, nhất là trong ngành xi măng, chi phí xăng dầu chiếm tới 17-18% giá thành sản xuất.
Theo các chuyên gia, việc cân nhắc giảm hai loại thuế này với xăng dầu cần làm sớm, bởi chậm ngày nào thì ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô ngày đó. Thực tế, giá xăng dầu neo ở mức cao, tăng trên 60% từ cuối năm ngoái, doanh nghiệp nhiều ngành nghề đã quá điêu đứng. Tính toán của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho thấy, hiện 1 lít xăng RON 95-III đang “cõng” khoảng 10.000 đồng tiền thuế, cộng với các khoản phí khác thì lên tới hơn 11.000 đồng. Do vậy, đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng với xăng và dầu của Bộ Tài chính là giải pháp cần thiết lúc này.
Mức giảm thuế phải đủ mạnh
Xăng dầu là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của doanh nghiệp kinh doanh vận tải và các lĩnh vực sản xuất khác, cũng như đại bộ phận người dân, do đó, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, cần giảm ngay thuế đánh vào xăng dầu để hạ nhiệt giá trong nước.
Với giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường đã kịch khung, các chuyên gia cho rằng, dư địa hạ giá bán lẻ xăng dầu hiện chỉ trông chờ vào giảm thuế VAT và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, từ đó tạo cơ sở thực hiện việc bình ổn giá, kiềm chế lạm phát dưới mức 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mức giảm thuế phải đủ mạnh mới có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước tác động của giá dầu thế giới đã tăng quá cao từ đầu năm, làm bào mòn sức khỏe, lợi nhuận của doanh nghiệp, đồng thời mục tiêu của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội ít nhiều bị ảnh hưởng khi giá cả tăng cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trong kết cấu giá bán lẻ xăng dầu có giá nhập khẩu, thuế nhập khẩu và chi phí nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lợi nhuận định mức… Hiện tại, thuế nhập khẩu là 10%; thuế giá trị gia tăng 10%; thuế bảo vệ môi trường hiện đã về kịch sàn là 1.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu; thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào mặt hàng xăng (RON 95 chịu thuế 10%; E5 là 8%; E10 là 7%), không áp dụng với mặt hàng dầu. Tổng các loại thuế và chi phí khác đánh vào mặt hàng xăng dầu của Việt Nam chiếm 28-35% giá bán lẻ.
T.P