Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNGUY CƠ PHÁT TRIỂN VÀ CHÍNH SÁCH CƯỜNG QUYỀN CỦA TQ TRONG...

NGUY CƠ PHÁT TRIỂN VÀ CHÍNH SÁCH CƯỜNG QUYỀN CỦA TQ TRONG VẤN ĐỀ BIỂN ĐẢO VỚI CÁC NƯỚC LÁNG GIỀNG

Thi hành chính sách “phát triển hòa bình”, thúc đẩy quan hệ “láng giềng hữu nghị” với các nước láng giềng luôn được Trung Quốc lớn tiếng khẳng định là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Vậy bản chất chính sách của họ với các nước láng giềng và mục tiêu phát triển của họ có đúng như vậy không hay đây chỉ là những lời nói “đường ngọt” của nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm làm yên lòng các nước xung quanh, che đậy cho những những âm mưu bá quyền và bành trướng của họ.

Có thể thấy trong thời gian qua để thực hiện mục tiêu vươn lên thành một cường quốc ngang hàng với Mỹ, Trung Quốc đã thi hành một chính sách cường quyền với các nước láng giềng xung quanh, thể hiện rõ nhất trong cách hành xử của họ về vấn đề trên biển với các nước xung quanh.

Chỉ từ đầu năm 2012 đến nay, Trung Quốc đã liên tiếp dùng mọi thủ đoạn để gây căng thẳng với hầu hết các nước có chung đường biên giới trên biển với Trung Quốc.

Trước hết với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc triển khai nhiều hoạt động gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Từ việc bắt giữ phạt nặng đánh đập ngư dân Việt Nam, uy hiếp, đe dọa các tàu cá của Việt Nam đang hoạt động đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; Trung Quốc gây ra tranh chấp kéo dài với Philippin ở khu vực bãi cạn Scarborough cùng với một số hành động “trừng phạt” Philippin về kinh tế (như không nhập khẩu chuối, hạn chế khách du lịch…); ngày 21/6/2012 Trung Quốc công bố Quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” cùng với việc ráo riết triển khai các hoạt động củng cố cơ quan lập pháp, hành chính, quân sự và cơ sở hạ tầng ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” này; nghiêm trọng hơn nữa là ngày 23/6/2012 Trung Quốc tiếp tục công bố mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách bờ biển Việt Nam 60 hải lý; đồng thời, Trung Quốc cho hàng vạn tàu cá với sự yểm trợ của các tàu Hải giám, Ngư chính của Trung Quốc xuống hoạt động ở Biển Đông; mới đây nhất, ngày 28/8/2012 Trung Quốc lại công bố mới thầu 26 lô dầu khí, trong đó có các lô (như lô 65/12) nằm trong vùng biển của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cùng với việc liên tiếp gây căng thẳng trên thực địa với các nước láng giềng, ở trong nước Trung Quốc mở chiến dịch tuyên truyền rầm rộ vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam và Philippin gây ra tình trạng căng thẳng ở Biển Đông; truyền thông Trung Quốc lớn tiếng đe dọa dạy cho Việt Nam và Philippin một bài học…. Mặt khác, Trung Quốc tìm cách phân hóa, chia rẽ sự đoàn kết nhất trí trong ASEAN, thậm chí dùng tài chính để mua chuộc lôi kéo, thực hiện chính sách “chia để trị”. Điều này thể hiện rất rõ qua diễn biến tại các hội nghị AMM45, hội nghị ASEAN với các đối tác và diễn đàn ARF, Đông Á (EAS) ở Campuchia tháng 7 vừa qua cũng như qua chuyến thăm 3 nước Indonesia, Brunei, Malaysia đầu tháng 8 vừa rồi. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc đang thi hành chính sách “cái gậy và củ cà rốt” trong quan hệ với các nước ASEAN.

alt

Tàu hải giám của Hải quân TQ. Ảnh: Internet.

Với các nước Đông Bắc Á, Trung Quốc cho tàu cá thường xuyên vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Hàn Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc đã gây ra căng thẳng với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư); tàu Hải giám, tàu Ngư chính của Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng biển của Nhật Bản, kể cả ở khu vực xung quanh quần đảo Senkaku; trong các lô dầu khí mà Trung Quốc công bố mời thầu ngày 28/8/2012, có những lô (như lô 41/08) nằm gần quần đảo Senkaku thuộc vùng biển của Nhật Bản; cổ vũ cho người dân ở Hồng Công và Trung Quốc đi tàu ra quần đảo Senkaku; khuyến khích dân ở 20 thành phố của Trung Quốc biểu tình chống Nhật, xé quốc kỳ Nhật Bản, đập phá các nhà hàng Nhật, tảy chay hành hóa Nhật. Đặc biệt nghiêm trọng là xảy ra vụ việc dân Trung Quốc tấn công và giật là cờ trên xe của ông Uichiro Niwa, Đại sứ Nhật Bản đang lưu hành trên đường phố Bắc Kinh. Sự kiện này không chỉ thể hiện cách hành xử thiếu văn hóa mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định của Công ước Viên về bảo đảm an toàn cho các quan chức Ngoại giao. Truyền thông Trung Quốc cũng chẳng e ngại đe dọa sử dụng vũ lực để “lấy lại” quần đảo Senkaku của Nhật.

Với Nga, một nước láng giềng lớn của Trung Quốc mặc dù Trung Quốc không dám đe dọa, uy hiếp, nhưng cũng không tránh được những sự kiện phức tạp do Trung Quốc gây ra. Tàu cá của Trung Quốc cũng liên tiếp vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Nga dẫn đến việc nhiều lần xảy ra va chạm giữa tàu cá Trung Quốc với cơ quan chức năng tuần tra của Nga.

Còn với Bắc Triều Tiên, nước có chung đường biên giới với Trung Quốc ở biển Hoàng Hải thì có vẻ, như ít các thông tin liên quan về các vụ việc phức tạp xảy ra trên biển giữa Trung Quốc và Triều Tiên, song có lẽ do bị lệ thuộc mọi mặt vào Trung Quốc nên Triều Tiên phải chấp nhận chiều lòng Bắc Kinh “giải quyết nội bộ các tranh chấp trên biển”, không dám công khai phê phán các hành động của Trung Quốc trên vùng biển của Triều Tiên.

Với những hành động gây hấn với các nước láng giềng có đường biên giới trên biển, Trung Quốc đã tự mình làm hoen ố hình ảnh của một Trung Quốc “phát triển hòa bình” làm sói mòn chính sách “láng giềng hữu nghị” với các nước xung quanh. Nếu như trước đây người ta nghi ngờ, lo ngại về sự thực trong những lời tuyên bố của Trung Quốc thì nay sự thực đã được phơi bày, Trung Quốc đã lộ nguyên hình của một kẻ bá quyền, Đại hán; luôn thi hành một chính sách “bắt nạt, đe dọa, o ép” các nước láng giềng xung quanh. Khi nhìn vào các hành động trên thực tế của Bắc Kinh để đối chiếu với những tuyên bố của những người lãnh đạo Trung Quốc, các chuyên gia đều rút ra kết luận rằng không thể tin vào những lời “đường mật” của Bắc Kinh vì bản chất của Trung Quốc là “nói một đằng, làm một nẻo”. Với những hành động gây hấn ngày càng leo thang trên biển với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và cả cộng đồng quốc tế đang cùng có chung một mối lo ngại về “nguy cơ” của Trung Quốc.

Sắp tới đây, Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc được triệu tập tại Bắc Kinh sẽ lại thông qua một đường lối phát triển và chính sách đối ngoại cho 5 năm tới. Giới cầm quyền ở Bắc Kinh sẽ lại tiếp tục lớn tiếng tuyên bố về đường lối “phát triển hòa bình” và về quan hệ “láng giềng hữu hảo” với các nước xung quanh. Nhưng với những gì đã và đang diễn ra trong vấn đề biển đảo với các nước láng giềng thì bài ca cũ rích đó của Bắc Kinh không thể xóa đi mối lo ngại sâu sắc về mối “nguy cơ” ngày càng tăng của một Trung Quốc bành trướng, bá quyền./.

                                                                                                                      Việt Chi

RELATED ARTICLES

Tin mới