Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNỗi khổ vì quy hoạch treo

Nỗi khổ vì quy hoạch treo

Như Thanh Niên từng phản ánh, rất nhiều hộ dân ở TP.HCM vẫn khổ sở vì bị “treo” quyền lợi chính đáng về nhà đất do quy hoạch “treo” kéo dài. Riêng tại địa bàn H.Cần Giờ, hàng ngàn hộ dân còn “đứng ngồi không yên” vì quy hoạch chồng chéo, thiếu thống nhất.

Cù lao Phú Lợi, xã đảo Thạnh An (H.Cần Giờ, TP.HCM) vướng quy hoạch chồng chéo nên nhiều quyền lợi chính đáng của người dân về nhà đất bị “treo”.

Với xã đảo Thạnh An (H.Cần Giờ) – xã đảo duy nhất của TP.HCM, sự thiếu thống nhất giữa các văn bản, quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất và ranh rừng của cơ quan chức năng khiến hơn 1.100 hộ dân nơi đây bị giới hạn nhiều quyền lợi trên mảnh đất cha ông để lại. Theo đó, nhiều năm qua, người dân cù lao Phú Lợi, thuộc xã đảo Thạnh An không được tách thửa, mua bán, chuyển nhượng đất do vướng ranh rừng phòng hộ.

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM vào đầu tháng 7.2022, bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó bí thư Huyện ủy Cần Giờ, cho biết đang có sự không đồng nhất trong quy định về ranh rừng phòng hộ tại cù lao Phú Lợi giữa Sở QH-KT và Sở NN-PTNT TP.HCM. Sở QH-KT nói rằng khu vực này không nằm trong ranh rừng phòng hộ, nhưng lại thuộc phạm vi quản lý rừng theo các cơ sở pháp lý của Sở NN-PTNT. “Chính vì vậy mà nhiều bà con tại xã Thạnh An cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trong tay cũng không làm gì được”, bà Cẩm nêu bức xúc.

Dân ở ổn định từ trước khi có quy hoạch

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, UBND H.Cần Giờ đã cấp nhiều GCNQSDĐ cho người dân xã đảo Thạnh An với chức năng là đất ở nông thôn, nhưng sau đó Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ lại xác định là đất xen cài trong rừng phòng hộ. Điển hình như trường hợp của bà Nguyễn Thị Đi (ấp Thạnh Hòa) có mảnh đất rộng 69 m2 do cha mẹ để lại, được UBND H.Cần Giờ cấp GCNQSDĐ vào năm 2005 là đất ở nông thôn, nhưng đến cuối năm 2021 thì lại trở thành đất thuộc khu dân cư hiện hữu xen cài trong rừng phòng hộ Cần Giờ. Cù lao Phú Lợi có hơn 1.100 hộ dân với 4.800 nhân khẩu, chính quyền địa phương đã cấp GCNQSDĐ cho hơn 800 hộ nên những trường hợp như bà Đi khá phổ biến.

Là cư dân sinh sống ở cù lao Phú Lợi từ nhỏ, ông Đặng Hoàng Sơn, Phó chủ tịch UBND xã đảo Thạnh An, cho biết tại thời điểm người dân được cấp GCNQSDĐ với chức năng là đất ở nông thôn, thì cấp có thẩm quyền chưa nói rõ là cù lao Phú Lợi nằm trong ranh rừng phòng hộ. Mãi đến sau này, khi rà soát lại và bổ sung thì mới xác định cù lao trong ranh.

“Người dân mong muốn tách cù lao Phú Lợi ra khỏi ranh rừng phòng hộ để có điều kiện sản xuất, kinh doanh, buôn bán, đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện đang nằm trong ranh nên không làm ăn được gì hết”, ông Sơn nói.

Về việc xây dựng của người dân, ông Sơn cho biết nếu nhà có giấy tờ hợp lệ, đã có GCNQSDĐ thì vẫn được cấp phép xây dựng, sửa sang nhưng các dịch vụ khác như tách thửa, mua bán, chuyển nhượng thì bị các cơ quan chức năng từ chối. Nhiều gia đình vì có nhu cầu cấp bách cần chuyển nhượng, bán cho người khác thì chỉ mua bán bằng giấy tay.

Trường học cũng “dính” rừng phòng hộ

Không chỉ cù lao Phú Lợi “dính” ranh rừng phòng hộ mà ngay cả xã An Thới Đông có nhiều khu dân cư, trường học cũng bị ảnh hưởng. Hồi cuối năm 2016, dựa trên kết quả kiểm kê rừng, H.Cần Giờ đã đề xuất Tổ công tác kiểm kê rừng TP.HCM điều chỉnh đưa ra khỏi ranh giới rừng phòng hộ diện tích hơn 73 ha. Cụ thể, xã Thạnh An có 2 địa điểm gồm cù lao Phú Lợi và khu dân cư ấp Thiềng Liềng; còn xã An Thới Đông có khu dân cư Mút Bột, tiểu khu 5A, khu dân cư Tắc Cá Cháy và Trường THCS An Thới Đông.

Lý do được H.Cần Giờ đưa ra là các khu vực này đã hình thành khu dân cư hiện hữu trước khi rừng phòng hộ Cần Giờ được phê duyệt theo Chỉ thị 173 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về phê duyệt dự án tiền khả thi rừng phòng hộ môi trường TP.HCM; và bản đồ hiện trạng rừng phòng hộ H.Cần Giờ do Giám đốc Sở NN-PTNT phê duyệt tháng 8.1999.

Nguyên nhân dẫn đến việc quyền lợi của người dân bị “treo”, xuất phát từ sự thiếu thống nhất trong các văn bản, quyết định phê duyệt của cơ quan chức năng qua từng thời kỳ. Đơn cử như cù lao Phú Lợi, sổ lâm bộ của Sở NN-PTNT TP.HCM bàn giao ranh rừng năm 1995, thì cù lao rộng 71,5 ha, trong đó đất rừng là 61 ha và 10,5 ha đất ở. Còn theo bản đồ về duyệt quy hoạch sử dụng đất H.Cần Giờ đến năm 2020 được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2014 và điều chỉnh năm 2019, thì cù lao Phú Lợi rộng 46,7 ha, trong đó quy hoạch đất rừng là 24,2 ha, đất khu dân cư và công trình khác là 22,5 ha. Trong khi đó, theo số liệu kiểm kê rừng năm 2017 thì cù lao Phú Lợi rộng gần 48,6 ha, gồm 30,6 ha đất rừng và 18 ha đất ở.

Hay như Trường THCS An Thới Đông rộng hơn 1,6 ha, theo sổ lâm bộ thì nằm trong ranh quy hoạch rừng phòng hộ; theo quy hoạch sử dụng đất là đất giáo dục; còn kết quả kiểm kê rừng năm 2016 cũng không đưa diện tích này vào đất rừng.

Cần lập tổ liên ngành xử lý

Phó chủ tịch UBND H.Cần Giờ Trương Tiến Triển cho rằng những rắc rối về ranh rừng phòng hộ không đơn lẻ một sở, ngành nào có thể giải quyết được do liên quan quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ranh rừng… Do đó, huyện kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo thành lập tổ liên ngành do lãnh đạo một sở chủ trì làm đầu mối phối hợp các bên và địa phương tháo gỡ.

Trao đổi với PV Thanh Niên, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp khẳng định qua rà soát lại hồ sơ, thì cù lao Phú Lợi không nằm trong ranh rừng phòng hộ. Theo ông Hiệp, về mặt pháp lý thì chỉ gọi là rừng khi cây cối nằm trên đất lâm nghiệp; còn nếu quy hoạch là đất khác mà hiện đang có cây xanh, thì gọi là khoảnh rừng nằm trên đất không phải là đất lâm nghiệp. Khi đó, người dân có thể sử dụng đất theo quy hoạch với mục đích là đất ở, đất giáo dục, đất thương mại dịch vụ…

Lý giải cho rắc rối mà người dân đang gặp phải, ông Hiệp cho rằng có thể lúc vẽ trên bản đồ là rừng phòng hộ, nhưng trước khi là rừng phòng hộ thì người dân đã ở ổn định rồi. Tuy nhiên, ranh rừng liên quan đến nhiều quy hoạch của nhiều sở khác nhau như Sở TN-MT, QH-KT, NN-PTNT nên các đơn vị cần phải làm việc, thống nhất với nhau.

Đối với đề xuất đưa khoảng 37 ha ở xã An Thới Đông ra khỏi đất rừng để phát triển kinh tế, ông Hiệp nhìn nhận để phát triển địa phương theo định hướng đô thị sinh thái, thì cần phải có một số vị trí để làm dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, đất rừng phòng hộ là vấn đề nhạy cảm, việc điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Do H.Cần Giờ đang thực hiện điều chỉnh một số quy hoạch như quy hoạch chung, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đề án đưa huyện thành quận hoặc thành phố…, nên ông Hiệp đề nghị huyện cần xác định mục tiêu rõ ràng và đưa vào đề án, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đây sẽ là cơ sở pháp lý để điều chỉnh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới