Còn quá sớm để biết giai đoạn lõi tên lửa sẽ rơi chính xác khi nào hoặc ở đâu, nhưng các chuyên gia dự đoán nó có thể xảy ra trong vòng một tuần tới.
Cơ quan vũ trụ của Trung Quốc đã thực hiện một vụ phóng thành công tên lửa Long March 5B (Trường Chinh 5B) vào Chủ nhật 24/7, lúc 2:22 chiều theo giờ Bắc Kinh.
Mang theo phòng thí nghiệm mang tên Wentian nặng 22 tấn, nó đã đến trạm vũ trụ Tiangong (Thiên Cung) của Trung Quốc 13 giờ sau đó, theo tờ China Daily. Mô-đun phòng thí nghiệm Wentian (Vấn Thiên) nặng 20 tấn, dài 17,9 mét, sẽ cập cảng ở vị trí phía trước của mô-đun lõi Tianhe (Thiên Hòa), tạo ra một trạm vũ trụ hình chữ T. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử phát triển lĩnh vực không gian của Trung Quốc, một cuộc cập bến sẽ diễn ra với các phi hành gia có mặt trên trạm vũ trụ Tiangong.
Và tương tự như các lần phóng trước, giai đoạn cốt lõi của tên lửa vẫn ở trong quỹ đạo và hiện được thiết lập để thực hiện một chuyến bay trở lại Trái đất không kiểm soát. Và các nhà khoa học trên toàn cầu đang tự hỏi khi nào thì giai đoạn lõi nặng 21 tấn này sẽ quay trở lại bầu khí quyển và nó sẽ rơi ở đâu.
Về cơ bản, hai nhiệm vụ phóng trước đó của tên lửa Long March 5B đã gây ra đôi chút hỗn loạn cho mọi người sống trên Trái đất. Thay vì quay trở lại một cách có kiểm soát để hạ cánh xuống các khu vực ít dân cư hoặc biển, chúng thường được “thả tự do”. Vào tháng 5/2020, các mảnh vỡ từ phần lõi đã rơi xuống một khu vực có người sinh sống dọc theo bờ biển phía tây của châu Phi, trong khi một tên lửa được phóng vào tháng 4/2021 đã rơi xuống khu vực biển Ấn Độ Dương gần Maldives.
Tỷ lệ các mảnh vỡ tên lửa đáp xuống nhà của ai đó là đặc biệt thấp, nhưng rủi ro đối với tính mạng và tài sản của con người vẫn tồn tại. Theo nghiên cứu được công bố hồi đầu tháng này, khả năng một người nào đó thiệt mạng hoặc bị thương do các bộ phận tên lửa rơi sẽ tăng lên khoảng 10% trong thập kỷ tới. Trung Quốc cũng đã bị các tổ chức quốc tế nhắc nhở vì không “chăm sóc tốt” cho các tên lửa của mình, nhưng rõ ràng những lời khuyên này một lần nữa đã bị bỏ qua.
Hiện Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đã lập danh mục hai vật thể từ vụ phóng hôm Chủ nhật, một vật thể là Wentien và vật thể kia là phần lõi bị loại bỏ của tên lửa. Nhà thiên văn học Jonathan McDowell từ Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian dự kiến phần lõi sẽ quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất trong vòng một tuần hoặc lâu hơn.
“Thật không may, chúng tôi không thể dự đoán khi nào hoặc ở đâu”, ông giải thích trong một email. “Một phân đoạn tên lửa lớn như vậy không nên để trên quỹ đạo và thực hiện một chuyến bay trở lại không kiểm soát. Rủi ro đối với công chúng không lớn, nhưng nó lớn hơn mức tôi cảm thấy thoải mái”.
Trong một buổi live-stream trên nền tảng CCTV của Trung Quốc, Xu Yangson, Tổng giám đốc Tổ chức Hợp tác Không gian Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết nước này đã thực hiện “các biện pháp cần thiết” để đảm bảo rằng giai đoạn lõi sẽ quay trở lại một cách có kiểm soát. Tuy nhiên, theo McDowell thì đây là “một thông tin sai lệch”. Bởi theo chuyên gia này, giai đoạn lõi của Long March 5B sẽ yêu cầu nâng cấp hoặc sửa đổi đáng kể để sở hữu khả năng quay lại một cách có kiểm soát, và điều này hiện chưa thể xảy ra.
Còn đối với mô-đun Wentien, giờ đây nó sẽ được sử dụng để hỗ trợ một loạt các thí nghiệm khoa học từ nghiên cứu vi trọng lực và ảnh hưởng của bức xạ không gian, đến các thí nghiệm nghiên cứu sự phát triển của thực vật, côn trùng, động vật có vú nhỏ và vi sinh vật. Còn một mô-đun thứ ba, có tên Mengtian (Mộng Thiên), dự kiến sẽ phóng vào tháng 10 tới. Mengtian sẽ hỗ trợ một loạt các thí nghiệm lớn hơn, từ vật lý cơ bản đến khoa học vật liệu, bao gồm cả việc thử nghiệm chiếc đồng hồ chính xác nhất trên quỹ đạo. Theo các tuyên bố, đồng hồ nguyên tử do các nhà khoa học Trung Quốc phát triển có độ sai lệch chỉ nhanh hoặc chậm 1 giây sau mỗi 30 tỷ năm.
T.P