Bộ Tài chính đang tổng hợp, xây dựng báo cáo rà soát các luật thuế để đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế liên quan.
Mới đây, gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính, cử tri TP HCM cho biết hiện nay, thị trường bất động sản chưa thật sự lành mạnh, đã và đang xảy ra nhiều cơn “sốt” đất. Giá đất tăng liên tục, gây khó khăn cho người có thu nhập thấp thực sự cần nhà ở.
Do đó, cử tri kiến nghị có quy định thuế suất cao đối với những trường hợp đầu cơ bất động sản, ví dụ như đánh thuế đối với nhà sở hữu, đất nhận chuyển nhượng thứ hai trở đi, xử lý các hành vi gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Trước đó, cử tri Lâm Đồng cũng kiến nghị Nhà nước nên có chính sách đánh thuế lũy tiến trên số tài sản bất động sản và giá trị tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản ý nhà nước với thị trường bất động sản trước mắt và lâu dài, tạo sự công bằng, bình ổn chính sách thuế trong lĩnh vực bất động sản.
Cử tri Lâm Đồng cũng kiến nghị cần phân quyền cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực này và quyết định trên cơ sở khung giá của Chính phủ, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Trả lời các kiến nghị trên, Bộ Tài chính cho biết hiện hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí đối với bất động sản cơ bản bao quát đầy đủ các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong cả ba giai đoạn.
Trong khâu xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản có quy định về lệ phí trước bạ. Trong sử dụng, khai thác bất động sản, đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Trong chuyển nhượng bất động sản, đánh thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Mặt khác, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cũng quy định về áp dụng mức thuế suất lũy tiến đối với người sử dụng nhiều thửa đất ở trong phạm vi cấp tỉnh ở mức 0,03% đối với diện tích trong hạn mức; 0,07% đối với phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức và 0,15% đổi với phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức.
Áp dụng mức thuế suất cao đối với đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định 0,15%; đất lấn, chiếm 0,2%.
Bộ Tài chính khẳng định việc thực hiện các chính sách thuế, phí, lệ phí đối với bất động sản trong thời gian qua góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai, góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, từng bước hạn chế đầu cơ bất động sản, hạn chế việc sử dụng lãng phí đất đai, khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Song, trên cơ sở phản ánh như thuế thu sử dụng tài sản chỉ chiếm khoảng 0,036%/GDP, thấp hơn hàng trăm lần so với các quốc gia phát triển và mới chỉ điều tiết đối với đất. Trong khi đó, tỷ lệ thu thuế tài sản/GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển tại châu Á vào khoảng 2%/GDP.
Bộ Tài chính cho biết trên tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, để khắc phục những bất cập trong các quy định thuế liên quan đến bất động sản, Bộ Tài chính đang tổng hợp, xây dựng báo cáo rà soát các luật thuế để đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bất động sản và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021 – 2030.
Trước đó, chia sẻ riêng với Diễn đàn Doanh nghiệp, GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định: Ban hành Luật thuế bất động sản hợp lý là nhiệm vụ tối quan trọng được đặt ra, vấn đề còn lại là thống nhất ý chí trong bộ máy Nhà nước để thực hiện Nghị quyết 18, không lặp lại tình trạng 10 năm qua “phớt lờ” chính sách thuế bất động sản đã đặt ra trong Nghị quyết 19; và chuẩn bị hạ tầng quản lý đủ điều kiện để áp dụng được sắc thuế bất động sản này.
T.P