Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCác nước trong khu vực rót bao nhiêu vốn FDI đầu tư...

Các nước trong khu vực rót bao nhiêu vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, dòng vốn FDI đến từ các quốc gia Đông Nam Á đổ vào Việt Nam đạt khoảng 4,7 tỷ USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,21 tỷ USD, chiếm gần 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 526,2 triệu USD và 465 triệu USD.

Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,5%, 26,6% và 15,7% tổng số dự án.

Tính đến 20/7, đã có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27,3% so với cùng kỳ 2021.

Hàn Quốc đứng thứ hai với trên gần 3,26 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 48,2% so với cùng kỳ. Với dự án Lego tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD. Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 8,55% tổng vốn đầu tư

Trong các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Singapore, các quốc gia khác cũng đã đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, các quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam là Thái Lan, Malaysia, Brunei, Campuchia, Philippines và Indonesia.

Trong đó, Singapore dẫn đầu trong các quốc gia ở Đông Nam Á đầu tư vào Việt Nam với 121 dự án cấp mới và tổng vốn đầu tư đạt 4,3 tỷ USD. Theo sau là Thái Lan với 18 dự án cấp mới và tổng vốn đầu tư đạt 212,11 triệu USD. Xếp ở vị trí thứ 3 là Malaysia với 16 dự án cấp mới và 144,98 triệu USD đầu tư vào Việt Nam.

Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam. Đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản, chiếm khoảng 27%; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất điện, chiếm khoảng 18% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam.

Các dự án FDI của Thái Lan đầu tư vào Việt Nam đa số có quy mô nhỏ, các dự án có quy mô dưới 10 triệu USD chiếm tới hơn 77 % tổng số dự án đầu tư. Lĩnh vực thu hút nhiều dự án FDI của Thái Lan là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Thái Lan đã đầu tư tại 48/63 tỉnh thành phố của Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cùng với đó, các dự án đầu tư của Malaysia tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo chiếm 27% tổng vốn đầu tư đăng ký; đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 22% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là lĩnh vực lĩnh vực sản xuất điện chiếm 21% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam.

Malaysia hiện đã đầu tư tại 33/63 tỉnh thành phố của Việt Nam. Một số tỉnh, thành mà Malaysia đã đầu tư vào là TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đối với Brunei, Campuchia, Philippines và Indonesia, các dự án của các quốc gia này đầu tư vào Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới