Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyến đi trong “bão” của Chủ tịch Hạ viện Mỹ

Chuyến đi trong “bão” của Chủ tịch Hạ viện Mỹ

Nguồn tin của Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan đều hết sức bí mật. Cho đến chiều 2/8, các hãng tin nhà nước chính thức vẫn chưa hề công bố chuyến thăm của bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Thế nhưng những thông tin được cho là không chính thống đã tiết lộ: đêm 2/8 bà Pelosi sẽ có mặt ở Đài Bắc và sáng 3/8 bà sẽ có cuộc làm việc với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Vân Anh.

Quả là để có cuộc gặp giữa hai người đàn bà thép Pelosi và Thái Vân Anh đã tốn không biết bao nhiêu thời giờ, công sức của Lầu năm góc và Đài Bắc. Chuyến đi thăm bốn nước châu Á cùng với thăm “không chính thức” Đài Loan được Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc theo dõi sít sao, chuẩn bị vô cũng thận trọng, kỹ lưỡng. “Chuyến đi bão táp” này còn được sự quan tâm đặc biệt của báo chí quốc tế.

Lý do trở thành “bão” là vì căng thẳng Mỹ-Trung đang ở thời điểm cao nhất. Cuộc điện đàm tuần trước giữa Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịchTrung Quốc Tập Cận Bình không lóe lên chút ánh sáng nào, trái lại những bất đồng càng nóng lên, nhất là khi động tới các vấn đề liên quan đến Nga, Đài Loan và tình hình Biển Đông. Dịp này đại diện các cơ quan ngoại giao của Mỹ, Trung Quốc cũng liên tiếp “choảng” nhau, lời lẽ mang nặng tính chất hăm dọa, sẵn sàng sử dụng vũ lực.

Chuyến công du châu Á của bà Pelosi bắt đầu cuối tuần rồi, với các điểm đến được công bố chính thức là Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, không đề cập đến Đài Loan.

Bất chấp những yêu cầu phải bảo đảm bí mật tuyệt đối cho chuyến đi của bà Pelosi, nhưng truyền thông Mỹ (hãng tin Reuters, đài CNN) và Đài Loan (tờ China Times, tờ Liberty Times, đài Set News) vẫn đưa tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ đến Đài Loan vào tối 2/8 (giờ địa phương). Nguồn tin còn nêu rõ: phái đoàn của bà Pelosi sẽ ở tại hai khách sạn ở Đài Bắc là Grand Hyatt và Marriot.

Theo Set News bà Pelosi sẽ lưu lại Đài Bắc một đêm và gặp nhà Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cùng một số quan chức cấp cao vào sáng 3/8, sau đó sẽ rời đi.

Hiến pháp Mỹ quy định, Quốc hội là một nhánh bình đẳng với chính phủ, các nhà lập pháp có quyền tự do thăm bất cứ quốc gia nào họ muốn. Mặc dù vậy, Lầu năm góc lo ngại sự phản ứng từ Bắc Kinh cho nên khá dè dặt trong việc cử nguyên thủ thăm Đài Bắc. Phải 25 năm nay mới có chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi được xem là đổ dầu vào lửa trong quan hệ Trung-Mỹ. Washington lo ngại rằng, việc này có thể là tiền đề cho những bước đi quyết liệt hơn nữa của Trung Quốc trong những thời gian tới nhằm khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của đối với Đài Loan.

Tuy tỏ ra cẩn trọng, nhưng Tổng thống Biden từng tuyên bố dứt khoát: Mỹ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự trong trường hợp hòn đảo này bị tấn công. Mike Pompeo, Ngoại trưởng dưới thời Donald Trump, trong chuyến thăm Đài Bắc hồi tháng 3/2022 đã kêu gọi Mỹ công nhận “thực tế không thể chối cãi và đã tồn tại” nền độc lập của Đài Loan. Còn ông Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Trump, tuần trước cũng tuyên bố sau chuyến thăm Đài Loan: Chính sách Một Trung Quốc “đã kết thúc như nó phải thế và không chịu sự tác động từ bên ngoài”.

Hãng tin AP bình luận: “Trong bối cảnh Mỹ tìm cách cân bằng mối quan hệ có nhiều rủi ro với Trung Quốc, những quyết định của bà Pelosi sẽ đánh dấu thời điểm chính sách đối ngoại và nhân quyền mang tính quyết định cho nước Mỹ và nhà lập pháp cấp cao với nhiệm kỳ dài lãnh đạo Hạ viện”.

Vào thời điểm này, Tập Cận Bình đang tìm kiếm một nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới. Do vậy, để tỏ rõ uy thế của Đảng cầm quyền, khẳng định đường lối ngoại giao nhất quán, Bắc Kinh buộc phải gây áp lực đối với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Về phía Mỹ, Bộ Quốc phòng gần đây đã cảnh báo, có thể trước năm 2027, Bắc Kinh có thể sẽ thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. Cho đến nay, Mỹ vẫn là đồng minh và là đối tác cung cấp vũ khí số một của Đài Loan. Thế nhưng Lầu năm góc vẫn “mơ hồ” về khả năng bảo vệ Đài Loan bằng lực lượng quân sự, trong trường hợp Trung Quốc tấn công hòn đảo này.

Trong một cuộc họp báo hồi tháng 5 vừa qua, khi phóng viên hỏi: Liệu Mỹ có bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công của Trung Quốc hay không, Tổng thống Biden đã trả lời dứt khoát: Có! Điều này khiến cho các nhà báo có phần bất ngờ, bởi nó đi ngược lại chính sách của Washington là duy trì thái độ quân sự mập mờ.

Vậy Mỹ mập mờ hay dứt khoát? Câu trả lời có thể sẽ được hai người đàn bà thép trao đổi. Và chắc chắn nó sẽ là một bí mật tuyệt đối. Nếu không duy trì sự mơ hồ chiến lược đối với Đài Loan thì Wasinghton lo ngại nguy cơ xung đột với Trung Quốc sẽ lên tới đỉnh điểm dẫn tới một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới. Khi xảy ra cuộc chiến tranh Lạnh này Mỹ sẽ khó có thể duy trì cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc. Cạnh tranh toàn cầu mới là vấn đề “đại cục”.

Điều này, người Việt Nam thường nói rằng: “ chớ tham bát bỏ mâm”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới