Friday, November 15, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNỗ lực làm giàu từ kinh tế biển

Nỗ lực làm giàu từ kinh tế biển

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển”.

Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển phải phát triển bền vững. Trong ảnh: Cảng Hòa Phát Dung Quất tại Khu Kinh tế Dung Quất.

Thực hiện Nghị quyết số 36, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025. Và mới đây, ngày 28/7/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 118 triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy.

Nhận diện thách thức

Kinh tế biển tác động đến nhiều ngành nghề, đối tượng trong khi hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Một bộ phận ngư dân, người dân cũng như chính quyền các địa phương ven biển chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của biển – kinh tế biển.

Điều này dẫn đến tình trạng khai thác tài nguyên biển kiểu “mạnh ai nấy làm”, không gắn với phát triển, bảo tồn và tái tạo. Hậu quả là tài nguyên biển, trong đó có nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, giá trị sản phẩm kém sức cạnh tranh, thu nhập của ngư dân và người dân khu vực ven biển sụt giảm.

Ngoài ra, khoảng chục năm trở lại đây, người dân ven biển còn đối diện với tình trạng sạt lở, xâm thực ven biển cũng như sự suy giảm nhanh của diện tích rừng phòng hộ, rừng ngập mặn. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn và người dân đã hợp sức trồng mới và khôi phục rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển.

Hiện đã có hơn 200ha rừng ngập mặn ở các xã Bình Thuận, Bình Phước, Bình Trị, Bình Đông (Bình Sơn) được trồng mới. Hàng nghìn héc ta rừng ven biển, rừng ngập mặn tại các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, TP.Quảng Ngãi và TX.Đức Phổ được khôi phục.

Một thách thức nữa là, công tác quy hoạch tổng thể về khai thác biển hiện nay còn thiếu đồng bộ, dẫn đến sự chồng chéo trong công tác quản lý, đầu tư phát triển. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển cũng còn yếu kém, manh mún; nhất là hạ tầng phục vụ khai thác và chế biến thủy sản…

Hoàn thiện hạ tầng, phát triển ngành logistics

Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu, đến năm 2025, kinh tế các huyện, thị xã, thành phố ven biển và đảo Lý Sơn đóng góp trên 90% GRDP toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo khu vực biển giảm bình quân 1 – 1,5%/năm; ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển; 65% chất thải nguy hại, 90% chất thải rắn sinh hoạt, 95% chất thải y tế được xử lý đạt chuẩn. Quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn ven biển, độ che phủ rừng các địa phương ven biển đạt 30%. Khu kinh tế Dung Quất và các KCN, cụm công nghiệp ven biển phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh khu vực ven biển, nhất là đẩy mạnh phát triển ngành logistics, thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, các tuyến đường có tính kết nối ven biển của các địa phương trong vùng. Nhất là tuyến Dung Quất – Sa Huỳnh, nối dài từ KKT Dung Quất đến vùng đất Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ).

Với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, tuyến Dung Quất – Sa Huỳnh sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển, khai thác du lịch đối với các địa phương nơi tuyến đường đi qua. Hiện tại, giai đoạn I (đoạn Dung Quất – Mỹ Khê, Mỹ Khê – Trà Khúc và Trà Khúc – Ngã ba Quán Lượng) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Còn giai đoạn II (có tổng chiều dài hơn 49km) hiện đang được chủ đầu tư, chính quyền địa phương và đơn vị liên quan tập trung thực hiện.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng Dung Quất 1, nhằm hình thành tuyến container, phát triển dịch vụ logistics phục vụ vận chuyển hàng hoá thông qua cảng của Quảng Ngãi và khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, Quảng Ngãi đã quy hoạch 3 vùng lớn, gồm: KKT Dung Quất – chủ yếu phát triển cụm cảng, công nghiệp, đô thị và dịch vụ; khu vực TP.Quảng Ngãi – tập trung phát triển đô thị, du lịch; khu phát triển nghề cá và các dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trên cơ sở đó, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh sẽ chuyển từ phục vụ công nghiệp đặc thù (công nghiệp nặng và phụ trợ), sang phát triển kinh tế công nghiệp gắn với đô thị, du lịch và dịch vụ. Cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước tham gia phát triển logistics, tỉnh đang kiến nghị các bộ, ngành trung ương tăng cường hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu và logistics. Đồng thời, xem xét ban hành các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics phát triển.

Theo một số chuyên gia kinh tế, để kinh tế biển Quảng Ngãi phát triển bền vững, giúp tỉnh giàu lên từ biển, trước tiên cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của từng khu vực, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Tiếp đến, tập trung xử lý, thu hồi những dự án đã đăng ký hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng tiến độ thực hiện chậm, hoặc thuộc diện “quy hoạch treo”, để giao cho các nhà đầu tư có năng lực thực hiện. Ngoài ra, tập trung thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án, sớm đưa vào hoạt động.

Riêng lĩnh vực thủy sản, cần thiết phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đảm bảo nhu cầu khai thác và chế biến. Chú trọng việc xây dựng và hình thành các “đô thị nghề cá”, nhằm thu hút số lượng lớn tàu thuyền trong và ngoài tỉnh đến mua bán, trao đổi hàng hóa, sử dụng các dịch vụ hậu cần. Từ đó sẽ thúc đẩy lĩnh vực chế biến, thu hút và tạo nhiều việc làm cho lao động của các địa phương, đảm bảo an sinh xã hội khu vực ven biển.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới