Chậm mà chắc, sức nóng ngoại giao ở Biển Đông đang gia tăng. Không còn nơi nào khác trên thế giới mà an ninh năng lượng lại quá phụ thuộc vào những gì nằm sâu dưới đáy biển, vào việc kiểm soát cũng như tự do của các lộ trình vận chuyển hàng hải như thế.
An ninh năng lượng nghĩa là một quốc gia cảm thấy an tâm khi biết người tiêu dùng sẽ có thể tiếp cận với nguồn năng lượng đầy đủ, giá thành hợp lý và chất lượng từ rất nhiều nguồn trong thời bình cũng như thời chiến.Trong bối cảnh đó, chúng ta thực sự nhận thấy sự cân bằng an ninh mới giữa một Trung Quốc trỗi dậy và một nước Mỹ hiện thời.
Sự thất bại của ASEAN khi kết thúc hội nghị hàng năm mà không có tuyên bố chung đã nhấn mạnh thực trạng cạnh tranh trong tuyên bố chủ quyền giữa Trung Quốc và một số thành viên ASEAN ở những vùng khác nhau của Biển Đông.
Tàu Hải giám của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Xinhua.net
Philippines, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Trung Quốc đều đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong đó Trung Quốc có yêu sách lớn nhất, hầu như bao trùm toàn bộ vùng biển, thậm chí là cả khu vực sát cạnh bờ biển nước khác. Nhiều người lo ngại rằng, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc phản ánh cái gọi là “Học thuyết Monroe” của nước này.
Trung tâm tranh chấp là sự khẳng định chủ quyền mỗi nước với các nhóm đảo nhỏ. Hầu hết là rất nhỏ, phần nhiều trong đó chỉ có thể nhìn thấy khi thuỷ triều xuống rất thấp. Nhưng theo đúng nghĩa đen, thì các đảo càng nhỏ, càng ngập nước lại càng trở thành điểm nóng tranh chấp.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi các bên tuyên bố chủ quyền vận dụng luật pháp quốc tế. Ở đây không phải là chuyện cạnh tranh chủ quyền giữa các nước khác nhau, mà còn là cách hiểu và sử dụng cơ sở pháp lý khác nhau. Ví dụ, quan điểm về luật pháp quốc tế của Trung Quốc – dựa trên truyền thống cổ xưa, lịch sử và vị trí của riêng họ trong thế giới – khác hẳn với quan điểm của phương Tây đã định hình luật pháp quốc tế trong vài thế kỷ qua.
Và sau đó, không có gì ngạc nhiên khi mặc dù đã ký kết Công ước LHQ về Luật Biển, thì Trung Quốc lại càng thờ ơ trong việc ủng hộ Công ước. Thực tế là Trung Quốc không muốn tranh chấp giữa họ và các nước Đông Nam Á ở Biển Đông được đề cập tại hội nghị. Về phần mình, Mỹ lại quan tâm khuyến khích các cuộc thảo luận này.
Và cũng chẳng mấy bất ngờ khi Trung Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự không quân và hải quân từ hôm thứ ba.
Ngay cả khi cuộc tranh chấp tài nguyên dầu khí tồn tại và có thể leo thang, thì Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines vẫn chủ yếu trông vào việc vận chuyển số lượng lớn dầu khí nhập khẩu.
Nhìn vào vai trò quan trọng của Nhật, Hàn Quốc và Philippines trong cuộc chơi an ninh của Mỹ tại châu Á, đặc biệt trong sự cân bằng với một Trung Quốc đang trỗi dậy – thì không khó để nhận thấy, những lộ trình vận chuyển ấy – như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố – là “cực kỳ quan trọng” với Mỹ.
Tất nhiên, bất kỳ thành công nào trong việc khẳng định chủ quyền với nhóm đảo tranh chấp ở Biển Đông sẽ góp phần xác định phạm vi mà nước tuyên bố chủ quyền có thể khai thác tài nguyên dưới đáy biển và xung quanh đó. Nó còn cho phép mỗi quốc gia tuyên bố chủ quyền của mình với vùng lãnh hải xung quanh các đảo.
Mặc dù luật pháp quốc tế cho phép qua lại tự do ở các lãnh hải, nhưng không khó để hình dung rằng, một quốc gia nào đó có thể viện ra các lý lẽ để gây khó dễ với tàu chở dầu và khí đốt. Cũng không khó để thấy một cuộc khủng hoảng có thể nhanh chóng leo thang thế nào khi nguồn cung dầu và khí bị đe dọa.