Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Tập và khẩu hiệu “Thịnh vượng chung”

Ông Tập và khẩu hiệu “Thịnh vượng chung”

Sau một thời gian dài vắng mặt và được cho là tham dự hội nghị Bắc Đới Hà, ngày 16/8, ông Tập Cận Bình đã xuất hiện và đến thăm Liêu Ninh, ông một lần nữa đề cập đến “thịnh vượng chung”. Theo đánh giá, nó đã trở thành khẩu hiệu chính trị và phương tiện duy trì ổn định của ông Tập trên con đường tiến tới nhiệm kỳ ba.

Ông Tập Cận Bình.

Theo Tân Hoa Xã, vào chiều ngày 16/8, ông Tập Cận Bình đã đi khảo sát Nhà tưởng niệm Chiến dịch Liêu Thẩm và Công viên rừng Đông Hồ ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, sau đó đưa ra chỉ thị về công tác kiểm soát lũ lụt. Trong chuyến đi, ông Tập một lần nữa nhấn mạnh đến “thịnh vượng chung” và nói rằng ông “tràn đầy lòng tin về sự chấn hưng của vùng Đông Bắc”.

Trên mạng xã hội Twitter, thông tin ông Tập chú ý đến việc hồi sinh vùng Đông Bắc (gồm 3 tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang) đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi từ cư dân mạng:

“Chấn hưng Đông Bắc, hễ nhắc đến việc chấn hưng một vùng nào đó, nghĩa là nơi đó đang xảy ra chuyện lớn, có thể là cơn địa trấn trong chốn quan trường, hoặc lại là một trận sóng gió không hồi kết”.

“Nhóm công tác Chấn hưng Đông Bắc Trung ương đã tồn tại ít nhất 25 năm. Nhóm trưởng đều là cấp thủ tướng, nhóm phó đều là phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ hoặc ủy ban quan trọng. Vốn đầu tư rất lớn nhưng về cơ bản đều không hiệu quả. Vài năm trước, Jack Ma và Pony Ma lập nhóm tới Đông Bắc đầu tư, nhưng cuối cùng đều bỏ ngang”.

Hôm 16/8, tạp chí Cầu Thị (Qiushi) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng một bài viết của ông Tập Cận Bình có tên “Toàn Đảng phải quán triệt hoàn toàn, chính xác và đầy đủ lý niệm phát triển mới”, trong đó cũng đề cập đến “thịnh vượng chung”.

Bài báo nói, thúc đẩy toàn thể nhân dân thịnh vượng chung là một nhiệm vụ lâu dài và thực tế, không thể gấp gáp nhưng cũng không thể chờ đợi. Nó phải được đặt ở vị trí quan trọng hơn và “nỗ lực tích cực hơn nữa để hướng tới mục tiêu này”.

Bài báo cũng cho rằng, cần lên kế hoạch thống nhất cho tình hình trong nước lẫn quốc tế; lên chiến lược tổng thể để phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, song song với những thay đổi lớn của thế giới – những điều chưa từng thấy trong một thế kỷ qua; cũng như có trù tính chung về việc ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh đồng thời phát triển kinh tế, xã hội.

Bài viết còn nhấn mạnh, tình hình càng phức tạp, nhiệm vụ càng khó khăn thì càng phải bám sát sự lãnh đạo chung của đảng, sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tại sao ông Tập lại hô hào ‘thịnh vượng chung’ vào thời điểm này?

Ngoại giới nhận thấy rằng, cuộc vận động “thịnh vượng chung” do ông Tập lãnh đạo dường như đã hạ nhiệt trong năm nay, nhưng bây giờ các kênh truyền thông của đảng lại ra sức tuyên truyền, dẫn đến nhiều suy đoán khác nhau.

Ông Hồ Bình (Hu Ping), cựu Tổng biên tập danh dự của tạp chí Beijing Spring, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do (RFA), ông Tập Cận Bình phải liên tục “đánh bóng sự hiện diện của mình” để thể hiện rằng ông vẫn nắm quyền trước Đại hội Đảng 20. Đặc biệt là, ông Tập từng tuyên bố Trung Quốc đã hoàn toàn thoát nghèo, nhưng dưới thời đại dịch, ông lại kiên quyết với chính sách Zero Covid khiến nhiều tỉnh, thành bị đóng cửa, nằm im chờ đợi, lao động nhập cư không thể làm việc và rơi vào tình trạng nghèo đói.

Ông Hồ nói: “Một số khu vực vốn được cho là đã thoát nghèo thì nay lại hoàn nghèo. Vì vậy, khi nói những lời trên, ông ấy đang ám chỉ phải nắm bắt thời gian và nhanh chóng kéo các khu vực rơi vào vùng chuẩn nghèo lên, để nó trở thành một thành tựu chính trị có thể tự hào tại Đại hội 20. Nếu để rớt xuống không thể kéo lên, ‘toàn diện thoát nghèo’ sẽ dang dở và không dễ ăn nói trong Đại hội 20. Quan trọng là, ‘toàn diện thoát nghèo’ là thành tích chính trị chính của ông Tập, nhưng hiện giờ nó chắc chắn đã có vấn đề”.

Tiến sĩ Phương Tông Yến (Fang Congyan), trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Đài Loan, đã nhận lời phỏng vấn của tờ Sound of Hope. Bà phân tích, các vấn đề tài chính và bất ổn bất động sản xuất hiện gần đây ở Trung Quốc khiến ngoại giới cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thể cải thiện trong ngắn hạn.

Gần đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng thường nhấn mạnh rằng các vấn đề kinh tế cần được cải thiện, thậm chí còn có tin đồn ông Lý đối đầu và đe dọa đến việc tái đắc cử của ông Tập. “Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc ông ấy (ông Tập) một lần nữa kêu gọi thịnh vượng chung trước Đại hội 20 là để nói với thế giới bên ngoài rằng, ông ấy tự tin sẽ được bầu lại, hơn nữa còn đã có sự chuẩn bị đầy đủ”, tiến sĩ cho hay.

Bà Phương chỉ ra rằng, cuộc điện đàm trước đó giữa Tổng thống Mỹ Biden và ông Tập Cận Bình từng khiến ngoại giới nghĩ rằng căng thẳng Trung – Mỹ sẽ giảm bớt, nhưng Trung Quốc đã diễn tập quân sự quy mô lớn sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, vì thế không có khả năng mối quan hệ này sẽ được xoa dịu trong thời gian ngắn.

“Nếu Trung – Mỹ tiếp tục đối đầu và trở nên tồi tệ hơn, nó chắc chắn sẽ dẫn đến sự tách rời kinh tế giữa hai nước, hoặc có thể nói là tách rời kinh tế giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Đó không phải là điều tốt cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc”.

Tiến sĩ Phương suy đoán, giới lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh cũng dự đoán được triển vọng kinh tế Trung Quốc sẽ bi quan trong một hoặc hai năm tới, “có lẽ việc họ một lần nữa thúc đẩy thịnh vượng chung là để giải quyết tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc cũng như tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, còn đủ loại vấn đề khác như sinh kế của người dân và nhu cầu trong nước”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới