Cũng như Việt Nam từng cay đắng với dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, “quả đắng” mà Indonesia đang nếm trải là dự án đường sắt cao tốc kết nối Jakarta và Bandung do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng.
Indonesia trao hợp đồng đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung cho một một công ty Trung Quốc vào tháng 9/2015. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường” (BRI), do Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB) tài trợ vốn. Để triển khai, một công ty mang tên Công ty đường sắt cao tốc Indonesia-Trung Quốc đã được thành lập bởi các doanh nghiệp hai bên, trong đó, các doanh nghiệp Indonesia chiếm 60% cổ phần và doanh nghiệp Trung Quốc chiếm 40% cổ phần.
Chiều dài dự án là 142 km, khi hoàn thành, nó được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Jakarta đến đô thị quan trọng của Indonesia là Bandung xuống còn 40 phút, thay vì 4 tiếng với tuyến đường hiện thời.
Tuy nhiên, tới nay, sau hơn 7 năm, trong khi cao tốc chưa thấy đâu, thì người dân đảo quốc Đông Nam Á đã và đang bức xúc chứng kiến tiến độ nhanh như …rùa của dự án quan trọng này. Còn chính quyền của tổng thống Joko Widodo, đương nhiên, phải hứng chịu sự giận dữ cùng những lời chỉ trích của dư luận về việc đã “dễ dãi” và ngờ nghệch trước những lời đường mật của Bắc Kinh.
Thực ra trước đó, từ giữa năm 2021, báo chí, truyền thông, cả trong và ngoài nước từng làm nóng dư luận Indonesia với thông tin: dự án đã đội vốn lên 6,07 tỉ USD, so với dự kiến 5,5 tỉ USD thời điểm động thổ 5 năm trước. Và họ không thể không quy cho chính phủ tiêu tiền như “vỏ hến”, trong khi đất nước đang vật lộn với bộn bề khó khăn.
Tới tháng 2/2022 này, lại thêm một “tin buồn” mới còn buồn hơn. Tin được phát ra bởi chính Tổng giám đốc công ty đường sắt cao tốc Indonesia-Trung Quốc Dwiyana Slamet Riyadi: Dự án đường sắt cao tốc sẽ đội vốn không chỉ hơn 1 tỷ, mà tới khoảng 2 tỷ USD. Cũng ông này cho biết, do chính phủ đang triển khai kế hoạch di dời thủ đô nên lượng người tham gia giao thông tuyến đường sắt cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ giảm mạnh, do vậy, sẽ cần khoảng 40 năm mới có thể thu hồi vốn.
Những ngày tháng 8 này, dư luận Indonesia có phần hể hả hơn sau những gì có được từ chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Joko Widodo cuối tháng 7 vừa qua. Kết quả chuyến thăm đó, cùng những ngôn từ hân hoan, lạc quan trong Thông cáo báo chí chung về triển vọng quan hệ hai nước, còn được ghi nhận bởi nhiều văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực như vaccine, phát triển xanh, an ninh mạng, hàng hải…
Tuy nhiên có một điều mà nhiều người dân và dư luận Indonesia quan tâm và không thể không quan ngại – đó là việc Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ Indonesia xây dựng thủ đô mới có tên Nusantara, tại đảo Borneo, để thay thế Jakarta đang lún dần tới 20cm/năm, lại hay bị ngập và quả tải về dân cư.
Tham vọng của Jakarta, dự án sẽ được khởi công vào năm 2024, với nguồn kinh phí 30 tỷ USD, hoàn thành sau 10 năm thi công. Khi đó, Nusantara sẽ là một siêu trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, được vận hành thông minh, ít phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính…
Tuy nhiên, một dự án khổng lồ là thủ đô mới, liệu có thể kỳ vọng vào đối tác Trung Quốc về tiến độ và chất lượng? – Đó là điều mà nhiều người Indonesia và dư luận lo lại.
Cơ sở của sự lo ngại là nhỡn tiền: đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung trị giá hơn có 1/6 kinh phí so với dự án Nusantara, vậy mà Trung Quốc còn ì ạch, hỳ hục mãi chưa xong.
Vậy thì với siêu dự án Nusantara, liệu những lời hứa của Bắc Kinh có được bảo đảm? Nhiều người còn bức xúc rằng: đội vốn 2 tỷ USD cho vụ đường sắt cao tốc, chẳng lẽ, đó không thể coi là “học phí” cho sự tin cậy đối tác Trung Quốc hay sao?
T.V