Bên cạnh số ít doanh nghiệp đã tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tới các ngân hàng “xin” vay. Thậm chí, có những doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất này chỉ có “trong mơ”.
Hỗ trợ lãi suất 2%: “Kẻ mừng, người ngán”
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Vũ Văn Hoà – Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ Hà Lan cho biết, cách đây 3 tháng, doanh nghiệp được ngân hàng thông báo về chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31).
Với sự hướng dẫn của ngân hàng thương mại, doanh nghiệp của ông Hòa đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo quy định. Nhờ đó, doanh nghiệp đã tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng tại Agribank.
“Việc tiếp cận cũng không có khó khăn, hồ sơ thủ tục đều được ngân hàng hướng dẫn. Sau khi được hỗ trợ, lãi suất hiện nay doanh nghiệp đang vay là 6,2%/năm. Nhờ được giảm lãi suất, doanh nghiệp vượt qua được nhiều khó khăn, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào cao”, ông Hòa cho hay.
Chia sẻ rõ hơn, vị giám đốc doanh nghiệp này cho hay: Từ đầu năm đến nay, giá cả đầu vào tăng 20%, tuy nhiên sản phẩm sản xuất ra vẫn chưa thể “nâng” giá bán tương ứng với mức tăng của giá đầu vào. Do đó, việc hỗ trợ lãi suất 2%/năm đã đảm bảo cho doanh nghiệp thoát lỗ và có lãi.
Không phải doanh nghiệp nào cũng có được “may mắn” như doanh nghiệp của ông Hòa. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31 của Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa thể tiếp cận.
Công ty Ảnh Việt – hoạt động trong lĩnh vực du lịch là một điển hình. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt, doanh nghiệp phải chịu rất nhiều khó khăn khi tới các ngân hàng “xin” vay.
Ông Luận chia sẻ: “Các ngân hàng từ chối cho vay với lý do “hết hạn mức tăng trưởng tín dụng”, hoặc phải vay với lãi suất cao; còn để vay vốn hưởng ưu đãi 2% lãi suất thì điều kiện ràng buộc quá khó khăn”. Hơn nữa, qua 2 năm dịch bệnh, ngành du lịch tê liệt, việc yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh có lãi mới được hưởng chính sách ưu đãi gần như là điều không thể”.
Có nhà máy “đóng đô” trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, thuộc nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ 2%/năm lãi suất, song ông Nguyễn Văn Truyền cũng bày tỏ “ngao ngán” khi tiếp cận chương trình ưu đãi này.
“Nếu được hỗ trợ lãi suất 2% thì nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp có cơ hội để phát triển tốt sản xuất kinh doanh tốt hơn. Nhưng cũng như nhiều gói hỗ trợ khác, chương trình này chỉ nằm trong mơ, vì cũng có quá nhiều quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp. Phía ngân hàng họ cũng không mặn mà vì hết room tín dụng. Đến khi nào, các hỗ trợ của Việt Nam mới giống nước ngoài?”, ông Truyền bày tỏ.
Ngân hàng “vừa làm vừa lo”, cần có cơ chế riêng
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sau 3 tháng Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính được ban hành, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm đến nay mới chỉ đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng và số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng.
Như vậy, so với quy mô 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 – 2023, kết quả đạt được đến nay là quá thấp. Bản thân Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng thừa nhận sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm vẫn còn hạn chế.
Chia sẻ với PV Dân Việt, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cho biết, chi nhánh hiện giải ngân cho 2 khách hàng hưởng hỗ trợ lãi suất 2%/năm, với tổng dư nợ 3,9 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai hỗ trợ lãi suất, chi nhánh này gặp phải không ít khó khăn vướng mắc. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là câu chuyện về room tín dụng.
“Về cơ bản, room tín dụng của chi nhánh đã xài hết. Chi nhánh chỉ còn dư địa 70 tỷ đồng cho 5 tháng cuối năm, trong khi nhu cầu vay cuối năm rất lớn. Chi nhánh đã có báo cáo và xin nới room nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt. Đây là khó khăn trong quá trình triển khai chính sách, cho dù nhu cầu của doanh nghiệp là có”, vị giám đốc này cho hay.
Tại Vĩnh Phúc, mặc dù chủ động rà soát các doanh nghiệp đủ điều kiện của Nghị định 31, thông báo tới các doanh nghiệp để hoàn thiện hồ sơ thủ tục, song kết quả triển khai hỗ trợ lãi suất 2% cũng không được như kỳ vọng – theo chia sẻ của một phó giám đốc chi nhánh của ngân hàng thương mại “đóng” tại địa bàn này.
“Cơ bản chúng tôi không hạn chế bất cứ đối tượng nào đủ điều kiện theo Nghị định 31. Nhưng đến nay kết quả triển khai thấp, nguyên nhân do ngân hàng gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, khách hàng cũng rất “ngại” khi được yêu cầu cung cấp chứng từ hóa đơn như quy định của Bộ Tài chính. Các doanh nghiệp, còn có tâm lý e ngại sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra trong trường hợp tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất này”, vị này chia sẻ.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại ở TP.Hồ Chí Minh lại thừa nhận, nhiều ngân hàng có tâm lý e ngại không quyết toán được tiền đã hỗ trợ cho khách hàng sau nhiều năm, như một số chương trình hỗ trợ lãi suất đã triển khai trước đây. Hơn nữa, vì nguồn hỗ trợ được lấy từ ngân sách nhà nước, do đó quá trình triển khai hỗ trợ phải đảm bảo vừa hỗ trợ được khách hàng, vừa phải “đúng và trúng”, nếu làm sai sẽ bị truy trách nhiệm.
Một số chuyên gia thì cho rằng, các gói cho vay hỗ trợ từ trước đến nay quy mô rất “khủng” nhưng giải ngân lại rất thấp là do các nhà băng “vừa làm vừa lo”, vì vậy họ không mặn mà với những gói vay này. Nếu muốn triển khai những gói hỗ trợ lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách rõ ràng hơn cho các ngân hàng thương mại. Có thể quy định chi tiết đối tượng được vay hoặc bảo lãnh nếu có rủi ro thì Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ – các chuyên gia khuyến nghị.
Về room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc về việc nới room tín dụng sớm hơn, thay vì chờ đến quý IV/2022, nhằm đảm bảo triển khai chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ lãi suất 2%, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang tăng cao.
Mới đây Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã ban hành chỉ thị, trong đó yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động tiếp cận khách hàng, đồng hành, hướng dẫn khách hàng, giúp khách hàng hiểu đúng về chính sách để hạn chế tối đa các kiến nghị, khiếu nại của khách hàng.
Đồng thời, diải ngân kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo theo quy định tại Nghị định 31 và Thông tư 03/2022/TT-NHNN; đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích, ngăn ngừa các rủi ro, trục lợi chính sách.
Mặt khác, nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại nghị định của Chính phủ và thông tư của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất.
T.P