Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã vĩnh viễn ra đi hôm 08/7/2022 trong một vụ ám sát khi ông đang phát biểu vận động bầu cử Thượng viện cho Đảng Dân chủ tự do tại thành phố Nara, Nhật Bản. Tuy nhiên, những di sản ông để lại cho kinh tế Nhật Bản, cho hợp tác kinh tế khu vực, nhất là những di sản đối với an ninh ở khu vực và Biển Đông sẽ trường tồn.
Những di sản đậm dấu ấn của ông Shinzo Abe liên quan đến an ninh khu vực và Biển Đông có thể kể đến:
Trước hết, ông Shinzo Abe chính là người sớm nhận thức rõ về mối nguy cơ bành trướng của Trung Quốc và thi hành một chính sách cứng rắn với Bắc Kinh.
Chính sách đối ngoại của Nhật Bản dưới thời cố Thủ tướng Shinzo Abe là một chính sách được cấu tạo để đối phó với sự trỗi dậy thành cường quốc của Bắc Kinh. Nhật Bản sẽ gặp rủi ro lớn nếu Trung Quốc trở thành một cường quốc trên thế giới: (i) mối nguy thứ nhất có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia. Trung Quốc từ năm 2012 không ngừng gia tăng sách nhiễu, đưa tầu hải cảnh xâm nhập xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc và cả Đài Loan đòi hỏi chủ quyền; (ii) Nguy cơ thứ hai có bản chất hệ thống. Tokyo xem Bắc Kinh như là một cường quốc “xét lại” và điều này gây nguy hiểm cho trật tự thế giới tự do được thiết lập từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, mà dự án Con đường Tơ lụa mới là một ví dụ điển hình. Với Nhật Bản, dự án tầm cỡ địa chính trị này của Trung Quốc rất có thể còn nhằm một mục tiêu sau cùng là tái thiết một hệ thống quốc gia chư hầu dưới vỏ bọc tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, một hình thức để mở rộng các chuẩn mực và định chế Trung Quốc trong khu vực, thậm chí trên thế giới.
Chính trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán và hung hăng đối với các nước láng giềng, ngay khi lên cầm quyền lần thứ 2 vào năm 2012, ông Shinzo Abe đã vạch ra một chiến lược phản công làm đối trọng với Bắc Kinh. Một mặt, nỗ lực thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản để cho phép quân đội Nhật Bản can thiệp ra ngoài nước. Theo đó, năm 2015, ông Abe đã thúc đẩy thông qua luật an ninh gây tranh cãi cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các nhiệm vụ chiến đấu ở nước ngoài cùng với các lực lượng đồng minh, như một phần của “quyền tự vệ tập thể” để có thể phối hợp cùng với Mỹ liên quan đến an ninh của khu vực, trong đó có an ninh của Nhật Bản khi cần thiết.
Mặt khác, ông Shinzo Abe nỗ lực cải thiện mối quan hệ liên minh Mỹ – Nhật. Mối quan hệ mật thiết giữa Nhật – Mỹ được tăng cường từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, và được đích thân ông Shinzo Abe đặc biệt duy trì ngay cả khi ông Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Và trên thực tế cả chính quyền của ông Obama lẫn chính quyền của ông Trump đã nhiều lần khẳng định công khai quần đảo Senkaku thuộc phạm vi Hiệp nước an ninh Mỹ – Nhật bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh và điều này tiếp tục được chính quyền của Tổng thống Biden nhắc lại mặc dù ông Shinzo Abe không còn là Thủ tướng Nhật Bản. Đây được coi là một thành quả quan trọng của ông Shinzo Abe đối với an ninh của Nhật Bản trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
Theo quan điểm của ông Shinzo Abe, an ninh của khu vực không chỉ là ở khía cạnh quân sự mà kinh tế luôn là một yếu tố quan trọng. Do vậy, chính ông Shinzo Abe đã chủ động, tích cực thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác kinh tế ở khu vực như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và sau khi Mỹ rút thì là Hiệp định CPTTP nhằm ngăn chặn sự bành trướng về kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Ông Shinzo Abe còn tạo ra một chiến lược để liên kết các dự án viện trợ vốn rất phân tán của Nhật Bản, âm thầm thúc đẩy đề án “cơ sở hạ tầng chất lượng” như một giải pháp thay thế cho Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc nhằm đối phó với mưu đồ mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ra khắp thế giới.
Thứ hai, ông Shinzo Abe là chính khách đầu tiên đưa ra khái niệm về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Hội nghị quốc tế về Phát triển châu Phi (TICAD) tháng 8/2016. Khái niệm này bao trùm cả một khu vực rộng lớn, kéo dài từ phía tây Ấn Độ đi qua phía dưới này là Indonesia và các nước Đông Nam Á khác rồi vòng lên tận Bắc Cực, và phía lục địa Úc và New Zealand. Theo đó, tầm nhìn an ninh chiến lược của ông Shinzo Abe không chỉ bó hẹp ở những khu vực xung quanh Nhật Bản mà được mở toàn bộ các chuỗi đảo thứ nhất, thứ hai và thứ ba và trải dài qua khu vực Ấn Độ Dương.
Tiếp đó, vào tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump chính thức đề cập đến chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Đồng thời, Mỹ đã đặt lại tên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đến tháng 2/2022, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden chính thức công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với những nội hàm gồm các vấn đề an ninh và kinh tế cho cả khu vực này. Trong khi đó, các nước lớn ở châu Âu và cả Liên minh châu Âu cũng vạch ra chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình.
Trong những năm đứng đầu chính phủ Nhật Bản, ông Shinzo Abe chủ động tăng cường hợp tác quân sự với các nền dân chủ khác, khuyến khích các nước láng giềng đứng lên chống lại Trung Quốc. Dưới ngọn cờ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, Nhật Bản đã cố gắng duy trì quyền tự do hàng hải ở các vùng biển châu Á và các nguyên tắc tự do giao thương ở châu Á. Ông đã xây dựng mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Úc, Ấn Độ và các nước ở Đông Nam Á.
Tầm nhìn chiến lược của ông Shinzo Abe về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trở thành cơ sở để Nhóm “Bộ tứ” gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ hình thành cơ chế đối thoại an ninh hàng năm nhằm đối phó với những tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực. Trong 2 năm trở lại đây, Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm “Bộ tứ” đã được tiến hành định kỳ để thảo luận những vấn đề an ninh khu vực, thúc đẩy việc duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông – nơi Bắc Kinh đang ngày càng trở nên hung hăng hơn.
Ông Shinzo cũng chính là người nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình ổn định ở eo biển Đài Loan đối với an ninh của khu vực nói chung và đối với biển Hoa Đông và Biển Đông nói riêng. Phát biểu công khai của ông Abe “Nhật Bản và Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc tấn công Đài Loan” đã thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của ông và khiến Bắc Kinh hết sức tức tối.
Thứ ba, ông Shizo Abe là chính khách đã để lại dấu ấn đậm nét trong việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do an ninh hàng hải ở Biển Đông. Trong những năm trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe thường xuyên có những phát biểu công khai chỉ trích đích danh những hành vi hung hăng, gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế và khu vực cũng như trong các cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước.
Tại cuộc họp thượng đỉnh Nhật – Hàn với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye ngày 02/11/2015, ở Seoul, ông Shinzo Abe tuyên bố rằng Biển Đông là vấn đề gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế và ông muốn có sự hợp tác giữa hai nước (Nhật, Hàn) với Mỹ để duy trì một vùng Biển Đông “hòa bình, rộng mở và tự do lưu thông”. Tầm nhìn sắc sảo của ông đến nay đang từng bước trở thành hiện thực khi cả Seoul, Tokyo và Washington đều đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác 3 bên trên các vấn đề an ninh khu vực. Điều này khiến giới học giả đề cập tới khả năng hình thành liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Hàn nhằm kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc, thúc đẩy trật tự dựa trên pháp luật trong khu vực.
Trong thời gian cầm quyền, ông Shinzo Abe đã đến thăm tất cả các nước ASEAN và luôn nỗ lực thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất của ASEAN trên các vấn đề an ninh khu vực, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Trong chuyến thăm Indonesia sau khi nhậm chức lần thứ 2 năm 2012, ông Shinzo Abe đã công bố “Học thuyết Abe” trong quan hệ với Đông Nam Á gồm 5 nguyên tắc lớn, trong đó có nguyên tắc thúc đẩy hòa bình ổn định ở Biển Đông là hợp tác giữa Nhật Bản với các quốc gia thành viên ASEAN đảm bảo các vùng biển tự do và mở là tài sản chung quan trọng nhất, được điều chỉnh bởi luật pháp và quy tắc chứ không phải bằng vũ lực.
Nhằm duy trì tự do, an ninh hàng hải ở Biển Đông, ông Shinzo Abe đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác trên biển với các nước ven Biển Đông, trong đó có việc hỗ trợ Việt Nam, Philippines, Malaysia… tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Trong giai đoạn ông Abe cầm quyền, chính phủ Nhật Bản cũng đẩy mạnh hỗ trợ, trong đó có việc cung cấp các tàu tuần tra. Các nước ven Biển Đông, nhất là Philippines và Việt Nam (2 nước bị Trung Quốc chèn ép nhiều nhất ở Biển Đông) được coi là đối tác quan trọng trong chiến lược “ngoại giao cảnh sát biển” của Nhật Bản, được khởi động từ giai đoạn ông Abe nắm quyền, trong đó các bên cùng chia sẻ những giá trị chung về hòa bình và ổn định tại khu vực và Biển Đông.
Với tầm nhìn chiến lược, ông Shinzo luôn có ý gắn kết hòa bình ổn định ở biển Hoa Đông với hòa bình ổn định ở eo biển Đài Loan và Biển Đông trong tổng thể một trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với một mẫu số chung là tự do, an ninh hàng hải theo quy định của luật pháp quốc tế.
Điều gì đã khiến ông Shinzo Abe có cái nhìn mang tính chiến lược trong việc ngăn chặn Trung Quốc ở khu vực, nhất là ở Biển Đông. Giới phân tích đã chỉ ra một số nguyên nhân sau: một là, ông Shinzo Abe lần thứ 2 trở thành Thủ tướng Nhật Bản cũng là lúc Tập Cận Bình lên nắm quyền ở Bắc Kinh. Những tham vọng không có giới hạn của ông Tập (về cường quốc biển; “Giấc mộc Trung Hoa” hay sáng kiến “Vành đai, Con đường”…) đã khiến chủ nghĩa dân tộc Đại Hán và chủ nghĩa bá quyền trỗi dậy mạnh mẽ; hai là, việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động của tàu quân sự, tàu hải cảnh trong các vùng biển của Nhật Bản ở biển Hoa Đông và nhất là việc các tàu Trung Quốc liên tiếp xâm phạm vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku từ đầu thập niên thứ 2 của Thế kỷ 21 là nguyên nhân trực tiếp khiến ông Shinzo Abe nhận thức rõ “bộ mặt” bành trướng của Bắc Kinh; ba là, Biển Đông là tuyến đường hảng hải vô cùng quan trọng vận chuyển hàng hóa và năng lượng đối với Nhật Bản, việc Bắc Kinh thôn tính, khống chế Biển Đông sẽ chặn “con đường sống” của Nhật Bản. Cố Thủ tướng Shinzo Abe đã vĩnh viễn ra đi, song di sản mà ông để lại cho an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông được cả thế giới ngưỡng mộ. Ông Shinzo Abe là một chính trị gia đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp không chỉ trong lòng người dân Nhật Bản và được hầu hết mọi người yêu mến, kính trọng. Những di sản của ông Shinzo Abe để lại cho an ninh khu vực và Biển Đông đã, đang và sẽ tiếp tục được những thế hệ lãnh đạo tiếp của Nhật Bản tiếp nối, phát triển lên một mức độ cao hơn, đồng thời được lãnh đạo nhiều nước vận dụng. Nhân dân các nước ven Biển Đông xin cám ơn ông vì những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông nhằm thúc đẩy cho một trật tự dựa trên luật lệ quốc tế ở Biển Đông và vô cùng thương tiếc vĩnh biệt ông.