Saturday, January 11, 2025
Trang chủThâm cung bí sửNhật ký Diên An: Giang Thanh - Người đàn bà ham quyền...

Nhật ký Diên An: Giang Thanh – Người đàn bà ham quyền lực (Kỳ 11)

Nét nổi bật của Giang Thanh là có tính độc lập, biết nhanh chóng định hướng trong những vấn đề chưa biết. Tò mò, thích quyền hành, nhưng biết che giấu điều đó. Giang đặt lợi ích của Giang cao hơn hơn tất cả mọi cái khác.

Mao Trach Đông, Giang Thanh và con trai khi còn ở Diên An

12 tháng 11

Cùng với các hoạt động tình báo ở Đặc khu, “Phái bộ quan sát Đồng minh” đã tiến hành những bước làm suy yếu các mối liên hệ giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và Mát-xcơ-va. Rõ ràng là người Mỹ ngay từ lúc đầu đi nước cờ của họ ở Diên An, đã không có ảo tưởng: họ sợ đưa vũ khí cho những người cộng sản. Tưởng Giới Thạch trước khi cũng như hiện nay vẫn hợp ý họ. Nhưng những người lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đã bán mình một cách có ý thức. Họ quên tất cả, thậm chí họ cũng không che đậy các hành động nhơ bẩn của họ, miễn sao nhận được trang bị quân sự mà thôi.

Ý nghĩa của phái bộ Hớc-lây không chỉ ở chỗ khêu gợi Đặc khu hành động tích cực chống lại quân Nhật, mà còn ở chỗ chia rẽ ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc với Mát-xcơ-va.

Song những người lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc cũng biết “tránh khéo” đại diện riêng của Tổng thống Mỹ và đã đưa ra dự thảo hiệp ước những điều khoản riêng mà Tưởng Giới Thạch chắc chắn sẽ từ chối không chấp nhận.

Pa-tơ-rích Hớc-lây một con người quá tự tin, chỉ vì không hiểu rõ mâu thuẫn giữa Quốc dân đảng và Đảng cộng sản Trung Quốc, dựa vào quyền hành rộng lớn của mình, đã đặt bút ký tên vào 4 bản dự thảo hiệp ước. Một bản được để lại ở Diên An, những bản khác gửi cho Tưởng Giới Thạch và Ru-dơ-ven, còn bản thứ tư chắc Hớc-lây giữ làm kỷ niệm… Một kỷ niệm ghê tởm đối với Hớc-lây và nền ngoại giao Mỹ.

13 tháng 11

Ở các khu giải phóng Trung Quốc, đối với nông dân Đảng cộng sản thực hiện chính sách giảm tô và giảm tức.

14 tháng 11

Sáng ngày 10 tháng 11, Hớc-lây gửi thư riêng báo tin cho Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc biết rằng ông ta rất hài lòng với những kết quả hội đàm.

15 tháng 11

Xte-ti-ni-út-xơ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng đại sứ Mỹ ở Trung Quốc Clơ-rân-xơ Gau-xơ đã được triệu hồi, nhưng đại sứ mới chưa được Tổng thống bổ nhiệm. Hiện nay Gau-xơ vẫn còn ở Trùng Khánh. Uông Tinh Vệ, người đứng đầu Chính phủ bù nhìn Nam Kinh đã từ trần. Và từ trần đúng lúc – không thì không thoát khỏi toà án nhân dân.

Pa-tơ-rích Giu Hớc-lây, 61 tuổi, có học vị luật gia, tiến sĩ luật học, là cựu binh của chiến tranh thế giới lần thứ nhất, khi chiến tranh kết thúc, ông là đại tá. Bị thương nặng trong trận chiến đấu ở Ma-rơ. Năm 1943, là đại diện riêng của Tổng thống Ru-dơ-ven ở Trung Cận Đông ở Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện nay là thiếu tướng, đại diện của Tổng thống Mỹ ở Trung Quốc.

Mao uể oải. Ông ngồi nghỉ trên ghế bành, trên đi-văng: sở thích của ông ta là ăn ngon, ông ta ăn nhiều. Người ta phục vụ riêng cho ông hoa quả, bồ đào loại ngon nhất.

Trong thời gian gần đây, Mao không dự những buổi liên hoan nửa đêm. Mao thu hẹp diện khách khứa lại: một vài người chọn lọc thôi, đó là nhóm nhậu nhẹt của ông ta.

Nét nổi bật của Giang Thanh là có tính độc lập, biết nhanh chóng định hướng trong những vấn đề chưa biết. Tò mò, thích quyền hành, nhưng biết che giấu điều đó. Giang đặt lợi ích của Giang cao hơn hơn tất cả mọi cái khác.

Mao Trạch Đông hoàn toàn chịu ảnh hưởng của bà ta. Thậm chí chỉ vắng nợ một thời gian cũng đã mang bệnh rồi. Ooc-lốp kể rằng vắng Giang Thanh, Mao trở nên khó tính khó nết, đôi khi không chịu đo nhiệt độ và uống thuốc.

Giang Thanh đã đến thúc chồng giải quyết những vấn đề rất khác nhau và hoàn toàn không phải là những vấn đề trong gia đình, một cách khéo léo và không làm cho chồng cảm thấy bị quấy rầy.

16 tháng 11

Nếu Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc bắt đầu làm những công việc bất chính, thì ông lợi dụng tôi làm tấm bình phong. Tôi phải chuyển các bức điện của ông về Mát-xcơ-va.

Mao Trạch Đông hiểu rõ rằng Đặc khu vẫn chưa phải là một lực lượng quân sự và chính trị độc lập để có thể xem thường sự ủng hộ của Liên Xô. Vì thế, Mao Trạch Đông vội vàng thông báo cho Mát-xcơ-va, có thể nói là “trước tiên”. Lối hành động này có ý nghĩa khác. Sau khi đã có điện của Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, thì ông ta, tôi sẽ không tiện đưa ra một nhận xét nào khác nữa.

Để bổ sung vào bức điện được chuyển đi, Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đề nghị tôi chuyển về Mát-xcơ-va cả bức thư cảm ơn của tướng Hớc-lây.

Sau câu chuyện về đơn thuốc, sự can thiệp của Mát-xcơ-va, Mao Trạch Đông luôn luôn cảnh giác với tôi, tuy Mao giấu kín điều đó. Vì tôi là người làm chứng, người làm chứng duy nhất thực tế, ở ngoài ý muốn và quyền lực của ông ta. Mao “trung lập hoá” tôi bằng cách tỏ ra tin cậy, mời dự những tối liên hoan thân mật (Mao, vợ Mao và tôi, thường thường không còn ai nữa).

18 tháng 11

Quân Đức ngoan cố ném bom xuống miền Nam nước Anh bằng phi cơ phóng pháo.

Vài ngày trước đó người Anh đánh chìm thiết giáp hạm Đức “Ti-rơ-pit-xơ”. Từ khi bắt đầu chiến tranh, người Mỹ đã mất 33 tàu ngầm.

Quân Nhật tiến nhanh, dọc theo đường sắt, về phía tây Quế Lâm, về phía tỉnh Quý Châu. Chúng đã tới sát Lưu thành và Tân thành rồi. Bộ chỉ huy Trung Quốc đã sơ tán căn cứ không lớn về Liễu Châu (tỉnh Quảng Tây). Người Mỹ đã tập trung tất cả các phương tiện giao thông của họ để cứu các thiết bị có giá trị.

Đo-nơn Nen-xơn bay về Trùng Khánh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung hoa dân quốc Khổng Tường Hy đến thăm Nhà trắng.

Ru-dơ-ven thông báo về việc ông lựa chọn đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, nhưng hiện nay ông từ chối không nói tên.

Mỹ đưa tất cả các nguồn dự trữ quốc phòng, ngoại giao và chính trị để giải quyết nhanh chóng vấn đề Viễn Đông vì lợi ích của họ.

Người Mỹ hứa tăng nhanh việc cung cấp xe vận tải, pháo, đạn dược và những vũ khí, thiết bị khác căn cứ theo “Lend-lease Act” (thoả ước cho thuê mượn vũ khí – N.D) khi “con đường sống”, “con đường Xtin-oen” bắt đầu hoạt động. Sang năm thứ 8 của chiến tranh, ở Trung Quốc người ta cảm thấy thiếu cả đến vũ khí đơn giản nhất.

Đảng cộng sản Trung Quốc chưa phải là một đảng quần chúng đối với hơn một nửa tỷ dân. Tính chất thối nát của chế độ Quốc dân đảng – đó vẫn chưa phải là sức mạnh của Đảng cộng sản, đúng hơn thì đó là yếu tố thuận lợi cần phải lợi dụng rộng rãi để xây dựng và đoàn kết các tổ chức mới của Đảng. Yếu tố đó cực kỳ có lợi cho việc củng cố Đảng cộng sản Trung Quốc cả về số lượng và chất lượng.

Chính sách hiện nay của Đảng cộng sản Trung Quốc cố ý không nhận thấy những điều kiện thuận lợi đó và nhằm làm gay gắt thêm mối quan hệ với Quốc dân đảng. Chính sách đó làm khó khăn cho công tác tuyên truyền cổ động trong nước vì lợi ích của Đảng cộng sản, làm cho các vị trí của bọn chiếm đóng, bọn phản bội được tăng cường và tinh hình kinh tế trong nước xấu đi. Về cơ bản, chính sách đó vẫn cần có sự giúp đỡ của Liên Xô…

Điều kỳ lạ hơn cả là ở Đảng cộng sản Trung Quốc không có một cương lĩnh hành động rõ ràng và nhất quán, ngoài ý muốn thường xuyên của ban lãnh đạo của nó nhằm giành lấy chính quyền trong cả nước. tình hình đòi hỏi trước hết một công tác thận trọng, tỉ mỉ để tranh thủ đa số giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân Trung Quốc, cũng như phát triển ý thức chính trị của giai cấp công nhân. Hiện nay, Đảng cộng sản Trung Quốc rõ ràng là kém Quốc dân đảng về số lượng và ảnh hưởng, và là một đảng có cương lĩnh có tính chất phiến loạn và chưa thuần thục.

Trong đám chóp bu của Đảng cộng sản Trung Quốc thường xuyên âm ỉ một khát vọng phiêu lưu, tiến hành nội chiến không tính toán đến các hoàn cảnh khách quan, còn công tác cách mạng và cương lĩnh hành động thì bị thay thế bằng những ván bạc nguy hiểm đối với số phận của cách mạng. Món “tiền đặt cọc” trong những ván bạc này chính là sinh mạng của hàng chục vạn đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc.

19 tháng 11

Lẽ tất nhiên là Mao Trạch Đông bực tức vì vẫn cứ phải có những mối quan hệ với Mát-xcơ-va. Mao sẵn sàng cắt đứt mọi liên hệ với chúng ta, nếu như… Và những chữ “nếu như” ấy đã giữ ông ta lại, buộc ông ta phải vờ vĩnh, phải dùng mánh khoé. Tất cả những gì là quốc tế chủ nghĩa mà Quốc tế cộng sản là hiện thân, và góp phần vào sự phát triển của phong trào xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc, đối với Mao chỉ là những sự trói buộc hay những quy tắc sách lược. Hiện nay Mát-xcơ-va là hiện thân của cái quốc tế đó.

Nhưng những chữ “nếu như” thật đáng nguyền rủa! Nếu như đột nhiên Quốc dân đảng lại đi vào xung đột vũ trang với Đảng cộng sản Trung Quốc? Nếu như đột nhiên xảy ra nội chiến? Đảng cộng sản Trung Quốc chưa sẵn sàng để làm việc đó, không có vũ khí…).

Và có biết bao nhiêu những “nếu như” ấy; trong thực tế, việc giải quyết đa số những “nếu như” lại phụ thuộc vào thái độ của Liên Xô. Mao Trạch Đông hiểu điều đó, vì vậy trong khi dựa vào sự ủng hộ của Mát-xcơ-va, Mao vẫn lén lút bôi nhọ chính sách của Đảng cộng sản Liên Xô. Ông ta sợ rằng sự tiếp xúc gượng ép đó sẽ gây cho đảng và nhân dân thái độ thiện cảm với Liên Xô.

Bản chất của phong trào cộng sản ảnh hưởng rõ ràng đến hành vi của Mao Trạch Đông; những người cộng sản tin tưởng một cách thiêng liêng vào sự nghiệp giải phóng Tổ quốc mình khỏi bọn xâm lược phát xít, tin tưởng vào tương lai xã hội chủ nghĩa của đất nước, và nói chung họ hiểu rằng chính sách của Liên Xô đã kiềm chế tính chất xâm lược giai cấp của Tưởng Giới Thạch, Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc chú ý đến điều đó; nhiều lúc, ông bất lực trong việc thay đổi tính chất của quá trình; nhưng ông ta lại phải thích ứng với nó.

Tại các tối liên hoan do người Mỹ tổ chức, người ta uống rượu rất dữ: uýt-ky, bơ-ren-đi, rum, gin… và tất nhiên là có cả nhảy nữa!

Chiếc máy hát vẫn còn lưu lại trong ký ức của tôi về thời gian công tác ở Diên An! Chen chúc nhau trong các tối liên hoan, những tiếng la thét đến khản giọng, đĩa hát chạy đến mòn vẹt, tiếng gót chân rầm rập, những bộ mặt đầy mồ hôi, đỏ rực…

20 tháng 11

Bằng cách đánh tráo các con số, Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc theo đuổi những mục đích rất quan trọng.

Đảng cộng sản dựa vào một lực lượng quân sự quan trọng, tồn tại cả dưới hình thức dân quân tự vệ. Cách đây hoàn toàn không lâu, số lượng dân quân tự vệ được xác định là hai triệu người. Hiện nay trong các văn kiện, nó đã tăng lên một cách tùy tiện thêm 20 vạn người nữa. Con số 2 triệu 20 vạn được điện về Mát-xcơ-va và cho người Mỹ (theo sự nhận xét của chúng tôi thì Mao cũng không thấy ngượng). Sự lừa dối được lén lút đưa vào nhằm mục đích nhất định: thuyết phục cả Mát-xcơ-va lẫn người Mỹ rằng tiềm lực quân sự của Đảng cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng trên thực tế không khác gì nhau. Tỷ lệ này về con số không phản ánh được tình hình chính trị thực tế; nó sẽ đưa tới đánh giá không đúng sự phân bố lực lượng.

Tôi biết hoàn toàn rõ ràng rằng con số 2 triệu người, đó cũng không đúng. Cách đây hoàn toàn không lâu trong một lời kêu gọi, con số đưa ra lại ít hơn; và theo sự đánh giá có thể tin cậy được của Diệp Kiếm Anh, thì con số đó dù thế nào cũng không thể vượt quá 1 triệu người. Nhưng chính tham mưu trưởng Bát lộ quân cũng đã thổi phồng một cách có ý thức. Và nói cho thật đúng ra thì tất cả mọi cán bộ có trách nhiệm trong Đảng và trong quân đội cũng đều thổi phồng lên cả. Ở đây, bạn không thể tìm được sự thật. Với sự tán thành của Mao, lừa dối đã trở thành sách lược…

Trong các kế hoạch quân sự của Đồng minh, các cuộc đổ bộ đường biển giữ vị trí trung tâm. Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc cũng có sửa đổi kế hoạch của mình cho phù hợp. Bây giờ kế hoạch ấy dựa vào sự phối hợp chặt chẽ với các chiến dịch của người Mỹ và đòi hỏi vùng ven biển phải là khu vực hoạt động quân sự.

Để phát triển cái sách lược dùng số liệu bịa đặt, Mao Trạch Đông đã chính thức báo về Mát-xcơ-va con số mới về quân đội chính quy của Đảng cộng sản Trung Quốc và 558.747 người. Nhưng trong đó có cả số lượng các đơn vị lớn của quân du kích. Do đó, quân đội chính quy trong thực tế còn ít hơn rất nhiều. Trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ được 50% tổng số quân đó thôi.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới