Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLại một đoàn Nghị sĩ châu Âu “trêu tức” TQ

Lại một đoàn Nghị sĩ châu Âu “trêu tức” TQ

Mới đây, nhóm nghị sĩ châu Âu đã công khai tuyên bố sẽ tiếp tục các chuyến thăm theo kế hoạch đến Đài Loan, bất chấp căng thẳng vẫn phủ bóng hòn đảo này sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Theo đó, Chính trị gia Pháp Marie Pierre Vedrenne – thành viên Nghị viện châu Âu, tuyên bố kế hoạch thăm Đài Loan của Ủy ban Thương mại vào tháng 12 sẽ không bị ảnh hưởng sau những căng thẳng xoay quanh sự kiện Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới hòn đảo.

Tương tự, một nhóm nghị sĩ Đức cũng thông báo sẽ tới thăm Đài Loan vào tháng 10. Hay nhóm nghị sĩ thuộc Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh cũng dự định thăm Đài Loan vào tháng 11 hoặc đầu tháng 12 nhằm “thể hiện sự ủng hộ của Anh” với hòn đảo. Còn Thứ trưởng Giao thông Lithuania Agne Vaiciukeviciute tuần này cũng đã dẫn dắt phái đoàn tới Đài Loan để thảo luận về việc thiết lập quan hệ thành phố kết nghĩa giữa Cao Hùng và Klaipeda.

Ngay sau những tuyên bố dồn dập trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập khẩn cấp Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Âu để phản đối về các tuyên bố liên quan đến vấn đề Đài Loan.

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đặng Lịch đã phản đối mạnh mẽ” tuyên bố chung của G7 và tuyên bố của Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh mà chính các nước châu Âu là thành viên khi đề cập đến vấn đề Đài Loan. Theo ông Đặng Lịch, các tuyên bố này đã “xuyên tạc sự thật”, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, khiêu khích chính trị và là một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng đối với lực lượng ly khai đòi ‘’Đài Loan độc lập’’.

Cho đến nay, châu Âu vẫn chưa có phản ứng rõ ràng đối với chuyến thăm của bà Nancy Pelosi và các hoạt động quân sự chưa từng có của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, hôm 15/8, người đứng đầu chính sách đối ngoại của châu Âu, ông Josep Borrell, mô tả việc Trung Quốc bắn tên lửa đạn đạo qua Đài Loan và rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản là “những diễn biến đáng lo ngại dẫn đến bất ổn và leo thang rủi ro”.

Theo CNN, các sự kiện gần đây cho thấy châu Âu cần chuẩn bị cho những “cú sốc tương lai” trong khu vực, đồng thời có những cách thức cụ thể để làm việc với Đài Loan.

Ngoài ra, châu Âu cũng lo ngại rằng căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ có thể làm giảm bớt sự quan tâm của Mỹ ra khỏi cuộc đối đầu với Nga, trong bối cảnh chiến sự giữa Nga và Ukraine vẫn đang diễn ra quyết liệt và chưa có bất cứ dấu hiệu nào dừng lại.

Bên cạnh đó, một mối lo ngại khác “âm ỉ” trong lòng châu Âu là một trong những biện pháp đáp trả của Trung Quốc có thể làm gia tăng hơn nữa hợp tác với Nga, trong bối cảnh phương Tây đang muốn cô lập Nga để gây áp lực từ bỏ chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong hơn 5 tháng qua, Trung Quốc vẫn đang duy trì quan điểm trung lập về cuộc chiến ở Ukraine, nhưng vẫn giao thương với Nga mà không tham gia vào nỗ lực cấm vận do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, tình hình này có thể thay đổi khi Trung Quốc tìm cách trả đũa Mỹ vì chuyến thăm của bà Pelosi. Viễn cảnh Nga và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn có khả năng xảy ra và điều này có thể trở thành tin không vui cho châu Âu.

Mặt khác, châu Âu trong thời gian qua đã phát đi thông điệp ủng hộ Mỹ trong căng thẳng với Trung Quốc. Trước đó, Đại sứ của EU tại Trung Quốc đã cảnh báo Trung Quốc không sử dụng phương án quân sự với Đài Loan. Còn Ngoại trưởng Anh Elizabeth Truss – người đang chạy đua cho ghế thủ tướng – trong những tháng qua đã kêu gọi phương Tây “có những biện pháp giúp Đài Loan tự vệ”.

Cho đến gần đây, châu Âu đã né tránh đề cập đến vấn đề Đài Loan, nhưng việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến các nhà hoạch định chính sách của châu Âu phải suy nghĩ về những hậu quả của việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nếu Bắc Kinh thực hiện động thái cứng rắn nhằm vào Đài Loan. Điều này có thể thay đổi khi Bắc Kinh tìm kiếm những đòn bẩy để trừng phạt Mỹ.

Còn việc tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế Nga – Trung sẽ được coi là một tin rất xấu ở châu Âu. Và có một sự thống nhất ngầm rằng châu Âu sẽ phải đứng về phía Mỹ nếu căng thẳng gia tăng hơn giữa giữa Trung Quốc và Mỹ.

Vì vậy, Trung Quốc cần phải chuẩn bị cho khả năng các lãnh đạo chủ chốt của châu Âu có thể “nối gót” Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi trong những tháng tới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới