Wednesday, November 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVì sao khó mời nhà đầu tư làm trạm dừng nghỉ cao...

Vì sao khó mời nhà đầu tư làm trạm dừng nghỉ cao tốc?

Nguồn vốn đầu tư lớn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về doanh thu là một trong những rào cản khiến DN chưa mặn mà đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc.

Trạm dừng nghỉ do VIDIFI xây dựng tại Km 52 bên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Hai trạm dừng nghỉ nằm đối diện nhau, phục vụ cả ngày lẫn đêm, được khai trương cuối năm 2017.

Muôn kiểu đầu tư

Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đã được tỉnh Quảng Ninh chính thức thông xe từ đầu tháng 9. Điều đáng nói tuyến cao tốc dài hơn 170km này lại không có trạm dừng nghỉ.

Lý giải nguyên nhân, tỉnh Quảng Ninh cho biết tách trạm dừng nghỉ thành một dự án riêng để giảm tổng mức đầu tư của tuyến đường.

Tuy vậy, theo tìm hiểu, hiện địa phương này cũng đang rất loay hoay trong việc triển khai, tiến độ khá chậm.

Lãnh đạo một cơ quan chuyên môn thuộc Sở GTVT Quảng Ninh cho hay, trạm dừng nghỉ tại xã Thống Nhất (TP Hạ Long) đã có mặt bằng sạch.

Trạm ở huyện Vân Đồn và Hải Hà đang được xây dựng quy hoạch và triển khai các bước tiếp theo.

Sau khi có mặt bằng sạch sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực triển khai.

Ngoài Vân Đồn – Móng Cái, nhiều tuyến cao tốc khác sau nhiều năm đưa vào khai thác vẫn không có trạm dừng nghỉ như cao tốc: Bắc Giang – Lạng Sơn, Trung Lương – Mỹ Thuận, Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Riêng cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, dù Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) đã san lấp hạ tầng, xây bãi đỗ xe, lát vỉa hè nhưng vẫn chưa hình thành được trạm dừng nghỉ. Nguyên nhân do lượng xe thưa thớt nên không nhà đầu tư nào mặn mà.

Trước đó, toàn bộ 8 trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đều được VEC xã hội hóa bằng việc áp dụng cơ chế chỉ định thầu sau khi đã san lấp mặt bằng.

Lãnh đạo VEC cho hay, việc kêu gọi các nhà đầu tư khó khăn vì nhiều địa bàn thưa dân cư, lưu lượng thấp, trong khi vốn đầu tư lớn.

Còn tại cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, ông Vũ Hữu Thành, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN (VIDIFI) cho biết, phần hạ tầng trạm dừng nghỉ như đường dẫn, nhà trạm, cây bãi đỗ xe, cây xăng được đưa vào thiết kế và được xây dựng đồng thời với tuyến đường.

Phần kinh doanh dịch vụ tại trạm được cho thuê mặt bằng và nhà đầu tư sẽ trích một phần lợi nhuận trả cho VIDIFI.

“VIDIFI thuê một đơn vị định giá tài sản, trên cơ sở đó sẽ đấu giá, nhà đầu tư nào trả giá cao sẽ được thuê, nguồn thu sau khi trừ các chi phí sẽ được tính toán vào phương án tài chính của tuyến đường, giúp rút ngắn thời gian thu phí của dự án”, ông Thành cho hay.

Thực tế những năm qua cho thấy với nhiều cách làm khác nhau, mô hình xã hội hóa đầu tư trạm dừng nghỉ chưa hiệu quả khi không thu hút được tư nhân đầu tư quản lý – kinh doanh.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Vũ Tuấn Phong, Giám đốc Trạm dừng nghỉ V52 Hải Dương cho biết, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra cả trăm tỷ đồng để xây dựng hạ tầng.

Tuyến đường nào có lưu lượng xe thấp sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó thu hồi vốn. Thêm nữa, mỗi tuyến cao tốc sau khi khánh thành thường có độ trễ, thời gian đầu rất ít người đi…

Tách thành dự án riêng sẽ khó

Hiện nay, nước ta đã đưa vào khai thác gần 1.200km đường bộ cao tốc. Đến năm 2030, mạng đường bộ cao tốc Việt Nam có khoảng 5.000km.

Theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, khoảng cách 50 – 60km sẽ bố trí một trạm dừng nghỉ. Như vậy, số lượng lớn trạm dừng nghỉ cần xây dựng là rất lớn.

Trong điều kiện nguồn lực Nhà nước có hạn, vấn đề đặt ra là việc kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân sẽ như thế nào?

Theo ông Vũ Hữu Thành, nếu tách trạm dừng nghỉ thành dự án riêng, nhà đầu tư sẽ phải thực hiện tất cả các hạng mục từ GPMB, xây dựng nhà, đường dẫn.

Việc phải bỏ ra số tiền lớn trong khi khó thu hồi vốn sẽ không thu hút được tư nhân đầu tư.

“Vì thế, nên đưa trạm dừng nghỉ vào tổng mức đầu tư tuyến đường. Tổng mức đầu tư tuyến cao tốc thường vài ba nghìn tỷ đồng nên việc bỏ thêm vài chục tỷ đồng đầu tư hạ tầng trạm dừng nghỉ không phải là việc khó”, ông Thành nói.

Đồng quan điểm, ông Vũ Tuấn Phong cho rằng, khi nguồn vốn đầu tư trạm dừng nghỉ được đưa vào tổng mức đầu tư dự án, hạ tầng trạm dừng nghỉ sẽ được xây dựng đồng thời với xây dựng tuyến đường.

Cách thức này dễ dàng thu hút tư nhân tham gia kinh doanh trạm dừng nghỉ.

Loại bỏ “xin- cho”

Một lãnh đạo Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) cho biết, theo Nghị định số 32/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc, cấp quyết định đầu tư hoặc cơ quan thực hiện nhiệm vụ quyết định đầu có trách nhiệm và thẩm quyền quyết định đầu tư đối với trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc bao gồm: nguồn vốn đầu tư, hình thức đầu tư.

Từ đó có hình thức lựa chọn nhà đầu tư hay đầu tư công phù hợp quy định của pháp luật.

Liên quan đến đầu tư trạm dừng nghỉ thuộc dự án đầu tư cao tốc Bắc – Nam phía Đông, vị này cho hay, chủ trương của Bộ GTVT sẽ đầu tư theo hướng: trong dự án hoạch định vị trí trạm dừng nghỉ, thiết kế tổng mặt bằng, đảm bảo các chức năng cơ bản.

Kinh phí GPMB nằm trong tổng mức đầu tư dự án, phần xây dựng trạm dừng nghỉ do nhà đầu tư tự thực hiện, không tính vào tổng mức đầu tư.

Để đảm bảo công khai minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ VN xây dựng Thông tư quy định về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Việc kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân khác tham gia đầu tư hoặc xây dựng, sử dụng nguồn vốn đầu tư cũng như mô hình quản lý, vận hành, khai thác sẽ được thể hiện tại thông tư này.

Đồng tình với cách làm này, PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (VARSI) cho biết, quy hoạch công trình phụ trợ như trạm dừng nghỉ cần phải song hành với quy hoạch mạng lưới đường cao tốc. Khi thiết kế đường cao tốc cần thiết kế luôn cả trạm dừng nghỉ.

Theo ông Chủng, Luật Giao thông đường bộ quy định rõ, nhà đầu tư có quyền và nghĩa vụ xây dựng công trình phụ trợ là trạm dừng nghỉ khi làm đường cao tốc.

Trạm dừng nghỉ nằm ở địa bàn tỉnh nào, tỉnh đó phải có nghĩa vụ GPMB và bàn giao cho nhà đầu tư.

Từ quy định của Luật, kinh phí xây dựng trạm dừng nghỉ hay công trình phụ trợ khác không được phép tính vào tổng mức đầu tư của dự án đường cao tốc.

Hay nói cách khác, kinh phí đầu tư trạm dừng nghỉ nằm ngoài tổng mức đầu tư và phương án tài chính của dự án.

Đây là công trình mang tính chất dịch vụ và nhà đầu tư được quyền khai thác, giúp nhà đầu tư có thêm nguồn thu nuôi dưỡng hệ thống, bù đắp thiếu hụt, khó khăn về tài chính.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới