Hôm nay (26/9), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo, bắt đầu từ ngày 28/9, sẽ nâng tỷ lệ dự phòng rủi ro ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh ngoại hối dài hạn từ 0 lên 20%. Điều này được kỳ vọng sẽ ổn định thị trường ngoại hối và tăng cường quản lý vĩ mô.
Tính đến 9h56 phút hôm nay 26/9, 7,1490 đồng nhân dân tệ đổi được 1 USD, mức thấp nhất từ tháng 6/2020 trở lại đây. Từ tháng 8 năm nay trở lại đây, đồng nhân dân tệ đã giảm giá 5,6% so với đồng USD.
Theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thông tin tài chính Ngũ Siêu Minh, mục đích của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nâng tỉ lệ dự phòng rủi ro ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh ngoại hối dài hạn là phát ra một tín hiệu về kỳ vọng ổn định tỷ giá hối đoái trên thị trường, đồng thời có tác dụng ngăn chặn đầu cơ đồng nhân dân tệ, mở ra triển vọng ổn định tỷ giá hối đoái và duy trì sự ổn định hợp lý của tỷ giá đồng nhân dân tệ.
Ông Ngũ Siêu Minh cho rằng, việc nâng tỷ lệ dự phòng rủi ro ngoại hối sẽ ổn định tỷ giá hối đoái theo hai phương diện cung và cầu, giảm việc trả lãi, giảm việc cung cấp nguồn vốn cho việc rút ngắn tỷ giá đồng nhân dân tệ. Ngoài ra, nó còn tăng báo giá, chi phí mua ngoại hối dài hạn và hạn chế yêu cầu mua ngoại hối dài hạn.
Trong vài năm qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng tỷ lệ dự phòng rủi ro ngoại hối để điều tiết kỳ vọng thị trường ngoại hối. Khi kỳ vọng đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh, tỷ lệ dự phòng rủi ro ngoại hối được nâng lên và khi kỳ vọng nhân dân tệ tăng giá mạnh, tỷ lệ dự phòng rủi ro ngoại hối sẽ giảm xuống.
Trước đó, ngày 5/9, phát biểu tại cuộc họp về chính sách của Quốc vụ viện Trung Quốc, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Lưu Quốc Cường cho biết, xu hướng dài hạn về tỷ giá của đồng nhân dân tệ là rõ ràng, sự công nhận của thế giới đối với nhân dân tệ ngày càng tăng. Hiện tại, đồng nhân dân tệ biến động theo hai chiều là trạng thái bình thường.
T.P