Nền kinh tế Nga đã từng bước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường. Tính đến năm 2021, Nga là nền kinh tế lớn thứ 5 ở châu Âu, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới tính theo GDP danh nghĩa và lớn thứ 6 tính theo PPP. Hơn nửa năm qua, nước Nga chịu nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây khi tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” với Ukraine và gánh chịu nhiều khó khăn, thiệt hại.
“Siêu cường” năng lượng
Vị trí địa lý rộng lớn, trải dài từ Đông sang Tây là một yếu tố quan trọng quyết định đến hoạt động kinh tế của Nga. Đặc biệt, quốc gia này nắm giữ một phần lớn tài nguyên thiên nhiên của thế giới. Nga đã được mô tả là một siêu cường năng lượng.
Nga có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, trữ lượng than lớn thứ hai, trữ lượng dầu lớn thứ tám, và trữ lượng đá phiến dầu lớn nhất ở châu Âu. Do đó, Nga là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai, và là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.
Dự trữ ngoại hối của Nga lớn thứ năm thế giới. Nga cũng có lực lượng lao động khoảng 70 triệu người, lớn thứ sáu thế giới và có số lượng tỷ phú lớn thứ 5 thế giới.
Bên cạnh đó, Nga có một ngành công nghiệp vũ khí đồ sộ và tinh vi, có khả năng thiết kế và sản xuất thiết bị quân sự công nghệ cao, và là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới.
Với những lợi thế to lớn như vậy nhưng nền kinh tế Nga cũng bộc lộ rõ những điểm yếu, mất cân đối trong các ngành công nghiệp. Trước năm 2020, lĩnh vực dầu khí chiếm khoảng 40% thu ngân sách liên bang của Nga và lên tới 60% kim ngạch xuất khẩu của nước này vào năm 2019.
Năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường của Nga ước tính giá trị của các nguồn tài nguyên thiên nhiên lên tới 844 tỷ USD hay 60% GDP của đất nước.
Nga là quốc gia có nợ nước ngoài thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn, mặc dù sự bất bình đẳng về thu nhập hộ gia đình và của cải vẫn tương đối cao.
Sau khi tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine vào cuối tháng 2, Nga đã phải đối mặt với một số lệnh trừng phạt và tẩy chay từ phương Tây và các đồng minh, được mô tả là một “cuộc chiến kinh tế và tài chính toàn diện” nhằm cô lập nền kinh tế Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu đã ước tính thiệt hại do các lệnh trừng phạt gây ra “cú sốc nguồn cung lớn nhất kể từ ít nhất là đầu những năm 1970”, và sẽ khiến nền kinh tế Nga suy giảm 10% vào năm 2022.
Kể từ đầu năm 2022, nhiều số liệu thống kê kinh tế chính thức của Nga đã không còn được công bố.
Thời kỳ khó khăn kéo dài
Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga đã trải qua một quá trình chuyển đổi căn bản, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu.
Chương trình cải cách triệt để theo định hướng thị trường của Yeltsin được biết đến như một “liệu pháp sốc”. Tuy nhiên, kết quả khá ‘thảm hại” với GDP thực tế giảm hơn 40% vào năm 1999, lạm phát quét sạch tiết kiệm cá nhân.
Việc giảm mức sống, bao gồm gia tăng bất bình đẳng kinh tế và nghèo đói, cùng với sự gia tăng tỷ lệ tử vong và giảm tuổi thọ. Nga phải hứng chịu sự gia tăng tỷ lệ tử vong trong thời bình lớn nhất mà một nước công nghiệp phát triển từng trải qua.
Tương tự như vậy, việc tiêu thụ thịt giảm, vào năm 1990, một công dân trung bình tiêu thụ 63 kg thịt mỗi năm; đến năm 1999, nó đã giảm xuống còn 45 kg.
Phần lớn các doanh nghiệp nhà nước được tư nhân hóa trong bối cảnh tranh cãi gay gắt và sau đó thuộc sở hữu của những người trong cuộc với giá thấp hơn nhiều so với giá trị của chúng. Quá trình tư nhân hóa nhanh chóng này đã làm thất thoát tài sản công và tình trạng tham nhũng lan rộng liên quan đến nó được biết đến với cái tên “tư nhân hóa” hay “sự chiếm đoạt tài sản” của nhưng doanh nhân thức thời.
Trong khi đó, những khó khăn trong việc thu ngân sách của chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng và sự phụ thuộc vào việc vay nợ ngắn hạn để tài trợ thâm hụt ngân sách đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 ở Nga.
Trong những năm 1990, Nga là “bên vay lớn nhất” từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, với tổng số khoản vay là 20 tỷ USD.
Sau sự kiện sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014 và việc Nga tham gia vào cuộc chiến đang diễn ra ở Donbas là lý do để Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada và Nhật Bản đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Điều này dẫn đến sự suy giảm của đồng ruble của Nga và làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính Nga. Nga đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối với một số quốc gia, trong đó có thời hạn một năm cấm hoàn toàn thực phẩm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu và Mỹ.
Theo Bộ Kinh tế Nga, vào tháng 7/2014, tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm 2014 là 1%. Bộ dự kiến tăng trưởng 0,5% cho năm 2014. Nền kinh tế Nga tăng trưởng tốt hơn dự kiến 0,6% trong năm 2014.
Nền kinh tế Nga có đi vào suy thoái từ đầu năm 2014, chủ yếu do giá dầu giảm, các lệnh trừng phạt và cuộc tháo chạy vốn sau đó. Trong khi năm 2014 tăng trưởng GDP vẫn ở mức dương 0,6%. Năm 2015 nền kinh tế Nga thu hẹp 3,7% và tiếp tục thu hẹp vào năm 2016. Đến năm 2016, nền kinh tế Nga phục hồi với mức tăng trưởng GDP 0,3% và chính thức thoát khỏi suy thoái. Tăng trưởng tiếp tục trong năm 2017, với mức tăng 1,5%.
Tháng 2/2022, Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine, nền kinh tế nước này đã tiếp tục phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
T.P