Chiến lược đối tác Thái Bình Dương đã được Nhà Trắng lần đầu công bố hôm 29/9. Chiến lược này nằm trong chiến lược tổng thể Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ. Vậy là cái bánh khổng lồ đang bị hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc xâu xé, với những chiến lược bài bản.
Thực ra không chỉ có Mỹ mà là cả khối NATO đang muốn thâu tóm khu vực này. Trong khi đó, Bắc Kinh đã và đang có những động thái cụ thể, chuẩn bị ký kết an ninh và hợp tác với một số quốc đảo ở đây, và đã hoàn thành việc ký kết với quần đảo Solomon.
Trước hết hãy cùng tìm hiểu xem Chiến lược đối tác Thái Bình Dương của Mỹ có những nội dung gì đáng chú ý? Nó tác động ra sao đến tình hình khu vực, đặc biệt là ảnh hưởng gì tới đại chiến lược “một vành đai một con đường” của Trung Quốc?
Thái Bình Dương là một tiểu khu vực quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Washington khẳng định, sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ phụ thuộc vào một khu vực Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chính vì vậy, chính quyền Biden-Harris (tên gọi chính quyền hiện hành trong các giao tiếp công khai chính thức) đang tăng cường can dự với các quốc đảo Thái Bình Dương.
Mỹ coi việc can dự vào các quốc đảo ở đây là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình, nhằm thúc đẩy các cam kết của Mỹ đối với các quốc đảo ủng hộ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và có chung các mục tiêu của Chiến lược 2050 của Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương.
Chiến lược đối tác Thái Bình Dương của Mỹ có bốn mục tiêu chính. Một, xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua việc tăng cường hiện diện ngoại giao cũng như can dự của Mỹ ở khu vực; hai, kết nối các quần đảo Thái Bình Dương với thế giới, trong đó Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương là nơi để các bên cùng tìm tiếng nói chung; ba, xây dựng khu vực các quốc đảo Thái Bình Dương bền vững, sẵn sàng ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu và các thách thức khác trong thế kỷ XXI; bốn, trao quyền và mang lại thịnh vượng cho người dân các quốc đảo Thái Bình Dương.
Theo đó, Mỹ cam kết tăng cường thương mại và đầu tư với các quốc đảo Thái Bình Dương, mở rộng quan hệ nhân dân, cải thiện cấu trúc y tế, mang lại cơ hội phát triển và giáo dục cho người dân với sự tập trung dành cho phụ nữ và thanh niên.
Chiến lược đối tác Thái Bình Dương nhằm mục tiêu bao trùm là: tiếp tục xây dựng một nền tảng vững chắc cho các mối quan hệ lịch sử, văn hóa và nhân dân với các quốc đảo Thái Bình Dương. Từ đây, Mỹ sẽ xích lại gần hơn với các quốc đảo Thái Bình Dương, tạo ra cơ hội và cùng hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức của khu vực, đặc biệt là cuộc khủng hoảng khí hậu.
Về chữ nghĩa trong văn bản không hề đụng tới vấn đề an ninh-quốc phòng, không hề đụng đến Trung Quốc, một siêu cường đang âm mưu lôi kéo các quốc đảo khu vực này về phía mình. Washington luôn khẳng định, Mỹ đầu tư hay quan tâm khu vực này vì lợi ích quốc gia, cũng như hệ thống trật tự dựa trên luật lệ, nhằm bảo đảm tăng trưởng hợp tác phát triển khu vực. Do đó, nước Mỹ không ép các quốc gia phải chọn bên và cách tiếp cận không phải nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Nói vậy mà không phải vậy. Cách đây chưa lâu, Bắc Kinh từng bày tỏ thái độ dứt khoát: Trung Quốc kiên quyết phản đối một số thế lực khuyến khích NATO mở rộng sang châu Á- Thái Bình Dương, hoặc dựa vào liên minh quân sự tạo thành “phiên bản NATO châu Á -Thái Bình Dương”.
Nay thì nguy cơ miếng da báo NATO loang ra khu vực Thái Bình Dương đã rõ mồn một. Tiến sĩ Denghua Zhang, một chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Trường Châu Á – Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Úc cho rằng, phía Trung Quốc luôn nêu rõ muốn thể hiện các cam kết và hỗ trợ đối với khu vực. Tuy nhiên, Hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc với Quần đảo Solomon và cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung đã gây ra rất nhiều mâu thuẫn.
Ai cũng thấy những “ẩn ý” đối với an ninh khu vực của thỏa thuận mà Bắc Kinh đề xuất với các đảo quốc Thái Bình Dương. Đây là một trong những lý do khiến Trung Quốc không thể ký kết một thỏa thuận toàn diện với 10 nước đối tác ở Thái Bình Dương như kỳ vọng trong chuyến công du của Ngoại trưởng Vương Nghị.
Đến nay mới chỉ có Solomon ký hợp tác an ninh với Trung Quốc. Còn các đảo quốc khác thì im lặng hoặc từ chối thẳng thừng. Ký một văn bản thì dễ nhưng xé bỏ một văn bản là rất khó khăn. Họ lắc đầu một cách dứt khoát vì cho rằng, các đảo quốc Thái Bình Dương có ý chí riêng để hành động và lựa chọn rõ ràng trong quan hệ đối ngoại của riêng họ cũng như phản ứng với những mối lo ngại cụ thể tại khu vực. Họ cần có sự độc lập trong lựa chọn và đã nhận thức rõ những định hướng an ninh như vậy có thể mang lại điều gì cho đất nước mình, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong thời đại ngày nay, bất kỳ thỏa thuận đa phương rộng lớn nào với các điều khoản an ninh mạnh mẽ cũng là bất khả thi. Thỏa thuận trước đó của Solomon với Trung Quốc chỉ nên coi là một ngoại lệ, không bao giờ là một dự báo về sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc trong toàn khu vực.
Và đúng như vậy, Mỹ bất ngờ công bố Chiến lược đối tác Thái Bình Dương. Xem như đây là sự chen chân vào một miền đất hứa. Mỹ chen chân vào đây đương nhiên là bóng đáng NATO đã thấp thoáng trước cửa.
Trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX, Mỹ chơi con bài này kể cũng là hóc hiểm!
H.Đ