Trong giai đoạn 3 của xung đột Ukraine, Nga huy động thêm binh sĩ để giữ vững lãnh thổ họ đã chiếm được, đồng thời đẩy nhanh việc tạo ra một trật tự thế giới mới.
Việc Nga quyết định động viên hàng trăm nghìn nam giới vào quân đội đánh dấu sự bắt đầu của một giai đoạn mới trong xung đột với Ukraine. Và giai đoạn thứ 3 này đã được củng cố khi Nga xúc tiến sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye).
Nga mở màn giai đoạn 1 bằng việc đưa quân vào Ukraine vào ngày 24/2/2022. Ban đầu Nga định chiếm Kiev một cách chớp nhoáng, hy vọng ban lãnh đạo Ukraine sẽ sơ tán tới Lviv hoặc rời bỏ đất nước. Mặc dù đại diện ngoại giao các nước phương Tây đã rời Kiev khi ấy, Nga đã không đạt được mục tiêu ban đầu và rút lui.
Moscow sau đó khởi động giai đoạn 2 của cuộc xung đột: Tấn công dữ dội ở miền Đông Ukraine. Kết quả, các lực lượng Nga chiếm được một số thành phố, làng mạc, bao gồm thành phố Severodonetsk vào tháng 6. Nhưng sau đó Ukraine tiến hành phản công ở miền Nam và miền Đông, Nga bắt đầu bước sang giai đoạn mới nhất của xung đột này.
Giai đoạn 3 của xung đột bao gồm việc huy động thêm quân để giữ các lãnh thổ mà Nga đã chiếm được. Tổng thống Nga Putin đang xoay trục từ việc chỉ công nhận nền độc lập của các vùng ly khai là Lugansk và Donetsk sang sáp nhập các nước cộng hòa tự xưng này. Nga cũng đang đẩy mạnh sáp nhập Zaporozhye và Kherson ở miền Nam.
Nga củng cố “lãnh thổ”
Nga đã sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để ngăn chặn các nỗ lực lên án hành động của họ.
Nga giờ đã tạo ra thách thức lớn cho phương Tây khi họ chính thức chiếm một dải rộng lớn ở miền Nam và miền Đông Ukraine. Một mặt, với động thái đó, Nga có thể tuyên bố bất cứ cuộc phản công nào của Ukraine là sự xâm chiếm “lãnh thổ Nga” vì giờ Nga đã bắt đầu sáp nhập 4 vùng này. Mặt khác, động thái sáp nhập đó khiến Ukraine khó gia nhập khối quân sự NATO và các tổ chức khác vì Ukraine đang trong tình trạng chiến tranh.
Giờ đây mục tiêu của Nga là tạo ra một xung đột quân sự bất tận mà trong đó Ukraine cuối cùng sẽ bị đẩy xa hơn nữa khỏi mục tiêu tái chiếm Donetsk và Lugansk, chưa nói đến Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014.
Kế hoạch “trật tự thế giới mới”
Tổng thống Putin đã nói rõ rằng Nga muốn thúc đẩy quá trình kiến tạo một trật tự thế giới mới thoát ly sự chi phối của phương Tây. Tại diễn đàn Liên Hợp Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đã tránh bỏ phiếu chống lại Nga, và Nga rất chú ý bảo đảm rằng các nước này giữ khoảng cách với phương Tây. Đây cũng là những nước thuộc khu vực Bán cầu Nam hoặc phi phương Tây, Nga muốn họ đứng về phía mình để cân bằng lại Mỹ trong một trật tự thế giới hậu Mỹ chứ không phải trật tự đơn cực do Mỹ dẫn dắt.
Nga đã và đang hợp tác với các nhóm quốc tế khác, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) để xây dựng một trật tự thế giới bài phương Tây.
Trong bài phát biểu hôm 30/9, Tổng thống Putin cố gắng làm cho thế giới hiểu về một giai đoạn hoàn toàn mới của trật tự quyền lực và chính trị toàn cầu.
Ông Putin lên án phương Tây đã làm nhiều điều sai trái trong lịch sử, bắt đầu bằng kỷ nguyên thực dân, tiếp diễn với cách nước Anh đối xử với Ấn Độ và việc quân Đồng minh ném bom thành phố Dresden (Đức) trong Thế chiến II.
Nhà lãnh đạo Nga cũng công kích các giá trị của phương Tây và tuyên bố Nga đang dẫn dắt việc bảo vệ gia đình và trẻ em.
Phản ứng của phương Tây
Moscow tiếp tục bóng gió về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu xung đột hạt nhân nổ ra, đây sẽ là giai đoạn 4 của cuộc xung đột Nga – Ukraine, trong đó Nga sẵn sàng từ bỏ nhiều thứ để lựa chọn biện pháp cứng rắn nhất.
Hành động quyết liệt của Nga có thể khiến Mỹ gia tăng sự hậu thuẫn dành cho Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ có thể không lôi kéo được nhiều nước theo mình để chống Nga. Cho tới nay, một bộ phận lớn của thế giới vẫn chưa chọn bên. Bán cầu Nam và Trung Quốc có lẽ sẽ không ngả sang phương Tây. Điều này khác với năm 2001, khi Tổng thống Mỹ Bush kêu gọi sau vụ tấn công khủng bố 11/9 rằng mỗi quốc gia phải chọn bên, hoặc đứng với Mỹ, hoặc đứng cùng hàng ngũ với lực lượng khủng bố.
Hồi năm 1990, trong bối cảnh khủng hoảng ở vùng Vịnh, Tổng thống Mỹ Bush cha cũng phát biểu đề cập một “trật tự thế giới mới” mà trong đó các quốc gia cả Đông lẫn Tây, Bắc lẫn Nam có thể thịnh vượng và sống trong hòa hợp.
So sánh các phát biểu của Tổng thống Mỹ trước đây với Tổng thống Nga bây giờ cho thấy rõ Nga muốn đảo ngược tiến trình của vài thập kỷ vừa qua. Các quyết định của Nga tại Ukraine sẽ là một thách thức đối với trật tự thế giới đã được thiết lập.
T.P